Thâm nhập đường dây hàng lậu Móng Cái - Kỳ 2: Bến xe “chợ đen”

06/01/2009 23:34 GMT+7

Việc C15 bắt được các xe hàng lậu thật ra không có gì bất ngờ. Bởi suốt 2 năm qua, phóng viên Thanh Niên đã nhiều lần ngược xuôi ghi nhận mỗi ngày có hàng trăm chuyến hàng lậu từ Móng Cái về các tỉnh. Một trong những điểm tập kết, trung chuyển hàng nhộn nhịp nhất lại chính là Bến xe khách Móng Cái. Mời nghe đọc bài

Tập kết và trung chuyển

Suốt từ tháng 12.2006 đến tháng 12.2008, phóng viên Thanh Niên đã nhiều lần thâm nhập cung đường buôn lậu Móng Cái - Bắc Ninh - Hà Nội... và ghi nhận nơi đây hình thành cả một đường dây buôn lậu quy mô, từ việc vận chuyển hàng lậu qua biên giới, đóng hàng ở Trung tâm thương mại Móng Cái đến tập kết trung chuyển ở Bến xe Móng Cái...

Mỗi ngày, nhất là vào thời điểm giáp Tết, hàng trăm xe khách loại 50 chỗ ngồi mang biển số Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Bình... đã được tháo hết ghế để trống chỗ chở hàng lậu, ùn ùn về tập kết ở Bến xe Móng Cái. Ngay khi đến bến, các chủ hàng lậu nhỏ lẻ đi theo xe, bắt xe ôm ra Trung tâm thương mại Móng Cái đóng hàng.

Riêng cánh buôn "công nghiệp" thì chỉ đạo qua điện thoại để các đối tác ở biên giới giao hàng tại bến xe theo đúng số lượng, chủng loại. Theo điều tra của phóng viên, các chủ xe đa phần vận chuyển hàng lậu thuê và được trả 10% tổng trị giá số hàng được vận chuyển về đích an toàn (ví dụ, một chuyến xe chở hàng trị giá đến 500 triệu đồng, chủ xe sẽ hưởng 50 triệu đồng), nhưng nếu hàng bị bắt, chủ xe sẽ phải đền toàn bộ trị giá số hàng đó cho chủ hàng.

 

Riêng địa bàn tỉnh Quảng Ninh, xe vận chuyển hàng lậu thường là loại xe khách dưới 35 chỗ (khoảng trên 30 xe/ngày) đã hết niên hạn sử dụng, được chủ xe tháo hết ghế thành "xe tải thùng kín". Mỗi ngày từ Móng Cái về các huyện như Tiên Yên, Hà Cối, Đông Triều... Nhưng nổi đình nổi đám nhất là 12 chiếc xe loại 50 chỗ ngồi được tháo hết ghế để vận chuyển hàng lậu về Bắc Ninh. Những chiếc xe này thường vận chuyển từ 3-6 tấn hàng, bắt cặp với nhau để sử dụng biển số giả (2 xe chung một biển số) qua mắt cơ quan chức năng.

Mặc dù là bến xe khách nhộn nhịp nhưng hành khách thật sự thì rất ít, vì hầu hết là xe khách được hoán cải để chở hàng lậu chứ không phải xe chở khách. Hằng ngày tại bến xe này, hàng trăm xe đẩy, xe kéo tay, xe ôm đầy ngút hàng chạy ùn ùn từ biên giới vào bến để giao cho các chủ buôn hàng lậu. Vì vậy, suốt từ sáng cho đến quá trưa, hàng hóa trong bến xe ngổn ngang như một chợ bán sỉ. Khi hàng vào nhiều quá, nhà xe không xếp kịp, chủ xe phải thuê đội quân mặc đồng phục của bến phụ xếp hàng vào xe. Một số "trùm" buôn lậu quy mô lớn còn thuê kho chứa hàng ngay trong bến để làm nơi tập kết mỗi khi hàng về quá nhiều. Bởi vậy, các kho hàng quanh 3 mặt tường bao của bến xe luôn đầy ngút.

