Tam Giang mùa suy kiệt

15/10/2010 11:51 GMT+7

Ngược con nước mênh mông về vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (tỉnh Thừa Thiên - Huế) mùa này, những thách thức về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy kiệt tài nguyên ngày càng hiển hiện.

“Ít lắm chú ơi. Đánh bắt đâu còn dễ dàng như trước đây nữa. Cả nhà mỗi ngày cật lực theo đầm phá cũng chỉ được vài chục bạc. Cứ như ni đói dài dài là cái chắc” - dì Võ Thị Gái (44 tuổi, thôn Thủy An, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) than. Ngược con nước mùa này, đâu đâu cũng nghe tiếng thở dài.

Dì Gái mệt mỏi chèo con đò nhỏ ra khu vực nò sáo (một loại dụng cụ đánh bắt trên đầm phá) đã được “phân lô, cấp sổ”. Với 15 cây sáo, dài đến 400m chạy dọc giữa lòng Tam Giang nhưng kết quả thu được chẳng là bao: vài đụm tôm lèo tèo, thêm những con cá nhỏ ăn cũng khó nuốt huống chi bán... “Cùng lắm cũng chỉ được hơn 1kg thôi. Như ri thì bán buôn được gì. Chưa được năm chục bạc. Ngay đến mấy đầu nậu mua hàng, họ ngán ngẩm bỏ đi chỗ khác rồi “ - dì Gái nhẩm tính.

Xác xơ

Nhớ lại chỉ vài năm trước đây, con số này có thể gấp đến 4 – 5 lần. Ngày nào cũng thế, 6 miệng ăn nhà dì Gái đều trông chờ vào sản lượng thủy sản bắt được nơi đầm phá. Cực chẳng đã, mấy tháng nay, hai đứa con lớn của dì phải nghỉ học lớp 10 giữa chừng, dắt díu nhau vào Sài Gòn mưu sinh. Dì bảo “chẳng biết ra răng, cá tôm chừ đi đâu hết. Ngày trước cứ thả nò sáo xuống, vớt lên là có tôm cá nhảy lao xao. Cá to đến cả bàn tay cũng dễ bắt... vậy mà giờ kiệt hết”- dì Gái nói.

Chỉ tay phía đầu nguồn con phá, ông Phan Công Chính – trưởng thôn Thủy An ái ngại: cứ đánh bắt như ri thì làm sao tái sinh kịp. Nhiều cư dân vùng khác kéo đến dùng xung điện, rồi đến các ngư cụ mang tính hủy diệt làm đảo lộn lòng đầm phá... Kẹt nỗi đã ít thì tôm cá nhỏ gì cũng bắt hết nên chúng làm sao kịp lớn, kịp sinh sôi. Ba đời truyền thống theo nghề sông nước từ đời ông truyền lại, đến giờ ông Chính vẫn ngỡ ngàng trước sự đổi thay, suy kiệt.

Ông Chính bảo: từ các thế hệ trước, việc khai thác mặt nước có cả khế ước của làng. Quanh vùng có đến 4 làng chung một mực nước. Ông Chính thuộc làng Hà Lạc. Thể lệ của làng cho đấu mực nước, nếu ai xâm phạm mực nước của nhau sẽ bị báo lên trưởng làng để xử lý... Vì thế việc khai thác vừa thuận lợi, năng suất cao. Thả nò sáo một ngày vớt lên được 10kg tôm, cá to là chuyện thường. Nhưng chừ thì khác hẳn, không còn hương ước làng, mạnh ai nấy làm, thi nhau hủy diệt đầm phá.

Đến giữa chiều, phá Tam Giang vẫn bỏng hơi nước do mặt trời phả hấp. Dì Trần Thị Nhung (45 tuổi) cùng cả chục ngư dân khác ngồi sẵn bên mép phá để có thể thả lừ ở vị trí tốt nhất. “Giờ phá chật người, tôm cá ít, phải tranh thủ đi sớm, thả vị trí tốt mới đủ ăn” - dì Nhung giải thích. Ông Phan Nam, quyền Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn cho hay: toàn xã có đến 97 ha đầm phá, với 58% số hộ dân sống nhờ sông nước.

Ngược dòng Tam Giang về vùng Ngũ Điền hay lên mạn Phong Điền, đâu đâu nghe tiếng thở dài ngao ngán của các cư dân vùng đầm phá trước tình trạng suy kiệt nguồn tôm cá.


