Phương án khẩn cấp giảm bạo lực học đường

21/04/2023 07:15 GMT+7

Phòng tư vấn tâm lý của nhà trường có thể là một cách để ngăn chặn và đối phó với bạo lực học đường, nhưng không nên là tất cả phương án của ngành giáo dục, theo chuyên gia và học sinh (HS).

Vụ nữ sinh lớp 10 tự tử: Học sinh giữa những khoảng trống tâm lý mênh mông

Từng là nạn nhân của bạo lực học đường ở trường lẫn không gian mạng, H.Đ (ngụ Q.7, TP.HCM) cho rằng thầy cô luôn là những người cuối cùng biết tin khi bạo lực học đường xảy ra. "Vì thế, gia đình phải tham gia giáo dục con biết cách ngăn chặn và đối phó với bắt nạt. Và trong phạm vi trường học, nếu xảy ra bạo lực, trước nhất phải tách nạn nhân ra khỏi thủ phạm bằng cách xếp lớp khác nhau, để tránh tăng thêm xích mích giữa 2 nhóm", Đ. nêu quan điểm.

Tương tự, B.H (ngụ Q.10, TP.HCM) cho biết cũng từng bị cả lớp cô lập những năm THCS. Theo H., bạo lực học đường ở thời điểm hiện tại nghiêng về tinh thần hơn thể chất, và rất khó để tìm được bằng chứng HS đang bị bạo lực tinh thần nếu không có sự hợp tác từ nhiều bên. Vì thế, HS thường rất khó để khiến giáo viên (GV), phụ huynh tin tưởng và giải quyết. "Để ngăn chặn nạn bạo lực học đường, nhà trường có thể lắp camera an ninh hay tổ chức các buổi tập huấn về chủ đề này", H. gợi ý.

Giải pháp giảm bạo lực học đường - Ảnh 1.

Nhà trường nên tổ chức những hoạt động ngoài giờ học để gắn kết học sinh

PHẠM HỮU

Huỳnh Lê Như An, lớp 12A11 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) từng chứng kiến bạn cùng lớp bị bạo lực tinh thần, nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến bắt nạt phần lớn do bất đồng quan điểm, mà bản chất của bất đồng là HS chưa đủ nhận thức và khả năng chấp nhận, tôn trọng sự khác biệt giữa người với người, như hoàn cảnh gia đình, sở thích, năng lực cá nhân... "Vì thế, hoạt động cần thiết để ngăn chặn bạo lực học đường là giáo dục tư tưởng "khác biệt là bình thường" cho HS ngay từ lớp 1, cũng như có phương án kỷ luật và xử lý hiệu quả ở những khối lớp cao hơn", An đề xuất.

Theo Nguyễn Thị Thủy Nghi (HS lớp 12A4 Trường THPT Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), bạo lực học đường đang ngày càng tăng cao vì GV không còn được phép phê bình hay xử phạt HS để răn dạy như trước, dẫn đến việc HS không còn sợ thầy cô, thậm chí xem mình là "trung tâm vũ trụ". Thứ hai, bạo lực học đường hiện nay thường đi đôi với bạo lực không gian mạng như đe dọa, chửi bới trên mạng xã hội, nơi mà GV không đủ khả năng xử lý.

Để phòng chống bạo lực học đường, Nghi kiến nghị nhà trường nên có thêm những tiết học về sự nhân bản, cũng như hướng dẫn HS cách bảo vệ bản thân khi gặp tình huống bạo lực.

Ở góc độ chuyên môn, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Vui, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, lưu ý: "Giải pháp phải đến từ trồng người chứ không thể bắt đầu từ khẩu hiệu hay hình phạt cụ thể nào đó. Có đôi khi hình phạt còn gia tăng thêm khao khát vi phạm để chứng tỏ bản thân của kẻ bắt nạt".

 Phương án khẩn cấp giảm bạo lực học đường  - Ảnh 2.

Về kế hoạch dài hạn, giáo dục về bạo lực học đường phải bắt đầu từ cách các thành viên trong gia đình đối xử với nhau

CẮT TỪ CLIP

Thạc sĩ Vui đề xuất phương án khẩn cấp, ngắn hạn là biến việc giáo dục thành hệ sinh thái tổng quan, tức sẽ nói về bạo lực học đường trong trường, ở nhà và cả những nơi tổ chức hoạt động xã hội hay giải trí. "Khi liên tục nói về bạo lực học đường trong thời gian dài với nội dung chính xác, từ từ người dân sẽ "ngấm" và thay đổi góc nhìn, từ đó có hiểu biết đúng đắn hơn", cô Vui nói.

Còn về kế hoạch dài hạn, giáo dục về bạo lực học đường phải bắt đầu từ cách các thành viên trong gia đình đối xử với nhau, để trẻ chứng kiến và học cách không vô cớ bắt nạt thể chất, tâm lý của bạn học. Ngoài ra, chương trình giảng dạy ở nhà trường cũng cần hình thành chuỗi những hoạt động lồng ghép với nhau về chủ đề bạo lực học đường như tiết dạy, dự án, bài thi... để liên tục truyền tải nội dung đúng đắn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.