Tranh thủ và phân hóa

27/02/2013 03:00 GMT+7

Trên danh nghĩa lẫn thực tế, việc ông Liên Chấn đi thăm Trung Quốc có ý nghĩa và tác động không nhỏ tới quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc.

Hiện tại, dù chỉ là Chủ tịch danh dự Quốc dân đảng (KMT) ở Đài Loan nhưng ông Liên Chấn có ảnh hưởng lớn trên chính trường đảo này khi KMT đang cầm quyền. Bản thân ông từng là nhà lãnh đạo thứ 2 và đứng đầu cơ quan hành pháp ở Đài Loan. Chuyến đi Trung Quốc năm 2005 của ông Liên Chấn được coi là bước khai thông đột phá cho quan hệ hai bên. Chính vì thế, trong chuyến đi lần này, ông được cả Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình lẫn Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đón tiếp trọng thị.

Thống nhất là chủ đề quan trọng nhất, nổi bật nhất và nhạy cảm nhất trong quan hệ giữa hai bên. Tất cả những bước cải thiện quan hệ đạt được trong thời gian qua đều được hai phía vận hành liên quan đến mục tiêu ấy. Ông Liên Chấn lẫn KMT được đánh giá là thân thiện với Bắc Kinh và cởi mở khả năng tái thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan. Vì thế, Trung Quốc cần tranh thủ và cũng đã luôn tranh thủ Liên Chấn. Tuy nhiên, việc tái thống nhất không đơn giản. Lý do là Đài Loan vẫn có những thế lực rất mạnh muốn độc lập và kiên quyết chống tái thống nhất. Đó là chưa kể đến quan hệ đặc biệt giữa Đài Loan và Mỹ.

Sự tranh thủ của Bắc Kinh còn nhằm phân hóa nội bộ Đài Bắc, chia rẽ Quốc dân đảng với những lực lượng không thân Trung Quốc ở Đài Loan. Tranh thủ và phân hóa như vậy được Trung Quốc vận dụng còn nhằm ràng buộc KMT vào tiến trình tái thống nhất, buộc đảng này chỉ có thể bàn tiến chứ không bàn lùi.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.