Xóm “siêu thị di động”

06/05/2012 03:26 GMT+7

Xóm “siêu thị di động” - mang thực phẩm đến mọi ngóc ngách thành phố xuất hiện ở khu vực ngã tư Bốn Xã (giáp ranh giữa Q.Bình Tân và Tân Phú, TP.HCM) - đang đổi đời từ sự cần cù và nhanh nhạy đáp ứng được nhu cầu của thị dân.

Xóm “siêu thị di động” - mang thực phẩm đến mọi ngóc ngách thành phố xuất hiện ở khu vực ngã tư Bốn Xã (giáp ranh giữa Q.Bình Tân và Tân Phú, TP.HCM) - đang đổi đời từ sự cần cù và nhanh nhạy đáp ứng được nhu cầu của thị dân.

Tại khu vực này hiện có khoảng 200 gia đình sinh sống bằng nghề kinh doanh “siêu thị di động”, chủ yếu là người nhập cư từ các tỉnh phía Bắc, nhiều nhất là người Bắc Ninh. Khác với hình dung của nhiều người về một khu nhập cư nghèo nàn, thiếu thốn, tại xóm này nhà cửa rất khang trang, con em các gia đình được ăn học đàng hoàng.

Cần là có

Một ngày làm việc của bà Bùi Thị Thu (P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân) thường bắt đầu lúc 19g-20g. Đây là lúc điện thoại của bà sẽ nhận hàng loạt tin nhắn dặn mua đồ ăn cho ngày hôm sau của khách hàng khắp nơi, từ gần nhà đến tận quận 6, quận 7... Có người dặn đồ ăn trong ngày (sườn non, tôm tươi, rau củ...), có người dặn đến 5-10 con vịt, gà để chuẩn bị cúng giỗ, tiệc tùng.

 

Ông Nguyễn Trọng Trà (trưởng khu phố 27, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân):

Khu vực ngã tư Bốn Xã này có hơn 80% là dân Bắc Ninh vào đây làm nghề bán đồ ăn, mỗi đêm đều đến chợ Bình Điền lấy hàng về bán, tầm 6g là xong. Sở dĩ nhiều hộ ở đây có đời sống khá giả chủ yếu do chăm chỉ, giỏi buôn bán và nắm cơ hội mua đất, mua nhà khá nhanh nhạy. Điều đáng khích lệ nữa là trong khu phố tôi không có con em của ai làm nghề này bỏ học cả. Đây là điều mà chính tôi cũng cảm thấy rất mừng và tự hào.

Bà cho biết: “Khách mua thường là nhân viên văn phòng, công nhân, sinh viên. Họ đi làm, đi học cả ngày, tối tầm này về nhà mới suy nghĩ xem ngày mai ăn gì rồi nhắn cho mình! Nhiều khi khách nghĩ không ra món, mình gợi ý thực đơn rồi mua luôn!”. Trong túi của bà lúc nào cũng có sẵn một cuốn sổ nhỏ, trong đó kẹp rất nhiều mẩu giấy dặn thức ăn của khách vào lúc sáng. Cặm cụi tổng hợp tất cả thông tin từ điện thoại, giấy ghi, khoảng 21g thì bà Thu đã tính xong số lượng hàng hóa mua sáng hôm sau. Ở các gia đình khác, việc tính toán, đặt hàng cũng diễn ra rôm rả. Tầm 1g sáng, cả xóm lục tục trở mình, người xe đạp, kẻ xe máy tất tả đến các chợ đầu mối để lấy hàng...

Mỗi gia đình ở đây có trung bình 2-3 người làm “siêu thị di động”. Có hộ đã làm nghề này xuyên suốt hai thế hệ. lại có gia đình chồng làm công nhân nhưng mỗi sáng vẫn tranh thủ bỏ mối hàng giúp vợ, cũng có gia đình tất cả chị em gái, kể cả em dâu, đều đi bán... Trong số này, người lớn tuổi nhất cũng đã mấp mé 60, trẻ nhất chừng 18-20. Ngay cả cánh đàn ông cũng mua bán không kém gì phụ nữ, thậm chí bán chạy hơn do các bà nội trợ thường có tâm lý “đàn ông thì thật thà”. Dù đi bán ở địa bàn khác nhau nhưng tất cả đều quây quần về đây sống chung để tiện đùm bọc, chia sẻ hàng hóa, mối lái với nhau. Bà Nguyễn Thị Huyền (ngụ P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) cho biết: “Anh em nhà tôi có ba người cùng bán thức ăn ở các quận 7, 8, Bình Thạnh... tuy nhiên hàng hóa giống nhau. Nếu đang bán mà thiếu quả trứng, bó rau thì cứ gọi nhờ mang sang giúp. Nói chung cứ khách cần là có ngay, không bao giờ thiếu hàng!”.

