Quan tâm người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị quan trọng

23/07/2023 06:45 GMT+7

Ngày 22.7, tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) diễn ra Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Hội nghị do Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư; lãnh đạo các tỉnh, thành và 300 đại biểu đại diện cho hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng đến từ khắp mọi miền Tổ quốc dự hội nghị.

ĐÃ DÀNH HƠN 357.000 TỈ ĐỒNG ĐỂ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng những tình cảm sâu nặng, lòng tri ân sâu sắc và lời thăm hỏi ân cần, thân thiết nhất.

Quan tâm người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị quan trọng - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi các Mẹ Việt Nam anh hùng tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023

TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2023), để thành kính tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cũng như tôn vinh những tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vươn lên, vượt qua sự mất mát to lớn và nỗi đau chiến tranh để lại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong suốt 76 năm qua, thấu hiểu chia sẻ sự mất mát, thiệt thòi của những người có công, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa và ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ cụ thể, thiết thực, hiệu quả đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ… coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.

Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55 ngày 21.7.2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75 năm 2001. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng tăng thêm 26,5% và được áp dụng từ 1.7.2023.

Trong giai đoạn 10 năm (2012 - 2022), Chính phủ đã dành hơn 357.000 tỉ đồng để thực hiện chế độ đối với người có công và thân nhân, gia đình người có công. Cả nước đã vận động được trên 13.000 tỉ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỉ đồng; làm tốt công tác chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời gần 3.000 Mẹ Việt Nam anh hùng.

Đời sống của người có công, gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên, cải thiện về vật chất và tinh thần. Đến nay, 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

XÚC ĐỘNG VÀ TỰ HÀO

Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động: "Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau. Những giọt nước mắt vẫn còn lăn trên má của những người mẹ vì "ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ". Những vết thương chiến tranh vẫn hằng ngày đau nhức, nhất là lúc trái nắng, trở trời. Những di chứng do chất độc da cam giày vò biết bao số phận. Những ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của vợ, chồng, của cha, mẹ mình…"

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà và trao kỷ vật chiến tranh cho 20 cán bộ đi B. Họ là những cán bộ miền Bắc đã tình nguyện lặng lẽ vượt Trường Sơn, chi viện sức người cho miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thủ tướng cũng đã tặng quà cho 8 Mẹ Việt Nam anh hùng tham gia hội nghị. Đồng thời, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư đã tặng 40 đại biểu các phần quà ý nghĩa, thay lời tri ân, động viên những người có công với cách mạng.

Trước những day dứt, trăn trở đó, Thủ tướng đề nghị thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Trong đó tập trung phát huy mạnh mẽ truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Đồng thời tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật đối với người có công kịp thời, hiệu quả, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn với tinh thần không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi; tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, thực hiện tốt các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" như: xây "Nhà tình nghĩa", Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", tặng "Sổ tiết kiệm tình nghĩa", phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng...; góp phần bù đắp những thiệt thòi của người có công và gia đình có công với cách mạng.

Thủ tướng cũng mong những người có công với cách mạng tiếp tục phát huy truyền thống, ý chí tự lực, tự cường, cống hiến sức lực, trí tuệ, luôn là những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập... cho thế hệ trẻ noi theo.

"Thời gian qua, tôi cảm nhận rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về các vấn đề chính sách đối với gia đình người có công với cách mạng. Đây là nguồn động viên giúp chúng tôi tiếp tục cống hiến, xây dựng đất nước giàu mạnh hơn theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh", ông Hồ Trọng Kình (80 tuổi, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) bày tỏ tại hội nghị. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.