Thám hiểm lòng đại dương - Kỳ I: Chinh phục “thuỷ cung” sâu thẳm

24/01/2011 10:55 GMT+7

Trong vô số những tour du lịch độc đáo ở Việt Nam như “Vượt rừng, chinh phục thác”; “Leo núi nhân tạo”; “Khám phá cực đông”, du khảo và “phượt”..., hiện thời những tour “Lặn biển thám hiểm” đang thật sự “hot”!

Dù thời tiết đang chuyển mùa, lạnh ngắt, biển động, nhưng cũng không ngăn được dòng người các nơi xứ lạnh nước ngoài đến lặn biển ở các đảo trong vịnh Nha Trang, Phú Quốc, Hội An, Côn Đảo... Ngày cuối tuần, chúng tôi cùng những du khách người Anh, Mỹ đi học lặn biển ở Hòn Mun - vịnh biển Nha Trang (Khánh Hoà). Chúng tôi thoả thích bơi lặn sâu xuống biển, tận mắt khám phá thuỷ cung dưới lòng đại dương xanh rất đỗi bí ẩn. Đó là thế giới kỳ thú, hấp dẫn như tác phẩm “Hai vạn dặm dưới đáy biển” của Jules Verne.

Tôi bơi lặn rất cừ, nếu không muốn nói là giỏi lặn bơi. Bởi tôi vốn có 5 năm lặn nuôi tôm hùm lồng ở đáy biển vịnh Vũng Rô (Phú Yên). Nhưng khi đặt vấn đề đi lặn biển cùng người nước ngoài để khám phá “thủy cung” Hòn Mun – vịnh Nha Trang, nhà bơi lặn Lê Hà Lộc (Phó Giám đốc Cty TNHH Cầu vồng Việt Nam) lắc đầu: “Bạn biết lặn chưa đủ, mà phải biết dùng đồ lặn, phải biết “thở” ở độ sâu vài chục mét... và phải có bằng trình độ sơ cấp lặn biển quốc tế Opene water dive course mới “gia nhập” được CLB lặn biển Cầu vồng Việt Nam (Rainbow Dive) cùng người nước ngoài”.

 

 Lặn thám hiểm “thuỷ cung”.

Ông Lộc nói thêm: Đại dương mênh mông sâu thẳm nên lặn chẳng dễ dàng chút nào. Nếu bạn không biết xử lý những sự cố bất trắc dưới nước, thì không thể thám hiểm lòng biển hoặc có đi lặn mà chẳng có... về! Gần đây có một guide (hướng dẫn viên lặn biển) người Nga lặn giỏi, nhưng phải bỏ mạng dưới nước chỉ vì chủ quan không mang theo thiết bị an toàn khi bơi lặn. Ngày 20.12, hai du khách tên là Philipppe Bousseau (sinh 1968, quốc tịch Pháp) và Alexander A Nikolaev (sinh 1968, quốc tịch Nga) đã đuối nước tử vong khi đi lặn biển thám hiểm tự do ở Cù Lao Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận...

Nghe vậy, anh Nguyễn Văn Định - một đồng nghiệp ở Tạp chí Thương mại - đi cùng bỗng thấy “ngán”, ớn lạnh muốn rút lui! Tôi vội vàng trấn an và quyết tâm “nhập môn” khóa học sơ cấp lặn biển quốc tế trong 4 ngày với chi phí 3,5 triệu đồng.

Tôi đi học lặn biển

Guide “2 sao” Mai Hoàng Kiên Kha cho hay: Ngoài học lớp lặn sơ cấp Opene water dive course, để lặn chuyên nghiệp còn phải học các lớp lặn chuyên sâu như Advance Open Water Course; Rescue Course dive; Dive Master; Instructor Dive... Nhưng trước tiên để “tốt nghiệp” chương trình Opene Water, bạn phải lặn sâu xuống đáy biển ít nhất 18m. Do vậy, bài học đầu tiên là phải học “lặn... trên cạn”, rồi lần lượt đến học lặn ở hồ, lặn ở biển! Guide Kha “test” ngay trình độ hiểu biết của tôi về vật lý nước biển có liên quan đến môn bơi lặn như: Một vật nửa nổi nửa chìm trong nước mặn thì hiện tượng gì sẽ xảy ra? Ở độ sâu 30m, áp suất xung quanh sẽ tăng bao nhiêu lần so với áp suất mặt nước biển? bạn sẽ làm gì khi không thể cân bằng tai và các xoang trong lúc bạn lặn xuống biển? Vấn đề gì xảy ra nếu bạn nín thở trong lúc bơi lên khi sử dụng bình khí nén? Nếu lặn sâu 17m thì thời gian cho phép lặn tối đa của người lặn là bao lâu?...

