Quảng Bình: Nhiều chỉ số tăng, nhưng thu ngân sách 6 tháng chỉ đạt hơn 1/3 kế hoạch

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
12/07/2023 11:01 GMT+7

Theo số liệu báo cáo kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của UBND tỉnh Quảng Bình, trong thời gian này tỉnh có nhiều chỉ số về kinh tế quan trọng tăng đáng kể, tuy nhiên thu ngân sách trên địa bàn chỉ ước đạt 2.580 tỉ đồng (chỉ bằng 36,8% dự toán của cả năm 2023).

Sáng 12.7, tại phiên làm việc đầu tiên kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII, UBND tỉnh Quảng Bình đã có báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tiếp tực thực hiện kế hoạch năm 2023.

Quảng Bình: Nhiều chỉ số tăng, nhưng thu ngân sách 6 tháng đạt hơn 1/3 kế hoạch - Ảnh 1.

Kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Bình lần này, các đại biểu bàn bạc thông qua nhiều quyết định quan trọng

NGUYỄN PHÚC

Theo UBND tỉnh Quảng Bình, mặc dù gặp nhiều khó khăn chủ quan và khách quan, nhưng nhờ sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND cùng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân, 6 tháng đầu năm Quảng Bình vẫn đạt được những kết quả khả quan. 

Trong đó, đáng chú ý gồm: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái (đứng 20 cả nước, đứng thứ 2 các tỉnh Bắc Trung bộ); giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,85% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,45% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 8,05% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện hơn 12.950 tỉ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái; giải quyết việc làm cho gần 11.200 lao động, đạt 60,4% so với cùng kỳ năm ngoái…

Quảng Bình: Nhiều chỉ số tăng, nhưng thu ngân sách 6 tháng đạt hơn 1/3 kế hoạch - Ảnh 2.

Kỳ họp lần này của HĐND tỉnh Quảng Bình dự kiến kéo dài trong 3 ngày

NGUYỄN PHÚC

Tuy nhiên, có 1 chỉ số rất đáng lưu tâm là tổng thu ngân sách lại không như mong muốn. Cụ thể, tổng thu ngân sách 6 tháng trên địa bàn ước thực hiện được 2.580 tỉ đồng, chỉ đạt 36,8% dự toán địa phương (trong khi dự toán cả năm là 7.000 tỉ đồng). Theo số liệu UBND tỉnh Quảng Bình cung cấp chỉ có 7/17 khoản thu đạt và vượt tiến độ (50%) dự toán cả năm. Trong khi đó, tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm đã thực hiện hơn 7.200 tỉ đồng.

Theo UBND tỉnh Quảng Bình, số liệu trên là do kinh tế của tỉnh không có nhiều dư địa để duy trì mức tăng trưởng cao, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế. Thu ngân sách đạt thấp so với kế hoạch. Quy mô sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp còn nhỏ; nhiều dự án đầu tư chậm tiến độ so với chủ trương đầu tư được phê duyệt, cơ sở hạ tầng và nhân lực phục vụ du lịch còn hạn chế…

Điểm sáng lớn nhất 6 tháng đầu năm là du lịch

Quảng Bình: Nhiều chỉ số tăng, nhưng thu ngân sách 6 tháng đạt hơn 1/3 kế hoạch - Ảnh 3.

Du lịch vẫn là điểm sáng nhất của tỉnh Quảng Bình trong 6 tháng đầu năm 2023

BÁ CƯỜNG

Điểm sáng lớn nhất của kinh tế Quảng Bình 6 tháng đầu năm 2023 chính là du lịch. Tổng số khách du lịch trong 6 tháng đầu năm đến với Quảng Bình ước đạt 2 triệu lượt (gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Theo UBND tỉnh Quảng Bình, thương hiệu du lịch của tỉnh ngày càng được khẳng định, đánh giá cao thông qua kết quả bình chọn của các tạp chí uy tín và sự hài lòng của du khách. Phong trào "Mỗi người dân là một đại sứ du lịch" ăn vào tiềm thức của nhân dân.

Điểm nhấn khác cho kinh tế Quảng Bình nửa đầu năm 2023 chính là việc địa phương này tổ chức thành công Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Quảng Bình và xúc tiến đầu tư năm 2023 tại Hà Nội với chủ đề "Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư". Tại đây, Quảng Bình đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác với 29 nhà đầu tư/32 dự án và khu vực quan tâm đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 5 tỉ USD.

Quảng Bình có khoảng 105 tấn rác thải mỗi ngày chưa được thu gom, xử lý hợp vệ sinh

Đó là con số trong báo cáo kết quả giám sát chuyên đề tình hình thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình từ năm 2018 đến năm 2022 của Đoàn giám sát HĐND tỉnh Quảng Bình công bố tại kỳ họp này. Theo báo cáo, cả tỉnh Quảng Bình hiện có 7 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động và 1 nhà máy phân loại xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ tại xã Lý Trạch (H.Bố Trạch).

Cũng theo báo cáo, về nước thải, ngoài TP.Đồng Hới, các địa phương khác chưa có lộ trình thu gom, xử lý nước thải tập trung theo quy định. Mà ngay tại Đồng Hới, tỷ lệ thu gom nước thải chuyển tới nơi xử lý cũng còn quá thấp (38.73%).


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.