Sự thật đằng sau những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi - Bài 3: Những người mẹ bán con

07/10/2010 00:50 GMT+7

Trong suốt quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã tiếp xúc với rất nhiều cô gái phải bán con. Trong nỗi niềm đồng cảnh ngộ, T.N - một cô gái làm tiền đã qua thời xuân sắc - không ngần ngại kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện bán con của mình...

"Chẳng qua cái phận..."

Chúng tôi tiếp cận T.N ngay tại khu vực Liên Chiểu, cách Bến xe Trung tâm Đà Nẵng chừng 1 km. T.N là một phụ nữ ốm o, gầy gò, khuôn mặt có nhiều vết trầy xước do cào cấu, đôi khi đang dở câu chuyện thì ngồi thừ ra, ngẩn ngơ, đăm chiêu suy nghĩ.

Khi nghe chúng tôi kể chuyện đi bán con nhưng không được bà Xê chấp thuận, T.N liền chỉ bảo: "Hay là lên Trung tâm Y tế T. Lần trước, con nhỏ Th. lên đó mà bán được 20 triệu đồng đó!", rồi thở hắt: "Phải chi tui còn nhớ cái bà mua con của tui, thì mấy cô sướng rồi! Bà ni thoáng lắm, trước khi tui sinh, bả cho tui tới nhà trọ ở với bả cả tháng, sinh xong, bả cho mang con về phòng trọ ở một tuần. Sau 1 tuần, bả hỏi lại, là răng, có bán con không, nếu không bán thì trả lại toàn bộ tiền viện phí, thuốc men, đồ đạc trẻ sơ sinh cho bả; còn nếu bán thì bả cho 26 triệu đồng. Và tui quyết định bán!".

Khi chúng tôi hỏi, thấy mặt con, ở với con được 1 tuần cũng là có tình cảm, sao mà bán được, T.N cúi đầu, vò tay, mắt rơm rớm: "Bộ tưởng tui không thương nó sao, lúc giao cho bả, nó đỏ hoe, trông tội lắm! Nhưng, giữ lấy nó thì tiền mô mà trả cho bả, tiền mô mà nuôi nó. Bán nó đi, may ra nó được về cái nhà mô đó hạnh phúc, chớ theo mình, thì khổ không biết khi mô mới hết được! Cái nghề ni, vắt kiệt sức, đến khi sức tàn lực kiệt thì nó vứt ra xó, sống lay lắt rứa thôi! Có tiền thì ai nỡ bán con, chẳng qua cái phận nó hẩm hiu...!".

Trao đổi với Báo Thanh Niên sau khi báo khởi đăng loạt bài Sự thật đằng sau những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, ông Nguyễn Bá Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng cho hay, số trẻ sơ sinh hiện nay cho làm con nuôi nước ngoài không nhiều, năm 2009 có 79 trẻ và Đà Nẵng là TP có số trẻ cho làm con nuôi người nước ngoài vào hàng ít nhất trong toàn quốc.

Đối với trẻ sơ sinh cho con nuôi trong nước thì không thuộc thẩm quyền của Sở, Sở Tư pháp chỉ tiến hành xác minh nhân thân của những trẻ có hồ sơ làm con nuôi người nước ngoài. Đáng nói, là trong số những hồ sơ tiếp nhận trẻ gửi về Sở Tư pháp, thì có đến 50% trong số này qua xác minh của cán bộ tư pháp, thì xét thấy có nhiều nghi vấn, phải chuyển sang lực lượng Công an TP để điều tra xác minh lại. Có không ít trường hợp cán bộ tư pháp phải lặn lội từ Đà Nẵng đi Quảng Ngãi, Bình Định, Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh... để tìm tung tích mẹ của trẻ, nhưng hầu hết địa chỉ và họ tên mẹ đều không có thật.

