U Minh kỳ thú

12/06/2012 08:30 GMT+7

Trải qua nhiều biến cố, nhất là những vụ cháy lớn, hệ sinh thái rừng tràm trên cả nước chỉ còn duy nhất tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau). Nơi đây có nhiều hệ thực vật, động vật với nhiều cá thể quý hiếm có tên trong Sách đỏ.

Sau những trận mưa đầu mùa, nỗi lo cháy rừng đã tạm lắng nhưng ban giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ vẫn cẩn thận chưa dám “mở cửa” rừng. Không có du khách, các tuyến đường trải nhựa dẫn về Vườn Quốc gia U Minh Hạ như kéo dài thêm. Giữa không gian quạnh vắng, tiếng xe đạp cọc cạch của vài đứa trẻ làng rừng đi học xen giữa tiếng cu gù vọng ra từ những vạt rừng xa buồn rười rượi.

Một thời huyền thoại

Rừng U Minh, bao gồm cả U Minh Hạ và U Minh Thượng, là kiểu rừng rất đặc thù, được xếp hạng độc đáo và quý hiếm trên thế giới, có giá trị sinh khối cao nhất so với các kiểu rừng. Năm 2010, nơi đây được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Theo số liệu điều tra của các nhà lâm sinh vào năm 1983, rừng U Minh Hạ có 32 loài thú; 74 loài chim; 36 loài bò sát; 11 loài lưỡng cư; 79 loài thực vật thuộc 65 chi, 36 họ, trong đó có 11 loại gỗ có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, những con số ấy chưa nói lên được hết sự kỳ vĩ của U Minh Hạ vốn gắn liền với nhiều huyền thoại.

 U Minh kỳ thú - Kiểm lâm rừng U Minh - nd
Lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng U Minh Hạ - Ảnh: Duy Nhân

Người xưa kể rằng trước đây, rừng U Minh Hạ có rất nhiều cọp. Mặc dù gần đây không thấy bóng dáng của chúng nhưng cũng không ai dám khẳng định là nơi đây không còn cọp. Bởi vì nai, heo rừng, rắn hổ mây sống được thì cọp cũng có thể tồn tại được. Nhưng khi nói đến thú rừng U Minh, người ta thường đề cập loài rắn cứ như rằng chúng mới là chúa sơn lâm chứ không phải cọp.

Các bậc cao niên ở rừng U Minh cho biết ở đây có rất nhiều rắn, có con đến cả trăm ký. Những khi rừng cháy, rắn, rùa cùng với muông thú chạy ra bìa rừng tìm nơi ẩn náu. Người dân chẳng dám đi bắt vì sợ rắn tấn công.

Cháy rừng, nạn săn bắn cũng đã khiến rất nhiều loài chim quý hiếm ở rừng tràm U Minh Hạ mất đi. Một tài liệu xưa viết về U Minh Hạ có đoạn ghi rằng: “Nhiều loài chim to như con ngỗng, đậu oằn nhánh cây lớn. Những con giang sen cẳng cao lêu nghêu, nặng đến 5 - 7 kg. Chàng bè đồ sộ, mỏ to bằng cổ tay; sếu đen, sếu xám, rất nhiều loài chim trích, nhiều loại cò: cò ngà, còn trắng, cò xanh, cò bông, cò hương, cò bợ, cò ốc, cò tôm, cò ma, cò lửa, cò lửa lùn; điên điển, còng cọc, ó biển, le le, cúm núm, dơi quạ…

Chim bầy, chim đàn quy tụ về đây đẻ trứng, sinh con, sinh cháu, làm cho họ nhà chim đông vui ít nơi nào có như ở U Minh”. Nhà văn Sơn Nam trong cuốn Tìm hiểu đất Hậu Giang, Sài Gòn đã liệt kê một vài số liệu như sau: “Tại sân chim Chắc Băng vào khoảng năm 1873, ba lần giết chim, tổng cộng chừng 16.000 con. Chủ sân chim nọ có 2 sân chim, mỗi mùa giết 3 lần, phỏng định 30.000 con, thu hoạch chừng 900 kg lông…”.

