Tôi có 2 vợ và 20 đứa con!

01/11/2010 09:32 GMT+7

Vì bị "viếng thăm" bất ngờ, người đàn ông 44 tuổi Trương Văn Ve không thể bỏ trốn lên rừng như thường lệ, anh lỏn lẻn: "Đấy, hai vợ của tôi. Đấy, 17 đứa con của tôi, thêm 3 đứa đi lấy chồng là tròn 20 đứa".

Bản Tả Bốc, xã Lương Thông nằm cách đường nhựa của huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng khoảng nửa ngày đi bộ. Nhiều đoạn, chân tôi chỉ đặt vừa khít trên các gờ đá tai mèo sắc nhọn, cứ thế mà... bò như con thằn lằn. Mang tiếng là đi rừng, nhưng hiếm hoi lắm mới gặp được những tán cây già để chui rúc tránh nắng. Còn lại là núi trơ khấc bất tận. Trọc, dốc đứng và hoang vu đến mức, càng leo tôi càng không tin được rằng: Phía cuối con đường chúng tôi đang vắt kiệt mồ hôi của mình dưới ánh mặt trời nồng nã kia sẽ có... một bản làng.  

Đứa thứ 20 chưa kịp đặt tên

Lời đồn về người đàn ông “quy hoạch” hai bà vợ trong một ngôi nhà sàn, dưới thung lũng sâu bạt ngàn cây chuối lá, rồi hai bà cứ thế đẻ, đến nay đã tròn trịa 20 đứa con đã ám ảnh tôi từ già một năm qua. Hồi đầu năm 2010, nhờ đồng nghiệp người Mông lội núi vào Tả Bốc dò la tin tức (cả nhà Trương Văn Ve, 23 người, họ đều nói tiếng Việt rất hạn chế), tin báo về Hà Nội rất cụ thể: Ve có 2 vợ, vợ cả là Hoàng Thị Día (44 tuổi); vợ hai lấy về sau vợ cả 10 năm, tên là Thào Thị Dậu (35 tuổi). Hai người vợ hầu như không bao giờ rời thung lũng có ngôi nhà sàn “đông tre ấm bụi” đó đã đẻ đủ 19 đứa con cho Ve.


Đại gia đình Trương Văn Ve, 2 bà vợ và 20 đứa con (trừ 3 đứa đã lấy chồng, 4 đứa đang đi học ngoài trường xã) - Ảnh: Đ.D.H


Người vợ hai của Trương Văn Ve - Ảnh: Đ.D.H


Một trong 20 người con của Trương Văn Ve - Ảnh: Đ.D.H

Nghe đã choáng, tôi lập tức tham vấn ý kiến của TS Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, kiêm Phó Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam (DSKHHGĐ) - về con số mà tôi cho là kỷ lục ở thời điểm năm 2010 này. Ông Trọng tỏ vẻ ngạc nhiên: Nếu tính người còn sống (hiện tại) và đang trong độ tuổi sinh đẻ, thì ông chỉ biết đến người phụ nữ có nhiều con nhất ở quận Hà Đông, Hà Nội, với 12 cháu. Ông Trọng bày tỏ mong muốn được trao đổi thêm khi chúng tôi đi thực địa trở về.

Bất ngờ thay, khi tôi có mặt ở bản Tả Bốc vào ngày cuối cùng của tháng 10.2010, thì hay tin: Vợ Ve đã đẻ thêm đứa con thứ 20. Và cái cảnh hiếm thấy đã lọt vào ống kính của tôi: Ve ngồi giữa nhà, xung quanh là 17 đứa con (3 cô con gái đã đi lấy chồng ở gần đó); hai bà vợ cùng nhau chăm chút một đứa trẻ bé như quả bí đao vừa mới ra đời. Họ bảo: Chồng của chúng mình, con của chúng mình, chúng mình phải chăm chung.

Ở tuổi 44, Ve trẻ trung và điển trai đến giật mình. Đặc biệt đàn con hai chục đứa của anh ta, trứng gà trứng vịt, ăn ngô quanh năm, giáp hạt đói dài đói rạc, nằm ngủ ruộng ngô hay gốc cây giữa thung sâu như vậy, nhưng đứa nào cũng đẹp.