B.N

Chị phụ nữ đi cùng T.N chen vào giữa câu chuyện: "Tui ở với nó lâu, tui biết, nó bán con chừng 1 năm thì có số vốn khấm khá, tính tìm để mua lại con, rồi dắt díu nhau về vùng quê nào đó để sinh sống, rứa mà trời không thương nó, tìm miết không ra được cái nhà trọ, cả cái trung tâm to đùng bả chỉ là con nó sẽ được đưa vào đó vui chơi học hành, ở đoạn biển Mỹ Khê. Rứa mà nó tìm quanh năm suốt tháng, cũng không ra".

T.N ái ngại nhìn vào cái bụng bầu giả to đùng mà chúng tôi mang trong người để tiện tiếp cận đối tượng mua trẻ sơ sinh, tặc lưỡi bảo: "Nếu không khó quá thì đừng bán! Mà nếu bán thì bán liền, đừng để trông thấy mặt nó, day dứt lắm, đến cả đời cũng không nguôi!"...

Bán con mua được chiếc xe Wave!

Trong lúc chuyện trò, một trong các cô gái làng chơi trong nhóm sực nhớ đến trường hợp của cô L. vừa bán con chừng 2 tháng: "Nghe nó vừa bán xong mua ngay chiếc xe Wave mười mấy triệu! Ai hỏi nó cũng nói con gửi về ngoại nuôi, nhưng ai không biết nó tứ cố vô thân, sinh xong chỉ có nước cho chớ làm gì có tiền nuôi. Với lại, con không phải của thằng bồ hiện tại sống cùng, nên đố dám giữ. Nó bán con mua xe nhưng chối tiệt, sợ họ biết, nhưng ở đây không ai không rành!".

Phải len lỏi qua hàng chục con hẻm xóm đường ray, vào sâu những con đường tối u u của những dãy nhà trọ dày đặc, chúng tôi mới tìm ra L. Nhờ một tay anh chị cũng có máu mặt gọi, L. mới chịu ra nói chuyện với chúng tôi. L. đen thui, gầy gò và già dặn so với cái tuổi 24. Ánh mắt sắc và láo liên, thỉnh thoảng liếc vào bên trong phòng trọ, nơi có một người đàn ông đang coi tivi, vẻ như sợ người đó nghe chuyện. Trên tay L, dù giấu kỹ, cũng đầy những vết kim tiêm. Gương mặt nhợt nhạt của người sinh dậy chưa lại sức vẫn hiện rõ trên khuôn mặt.

Quả nhiên, L. không nhận mình bán con, mà trả lời quanh co, lúc bảo đã gửi về ngoại, có lúc nói gửi trung tâm từ thiện... Sau thấy chúng tôi năn nỉ với sự hù dọa của "tay anh chị" đi cùng, L. mới cho chúng tôi một địa chỉ là một trung tâm y tế, nhưng vẫn thòng một câu - "tùy đứa trẻ sơ sinh mà người ta có chịu mua hay không...".

Một cô gái làng chơi khác mà chúng tôi tiếp cận, nắm khá rõ những người cùng làm nghề với mình đã bán con, thản nhiên đếm: "Con Th. nó bán con được 20 triệu nè; con Tr., con L. bán đến 26 triệu. Có con Tr. mới sinh năm 84 mà 3 lần bán con rồi. Nó bị HIV, vậy mà con nó người ta vẫn mua. 2 đứa đầu nó bán còn được giá, đứa sau nó nghiện, lần đó sinh xong mà "vã" quá nên đã bán với giá rẻ hều, có 5 triệu à! Nó vậy mà mới rồi vẫn bán dâm, móc túi, cuối cùng bị bắt!". Lúc chào chúng tôi, cô gái bỗng sực nhớ: "Trong tháng 9 ni, 2 con L. và D. cũng sinh con, tụi nó cũng quyết định bán đó!". Chúng tôi ngỏ ý muốn tiếp cận, thì cô lắc đầu, bảo: "Tụi nó trốn không chịu tiếp khách chi đâu. Bán cho ai thì tụi nó cũng liên hệ hết rồi, chỉ chờ đứa trẻ ra đời thôi...".

Chúng tôi ra về, trong lòng dâng đầy những nỗi buồn không gọi được thành tên...

Phóng sự điều tra của Bảo Nguyên - Duy Nghĩa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.