 
Công việc thường nhật của những “siêu thị di động” ở khắp đường phố Sài Gòn - Ảnh: TN LONG

Đổi đời

Vốn của một “siêu thị di động” không quá nhiều, nếu đi bán bằng xe đạp thì chỉ cần 2-3 triệu đồng, bán bằng xe máy, xe ba gác máy tầm 4-5 triệu đồng. Bà Vũ Thị Liên, người đã làm nghề này hơn chục năm, phân biệt các dạng “siêu thị di động” như sau: “Khi mới vào, bọn tôi toàn đi gánh hàng hoặc đi xe đạp, khá hơn một chút thì mua xe máy, xe ba gác và đi bán xa cho đỡ cạnh tranh. Giàu nữa thì mua một chỗ ngồi ở chợ, vợ chồng phân chia nhau người ở chợ, người đi bỏ mối cho khách”.

Cũng theo bà Liên, người dân TP có tâm lý ngại gửi xe vào chợ, bận rộn đi làm nhưng vẫn muốn có thức ăn tươi ngon nên việc buôn bán này khá thuận lợi: “Mỗi ngày trung bình lời 200.000-300.000 đồng, càng có nhiều mối quen, gắn bó lâu dài thì tiền lời càng tăng”. Bà Lê Thị Huyền cho biết thêm: “Nhiều người bán có duyên thì bỏ vốn mạnh tay lắm, ví dụ chúng tôi chỉ bỏ vốn 1 triệu đồng/ngày thì họ mạnh tay chi 3-4 triệu đồng/ngày là bình thường! Nhìn xe hàng hóa của họ mà mê, đầy ăm ắp, thịt rau tươi rói”. Hôm nào bán đồ ăn còn dư thì tất cả các chị dùng luôn cho bữa ăn trong nhà. Khoản chi phí ăn uống vì thế tiết kiệm được khá nhiều, còn lại dành cho việc mua đất, xây nhà, nuôi con, phòng lúc ốm đau.

“Lạc nghiệp” như thế nên việc “an cư” cũng rất được các cư dân trong xóm quan tâm. Tranh thủ mấy tháng mùa khô, xóm đã có ít nhất 5-6 nhà đang xây cất, lên lầu. Các nhà ở đây hầu hết đều được lót gạch tươm tất, cổng, cửa nẻo chắc chắn. Không ít nhà có hẳn bộ bàn ghế gỗ bóng loáng, tủ lạnh, máy giặt hiện đại. Bà Lê Thị Vinh vào TP bán hàng từ năm 1992, cho biết: “Lúc đầu ở nhà trọ, xong hai vợ chồng liều mạng vay tiền mua đất, xây nhà rồi trả nợ từ từ. Nhà này sửa 3-4 lần rồi lên lầu luôn”. Nhà bà hiện nay có diện tích 4x20m, khá rộng rãi, mát mẻ. Tương tự, nhiều gia đình ở đây cũng từ chỗ chen chúc sống vất vả giờ đã có nhà bề thế 2-3 tầng ở khu vực Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân), Q.12..., mua cả xe tải nhỏ, thuê người làm. Tất cả cũng chỉ nhờ vào hai thùng sắt chở đồ ăn rong ruổi khắp TP chục năm qua. Theo bà Nguyễn Thị Nam (ngụ P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân) - chủ xe tải chở rau, mỗi ngày xe tải có thể lấy chừng 1-2 tấn rau củ từ chợ đầu mối, vừa bán cho các bạn hàng bán dạo vừa bán cho người dân trong khu vực và làm ăn với các mối khác. Tất nhiên, tiền lời từ xe tải khá cao, trung bình 1 triệu đồng/ngày.

Không ngừng lại việc sửa sang, xây dựng nhà cửa, việc chăm sóc, lo lắng cho con em đi học cũng được cư dân trong xóm này khá ưu tiên. Từ đầu xóm đến cuối xóm, toàn người làng, quen biết với nhau cả nên sự ganh đua, chăm chút cho con cái ăn học cũng không khác gì ở làng khi xưa. Bà Nguyễn Thị Hằng (ngụ P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) cho biết: “Mình thì không biết gì nhiều nhưng ngày nào cũng cố gắng ngồi cùng chúng nó cho có cái bóng để con sợ mà học. Con chịu khó học hành giỏi giang thì mình cũng vui lắm!”. Và tất nhiên, vẫn còn đó những người mẹ đơn độc vào đây buôn bán để nuôi con đang học ở quê nên người. Bà Lê Thị Triều hiện có một con đang học đại học ở Hà Nội do một tay bà chu cấp tài chính. Bà bảo: “Niềm vui và nguồn động viên lớn nhất của bà mỗi ngày theo xe “siêu thị di động” đi khắp ngóc ngách là nghĩ đến con mình ở quê ăn học nên người”.

Chăm chỉ làm ăn, lập nghiệp và có cuộc sống ổn định như thế, cư dân của xóm “siêu thị di động” này đã tạo ra một diện mạo mới, một hình ảnh lấp lánh hi vọng cho những người nhập cư đang sinh sống ở đất Sài Gòn.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.