Mất một ngày ròng rã, tôi mới “giải mã” được một “núi” những câu hỏi đại loại như đã nói ở trên và phần nào “thông tuệ” về lý thuyết bơi lặn. Ngày thứ hai, đến lượt học lặn hồ bơi ở doanh trại của hải quân Khánh Hòa, tôi được làm quen với các thiết bị áo chống lạnh (wetsuit), kính lặn (mask), chân vịt (fin), bình khí (tank), bộ điều khiển khí (regulator), áo phao (ABC), dây chì,... Và được học các phương pháp lắp ráp và mang vác, sử dụng các loại thiết bị không thể thiếu trong khi bơi lặn.

Trời lạnh cắt da thịt, tôi cùng nhiều người nước ngoài đang học lặn đã khoác chiếc bình ôxy (chứa 79% nitơ, 21% ôxy – PV) trên lưng và đeo chì quanh thắt lưng để nặng thêm hơn 20kg rồi nhảy ùm xuống hồ bơi. Guide Kha và Quyến hướng dẫn tận tình cách xả hơi áo phao, ngậm ống hơi, tháo nước ra khỏi kính, thở cân bằng cơ thể dưới nước, các thao tác ngồi “đáy” nước xử lý các tình huống bất trắc có thể xảy ra khi lặn... Mười phút, hai mươi phút ngâm mình dưới nước, anh Định – đồng nghiệp làm báo – lạnh run bắn người, đành bỏ cuộc lên sưởi ấm trên... bờ hồ! Còn tôi phải gắng gượng hoàn thiện các bài học “vỡ lòng” bơi lặn trong lòng hồ bằng bình thở ôxy....

Trời không mưa, không nắng, nhiệt độ 230C, gió lùa sóng biển vỗ uồm oàm vào bờ cát trắng phau. 8 giờ sáng, tàu du lịch Rainbow Dive bắt đầu rời bến cảng Cầu Đá (TP.Nha Trang) tiến thẳng ra đảo chinh phục “thủy cung” Hòn Mun. Gần 1 giờ vượt sóng, tàu mới neo đậu ở sát mỏm đảo phía nam. Tôi bắt đầu ngày học thứ ba thực hiện 2 ca lặn 90 phút cùng với các học viên bơi lặn người Anh gồm Chelsea, Leigh, Dominik... Từng người lặn biển đều có một guide đi kèm để hướng dẫn đúng thao tác lặn, thông thạo các chỉ số của đồng hồ đo ôxy, các vale cân bằng trong nước, cách lặn ở từng độ sâu khác nhau.... Ngôn ngữ trao đổi duy nhất với bạn đồng hành trong suốt quá trình lặn để đảm bảo an toàn nhất khi thám hiểm là ký hiệu. Càng lặn sâu, tai càng bị đau nhức, ù, tôi phải đánh quai hàm, bóp mũi liên tục và thở mạnh để giảm áp suất qua hai màng nhĩ, cân bằng cơ thể.