Chân dung người đàn ông “đông tre ấm bụi”. Ảnh: Đ.D.H

Khác với các vị “đa thê” khác, Ve không mặc cảm, cũng không “tự hào” khoe “chiến tích”, anh ta chỉ ái ngại khi gặp nhà báo, là bởi vì anh ta nghĩ nhà báo cũng là cán bộ, cũng vào để oán trách anh ta làm mất thi đua của phong trào DSKHHGĐ. Toàn là trách móc. Thậm chí, nhờ đứa con lắm chữ nhất trong số 20 đứa con của mình viết một lá đơn trình bày hoàn cảnh với chi chít lỗi chính tả, rồi Ve cầm bút... ngược đòi ký, Ve chỉ băn khoăn mỗi một chuyện: Tại sao nghèo hết cỡ như anh cùng hai bà vợ, 20 đứa con kia, mà xã kiên quyết không cho vào diện hộ nghèo. “Tôi lên gặp ông T ở xã, ông ấy bảo, anh lấy 2 vợ, lại đẻ 20 đứa con, không xét tiêu chuẩn hộ nghèo được đâu”. Vô lý quá, một vợ đã nghèo, 10 năm sau lấy thêm một vợ thì càng nghèo hơn, đẻ 2 đứa con như người khác đã nghèo rớt, thì nay có đủ 20 đứa, phải nghèo gấp 10 lần chứ. Sao lại không cho 23 thành viên trong cái nhà sàn bé tẹo, rách bươm, nắng gió thốc đuổi khắp tứ bề kia thuộc diện hộ nghèo nhỉ?

Ve đã lấy bà vợ bằng tuổi mình từ khi còn rất trẻ, bà Día này đẻ với Ve 10 năm liền; thì Ve muốn lấy thêm vợ nữa (bà Dậu). Ve sống rất “chung thủy” với... hai bà. Hai bà cũng chẳng bao giờ đi ra khỏi bản, cùng lắm ra sau nhà hái rau, bẻ ngô, cuốc đất, rồi... đẻ. Họ đều sống hồn nhiên như cây cỏ. Ve học hết lớp 3 cách đây đã 27 năm giời, giờ đây, viết hai chữ “v” và “e” để ghép thành tên mình cũng lập cà lập cập. Hai bà vợ Ve thì tuyệt nhiên chưa bao giờ đi học, không biết chữ, càng không nói được một từ tiếng Việt.


Một cảnh hiếm gặp: hai bà vợ ở chung nhà, chung “chồng của chúng mình”. Trong ảnh là hai bà vợ chăm đứa con thứ 20 (con của vợ 2) - Ảnh: Đ.D.H

Cả nhà xúm lại, đông như cái chợ vỡ trên căn nhà sàn gỗ nứa ọp ẹp, các lỗ hổng do gỗ mục ở góc nhà đủ để con trâu bị rơi xuống đất, họ đang giúp nhà báo thống kê các con của bố Ve. Tờ giấy kỳ lạ mà tôi nghĩ mình còn phải giữ nó rất lâu sau nữa, đã hoàn thành: “Các con của bố Ve với hai mẹ Día và Dậu. 1 - Trương Văn Hải; 2 - Trương Văn Vàng; 3 - Trương Văn Sinh (...) đến 12 - Trương Văn Hải - tổng số 12 đứa con trai; tiếp nữa: Trương Thị Sòa, Trương Thị Sợi, Trương Thị Máy..., Trương Thị Lỳ - tổng số 8 đứa con gái. Riêng 3 đứa Trương Thị Sủi, Trương Thị Dinh và Trương Thị Lỳ được khoanh tròn “đã lấy chồng rồi”. Đứa thứ 20 vừa đẻ ra, hai bà vợ của Ve còn đánh vật chăm sóc nó, với tiểu mục cuối: “Chưa kịp đặt tên”.

Tận cùng nghèo đói

20 đứa trẻ đã được hai bà vợ của Trương Văn Ve sinh hạ chính trong căn nhà của anh ta, do anh ta dựng và cai quản suốt hơn hai chục năm qua. Hầu như toàn bộ công việc là do hai bà vợ và những đứa con đã có thể bẻ ngô cuốc đất của Ve làm. Hai bà vợ cũng đẻ đủ mỗi người 10 đứa, không một đứa nào được mang ra trạm xá (vì trạm ở quá xa), họ đẻ ngay trên nhà sàn, chồng cắt hoặc vợ A cắt rốn cho vợ B và ngược lại.

Ngoài mặt thì đoàn kết là “chồng của chúng mình rất tốt”, chúng mình chăm tất cả 20 đứa con của chúng mình, nhưng hai bà vợ cũng rất là ghen ghét nhau (ngầm), thí dụ như chuyện đẻ, họ phải đẻ bằng số con của nhau, đủ cả nếp tẻ (ở đây nặng nề trọng nam khinh nữ) thì mới thôi. Cả vùng đồn là bà vợ hai định cướp chồng của bà vợ cả, bởi bà cả đẻ tới 7 đứa con gái, được nhõn... 3 con trai, trong khi Ve cực thích con trai; bà vợ hai được đà xốc tới, thị đẻ tới 9 con trai, chỉ một "công chúa".