Một ngư dân nhí

Chóng vánh chợ nổi

Bốn giờ sáng. Làng Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Lợi, Quảng Điền) lao xao tiếng người gọi nhau, tiếng máy nổ, khua chèo làm thức tỉnh cả vùng đầm phá. Ngày nào cũng thế, hàng trăm hộ dân bắt đầu công việc của mình khi mặt trời còn chưa ló rạng – vớt lừ, lấy nò sáo... để bắt đầu cho phiên chợ nổi độc nhất vô nhị trên phá Tam Giang. Gọi là chợ nổi vì phiên chợ chỉ diễn ra trên sông nước. Người mua chèo thuyền đến các con đò của ngư dân để mua cá tôm bắt được sau một đêm bỏ lừ, nò sáo.

"Chẳng biết ra răng, cá tôm chừ đi đâu hết. Ngày trước cứ thả nò sáo xuống, vớt lên là có tôm cá nhảy lao xao. Cá to đến cả bàn tay cũng dễ bắt... Vậy mà giờ kiệt hết " - Dì Võ Thị Gái
“Chợ nổi đã trở thành đặc trưng bao đời nay của làng rồi. Nó không chỉ là hoạt động kinh tế, mua bán trao đổi hàng hóa, mà còn là nét văn hóa. Trước đây, do đánh bắt được nhiều nên chợ họp rôm rả lắm. Có khi kéo dài 2 - 3 tiếng vẫn chưa hết người bán, kẻ mua. Vậy mà chừ nó diễn ra chóng vánh, chưa đầy nửa tiếng đã kết thúc phiên chợ vì có đánh bắt được đâu mà bán” - ông Trần Văn Minh, trưởng thôn Ngư Mỹ Thạnh nói.

Mặt trời vừa ló rạng cũng là lúc phiên chợ kết thúc. Ông Đặng Tửu (50 tuổi) cùng đứa con buồn thiu vì đã vài tháng nay cả gia đình đánh bắt chưa đủ ba bữa cơm mỗi ngày. “Tôm cá ít lại bị ép giá, tôi bán vội cho xong, chẳng mong gì hơn” – ông Tửu nói.

Cả đời gắn với con nước, ông Tửu chưa khi nào đối diện với cảnh đánh bắt khó khăn như hiện nay. Ông bảo: chỉ vài ba năm trước, cảnh chợ còn sôi nổi, cá tôm đầy mủng. Chợ kéo dài hơn. Người dân còn vui vầy nán lại nói chuyện với nhau xôn xao cả góc phá. Chừ thì ai cũng nhanh nhanh lên bờ cho đỡ phải nhìn nhau ngán ngẩm.

Chị Nguyễn Thị Xuân, “tiểu thương” chợ nổi cũng ái ngại: Ngư dân khổ thì mình cũng chẳng sung sướng gì. Cả buổi chợ mà thu gom chưa đến một yến cá tôm, tính công vận chuyển xuống thành phố gần 30km thì cũng chẳng lãi lời gì. Trước đây, ngày thường cũng mua được 2 – 3 yến nói chi trúng mùa.

Rít vội điếu thuốc cho hết cái se lạnh buổi sớm bên đầm phá, ông Minh bộc bạch: Thôn tôi nổi tiếng là khu vực tôm cá nhiều nhất của đầm phá, vì thế mới có phiên chợ độc đáo này. Nhưng giờ cá tôm ít, chợ họp nhanh. Sợ rằng phiên chợ nổi này sẽ không còn duy trì được nữa.


Phiên chợ nổi diễn ra nhanh chóng vì ít tôm cá. 

Cuộc “đại phẫu” đầm phá

Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên- Huế Hoàng Ngọc Việt, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng suy kiệt nguồn tài nguyên trên phá Tam Giang phải kể đến tình trạng khai thác tăng theo dạng cơ học. Trước đây chỉ có khoảng 4.000 đơn vị tập trung khai thác nhưng nay tăng nhanh, có khi gấp đôi kéo theo tần suất, diện tích đầm phá bị khai thác tối đa. Việc “đại phẫu” Tam Giang - Cầu Hai là việc làm cấp bách.

Toàn tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2010 giảm gần một nửa số trộ nò sáo toàn tuyến đầm phá, đồng thời hoàn thiện bước một chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân đầm phá; thành lập các chi hội nghề cá để giao quyền tự chủ cùng với người dân canh tác trên các diện tích mặt nước.

UBND huyện Phú Vang cho biết: Huyện đã kiến nghị chi gần 12 tỷ đồng để hỗ trợ công tác giải tỏa 122 nò sáo, giảm cường độ miệng đáy một nửa; đào tạo và hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 239 hộ ngư dân trong diện giải tỏa; dịch chuyển và sắp xếp lại ngành nghề hợp lý, bền vững...

Ông Việt nhấn mạnh: Đây được xem là bước chuyển mới trong quy hoạch, bố trí, khoanh vùng trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, nhằm hướng cư dân ở đây đến khai thác bền vững, sử dụng tài nguyên thủy sản hiệu quả.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.