Nếu bạn tuân thủ đúng các nguyên tắc chung khi lặn, thì lặn biển có độ an toàn gần như tuyệt đối. Guide Kha cho hay: Nếu đang ở đáy biển sâu với thời gian lâu, chịu áp suất lớn mà nổi lên mặt nước gấp gáp quá và không ngơi nghỉ cách mặt nước 5m, thì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của bạn. Bởi lượng nitơ trong cơ thể chuyển nhanh từ dạng lỏng sang dạng khí và những bọt khí nitơ này có thể gây tắc mạch máu hoặc chèn ép mô ở tủy sống, làm người lặn bị liệt một phần cơ thể, liệt toàn thân hoặc tử vong ngay. Nếu người liệt nhẹ có thể phục hồi, liệt nặng coi như tàn phế suốt đời. Tôi chợt giật mình khi bỗng nhớ có đến hơn 10 ngư dân ở làng Dân Phú 2, xã Xuân Phương, TX Sông Cầu (Phú Yên) chết oan uổng hoặc tai biến tàn phế do đi lặn biển sâu bắt tôm hùm mà không am hiểu tận tường các quy định thời gian lặn, kỹ thuật trồi lên mặt nước...!

Kỳ thú lặn thám hiểm

Lại ngày mới ở Hòn Mun. Đông đúc các tàu dịch vụ bơi lặn. Thời tiết vẫn lạnh ngắt. Lạnh đến buốt da với người Việt khi lặn xuống biển, nhưng đây là mùa du lịch của người “xứ lạnh” nước ngoài, nên coi như “hợp gu” và thích thú. Hôm nay tàu Rainbow Dive có các chị Scott, Kylee (quốc tịch Anh), các anh Laura (Anh), Per (Đức)... cũng đi lặn. Tàu neo, tôi cùng họ mang chân vịt, vác bình hơi nhảy tàu, thực hiện các động tác kỹ thuật lặn. Giờ thì tôi như những thợ lặn thứ thiệt chuyên nghiệp, bắt đầu ứng dụng bài học thực tế lặn biển bằng cách hít thở sâu bằng miệng, giơ cao cần ấn nút xả khí và thân hình “người nhái” của tôi từ từ chìm nghỉm xuống biển. Và bơi theo cuộc hành trình thám hiểm của guide, mắt mở to phóng tầm nhìn bao quát vào “thủy cung” dưới lòng đại dương xanh.

Ở độ sâu 10 – 18m nước, tôi như lạc vào một thế giới với muôn vạn sinh linh, với muôn sắc màu đẹp rực rỡ của san hô, của hàng trăm loài sinh vật biển. Cuộc sống con người vốn chứa đựng nhiều bí ấn, thì dưới đáy biển bao la cũng hiện diện đầy ắp triết lý nhân sinh, cộng sinh bầy đàn như “ngôi nhà chung”, tạo nên bức tranh thiên nhiên huyền ảo, đẹp đến nao lòng. “Thủy cung” trong câu chuyện cổ tích ngày xưa ông bà kể như hiện diện trước mắt mình với nhiều cảnh vật lạ lẫm, thích thú, độc đáo. Này là thiên đường san hô với hàng trăm loài cứng và mềm, lớn nhỏ tương hỗ nhau trông giống như những đóa hoa khổng lồ.

Này là vô số các loài động vật giáp xác và cá chào mào, hải sâm, sao biển, hải quỳ, cá hoàng đế, cá mao tiên, cá hề... có màu sắc sặc sỡ, lượn lờ quanh những thợ lặn. Và đây, những hang động lung linh, kỳ bí dưới lòng biển rộng. Tôi cảm giác vô cùng diễm phúc khi được lặn vào ngóc ngách, hang san hô nhìn thấy hàng ngàn con cá bơi lượn thân thiện quanh mình...

Sau hành trình thám hiểm qua nhiều điểm san hô kỳ thú, khi trồi lên mặt nước, chị Scott liền bật thốt lên: “Ok, rất đẹp. So với các điểm lặn tôi từng đến ở Thái Lan, Ai Cập, Australia... thì Hòn Mun tuy nhỏ nhưng có hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Tôi rất thích du lịch lặn biển ở đây!”.

Chỉ vài ngày trải nghiệm lặn biển, trong tôi dần như tan biến mọi lo toan của cuộc sống thường ngày, thay vào đó là sự trào dâng một cảm xúc, một niềm đam mê, một tình yêu mãnh liệt với “bảo tàng sống” dưới lòng đại dương sâu thẳm, mênh mông, kỳ vĩ và bí hiểm!...

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.