Hồi sinh mạnh mẽ

Ngày nay, theo ghi nhận thì rừng U Minh Hạ còn lại khoảng 74 loài chim (có sách ghi là 96 loài) nhưng số lượng của mỗi loài còn rất ít. Các loài chim lớn như chàng bè, giang sen gần như không còn; chỉ các loài chim nhỏ như cò, còng cọc, trích… là phổ biến. Cả rừng U Minh Hạ với diện tích hàng chục ngàn hecta hiện nay gần như không còn một sân chim nào.

 U Minh kỳ thú - Kiểm lâm rừng U Minh - nd2
Một người dân U Minh vừa thu hoạch tổ ong - Ảnh: Duy Nhân

Trải qua nhiều biến cố, nhất là những vụ cháy lớn, hệ sinh thái rừng tràm trên cả nước chỉ còn duy nhất tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau) khoảng 3.000 ha là chưa bị tác động. Nơi đây có nhiều hệ thực vật, động vật với nhiều cá thể quý hiếm có tên trong Sách đỏ. Tuy hiện chỉ còn đúng 2.593 ha rừng tràm nguyên sinh trên đất than bùn tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ nhưng sự hồi sinh của động - thực vật trên vùng rừng ngập nước này đang diễn ra mạnh mẽ.

Kỹ sư lâm sinh Nguyễn Tấn Truyền, một người gắn bó lâu năm với rừng tràm U Minh Hạ, thuộc làu từng nhóm nhỏ động vật, thực vật tại đây, quả quyết: “Qua thời gian hồi sinh, hiện nay số động - thực vật ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ thực tế có thể nhiều hơn con số thống kê trên sách vở. Chúng tôi đã từng gặp những đàn nai khá lớn, những thân tràm cổ thụ hơn một vòng tay người ôm. Và mới đây, dẫu không tận mắt nhìn thấy nhưng với vô số dấu chân heo rừng giẫm thành đường mòn ngang dọc được phát hiện trong rừng nguyên sinh, chứng tỏ có đến hàng trăm con đang sống tại đây”.

Theo anh Truyền, các cơ quan chức năng, lực lượng kiểm lâm đang ngày đêm bảo vệ cho sự hồi sinh của rừng U Minh. Nhiều người dân U Minh Hạ bao đời nay sống bằng nghề hầm than. Điều rất đáng tự hào là tuy cuộc sống thiếu thốn và cơ cực nhưng những người gắn bó dưới tán rừng U Minh tuyệt nhiên không vì cái đói mà xâm phạm đến rừng, bởi họ luôn tin rằng thiên nhiên bao giờ cũng chở che con người vượt qua muôn vàn khó khăn.

Còn nhiều thú dữ

Đứng trên đài quan sát, kỹ sư lâm sinh Nguyễn Tấn Truyền chỉ tay ra phía rừng giải thích nơi đâu có nhiều nai, nhiều tràm cổ thụ; nơi nào có heo rừng, khỉ, cọp... Vào mùa khô, chúng thường quần tụ giữa rừng sâu, nơi có những con kênh còn nước để tìm thức ăn. Anh Truyền cho biết có nhiều người sống trong rừng hàng chục năm nhưng chưa một lần đặt chân tới giữa ruột rừng vì sợ gặp thú dữ tấn công. Chỉ có nhân viên kiểm lâm là những người có điều kiện vào sâu trong ruột rừng nhưng phải đi đông người, có dụng cụ để đề phòng thú dữ.
 

Theo Duy Nhân / Người Lao Động

>> Xâm nhập vườn quốc gia, tấn công bảo vệ
>> Tìm thương hiệu cho đặc sản Cà Mau
>> Cá, lươn vàng ở U Minh
>> Cảm xúc mới với du lịch Cà Mau
>> “Xóm vàng” miệt rừng U Minh Thượng
>> Rừng U Minh Hạ lại cháy
>> Mật ong thật giả lẫn lộn
>> Vào U Minh "ăn" mật ong rừng
>> Huyền thoại rắn rừng U Minh: Những câu chuyện… dựng tóc gáy
>> Về Cà Mau thưởng thức "cây nhà lá vườn
>> U Minh vẫn cần lắm những tấm lòng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.