Dù công khai tập kết hàng trong bến xe trước khi về các tỉnh theo quốc lộ 18, nhưng các chủ hàng, chủ xe rất cảnh giác với những người lạ mặt xuất hiện trong bến, nhất là khu vực tập kết hàng của các tuyến Hải Phòng, Bắc Ninh. Khi có người lạ mặt xuất hiện, lập tức có vài  thanh niên mặt mày bặm trợn bí mật theo dõi, nếu có hành vi khả nghi thì ngay khi người lạ ra khỏi bến sẽ bị những thanh niên này "hỏi thăm sức khỏe".

"Hụi chết" ở phòng điều độ

Nhưng làm sao hàng lậu qua được các cơ quan quản lý chức năng ở địa phương, ở bến xe để về các tỉnh? Câu trả lời qua điều tra của chúng tôi: là mỗi lần xuất bến xe chở hàng lậu đều phải đóng "hụi chết" cho bến xe.

Nhiều lần chúng tôi chứng kiến cứ vào khoảng giữa trưa, lúc xe chuẩn bị xuất bến, nhiều phụ xe cầm tiền vội vã vào phòng điều độ bến xe (nằm quay mặt ra bãi đậu xe) rồi lại vội vã ào ra, đưa ám hiệu "thủ tục đã hoàn tất" cho xe lên đường. Sau khi hỏi "đường đi nước bước", phóng viên đã bí mật tiếp cận phòng điều độ và ghi lại cảnh các chủ xe vào đóng "hụi chết" ở đây.

 
PV Thanh Niên đang tất bật với công việc “chuyển hàng” cho phụ xe cất giấu trong ngăn bí mật - Ảnh: Hoài Nam

"Hụi chết" mà bến xe thu của nhà xe (không hóa đơn) vào thời điểm cuối năm 2006 mỗi lần là 70 ngàn đồng, cuối năm 2008 tăng lên 80 ngàn đồng/xe/chuyến. Để kiểm soát xe đã đóng "hụi chết" hay chưa, nhân viên trong phòng sau khi thu tiền ghi biển số xe do phụ xe đọc vào một quyển sổ nhỏ. "Họ ghi để kiểm soát, nếu chủ xe nào quên chưa đóng thì ngày hôm sau nhân viên sẽ ra tận xe để đòi", một phụ xe cho biết...

Vào thời điểm chúng tôi tiếp cận lần đầu tiên, trong phòng điều độ chỉ có một nhân viên nữ mặc áo trắng, không đeo biển tên ngồi ở bàn làm việc kê giữa phòng. Nhiều giờ liền, nhân viên này thoải mái thu tiền nhưng không hề thấy viết hóa đơn giao cho phụ xe. Tiền nhận xong được nhanh chóng cất vào trong tủ gần đó. Cánh tủ luôn hé mở để nhân viên cất tiền, đồng thời lấy tiền thối lại những trường hợp phụ xe đưa thừa...

 

Nhân viên phòng điều độ nhận tiền "hụi chết" của các nhà xe - Ảnh: Hoài Nam

Một lần khác, phóng viên trong vai là phụ xe và đóng tiền cho một xe khách chuẩn bị xuất bến. Sau khi chờ hai phụ xe khác đóng xong "hụi chết", đến lượt phóng viên, nữ nhân viên đeo kính trắng chẳng thèm ngó lên mà hất hàm hỏi: "Đóng cho xe nào?". Vừa đọc đại một biển số xe không có thực, phóng viên vừa rút một tờ bạc 100 ngàn đồng đưa cho nữ nhân viên và được trả lại 30.000 đồng tiền thừa. Còn nữ nhân viên chăm chỉ ghi biển số xe phóng viên vừa đọc vào cuốn sổ nhỏ, rồi cầm lấy tờ bạc 100 ngàn đồng mở chiếc tủ ở sát tường ném vào đó. Tổng thời gian đóng "hụi chết" chỉ diễn ra vài phút đồng hồ và phóng viên phải nhường chỗ cho phụ xe khác vào đóng...

Cứ như vậy, nhiều lần, ở vào nhiều thời điểm khác nhau, ống kính camera của phóng viên đều ghi được cảnh các chủ, phụ xe vào đóng "hụi chết" ở phòng điều độ cho Bến xe Móng Cái...  (Còn tiếp)

 Điều tra của Hoài Nam

>> Kỳ 1: Những chuyến xe "đen"

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.