Dĩ nhiên là chúng ta không khuyến khích đa thê, càng không thể “động viên” ai đó đẻ vô tội vạ, trong khi ngành DS-KHHGĐ của chúng ta đang rất chật vật để cầm chân con “chiến mã” tăng dân số. Song, vẫn phải ghi nhận cái “giỏi” của Trương Văn Ve trong việc quản lý hai bà vợ và 20 đứa con. Mỗi bà một cái phản, bà cả là nữ chủ đầu tiên của ngôi nhà, nên được ở buồng kín, phủ vải rách, cáu bẩn. Bà vợ hai về sau những 10 năm, ở giường bé, góc xó nhà, có mùng màn quanh năm buông rủ (nhìn thông thống). Lịch “gần gũi” hai bà vợ cũng được phân công ngày chẵn ngày lẻ, tuyệt đối không ai vi phạm. Ve là ông chủ lớn nhất trong ngôi nhà 23 thành viên đó, nên anh ta càng phải gương mẫu.


 Bản danh sách 20 đứa con của Ve và hai bà vợ, mà Trương Văn Ve cùng gia đình đã tổ chức viết nộp cho chúng tôi - Ảnh: Đ.D.H

Ngôi nhà sàn thì góc nào cũng có cửa, ngoài cửa nhà là chuồng gà, chuồng lợn, dưới gầm là trâu bò, trên gác là lúa ngô. Đàn con gần 20 đứa (không khi nào nhà chứa đủ 20 đứa, vì đứa bé ra đời thì đứa chị của nó đã được gả chồng) thì quy hoạch chia làm hai khu, khu nữ, khu nam. “Bọn chúng” cứ tự ăn, tự ra suối tắm nếu có thể, rồi đi ngủ và bảo ban nhau theo “điều lệ” của anh chị lớn hơn. 20 đứa con, nhưng hiện tại, chỉ có 4 đứa con của Ve ra trường xã Lương Thông học. Bọn chúng đói rạc, nghèo khó khốn cùng. Ngô thì trên lúng (thung lũng), rau thì ngoài rừng, có gì ăn nấy. Đụng cái gì cũng phải khênh ngô vượt núi ra huyện bán rồi tìm mua. Ăn mèm mén với muối trường kỳ. Mà 20 cái tàu há mồm cùng một lúc (sau khi trừ 3 cô gái đã gả chồng).


Nhà Trương Văn Ve ở sau những dãy núi này - Ảnh: Đ.D.H

Cả nhà Ve sống bằng duy nhất nghề trồng ngô, trồng lúa nương, trong khi ruộng rẫy ngày càng bạc màu. Con suối qua bản cạn trơ lòng đá, vì thế bản bị đặt tên là Tả Bốc (suối cạn). Ve nhận trông nuôi 3ha rừng cho Nhà nước, mỗi năm được nhận 300 nghìn đồng tiền... công. Năm ngoái, xin xỏ mãi, mới được Chương trình 06 hỗ trợ vốn cho 1 triệu đồng mua bò về nuôi. “Tôi đi hỏi, người ta bảo, mày không lấy hai vợ, không đẻ 19 đứa con thì sẽ được vay vốn, được chế độ hộ nghèo”. Ve buồn bã trở về và chẳng hiểu sao, đứa thứ 20 lại vừa mới ra đời.

Điều Trương Văn Ve lo nhất hiện nay là phải cưới vợ cho đám trẻ tuổi ngoại đôi chục của mình. “Đò đầy thì đò phải sang sông”, mỗi đám cưới tốn tiền lắm, rồi nó có thêm vợ con về ở, cái nhà này lấy đâu chỗ mà ngủ, lấy gì mà ăn, lấy đâu tiền cho chúng nó đi học? Quả là, nhìn đám trẻ rách rưới, lẩn lút, chạy bán sống bán chết ra rừng khi gặp cán bộ, tôi đã ứa nước mắt. Lại thêm, trước khi tôi rời Cao Bằng, ông Thước - Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DSKHHGĐ tỉnh Cao Bằng và ông Nghị - Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thông - cùng xác tín với nhà báo toàn bộ “kỷ lục buồn” kể trên, cùng những vấn đề buốt lòng đang cần phải đặt ra, nhân thế lại càng nẫu lòng...

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.