“Sống lại” nhờ tình đồng đội

15/07/2010 04:42 GMT+7

Một nữ thanh niên xung phong (TNXP) trên tuyến đường 1C sau chiến tranh về sống lặng lẽ ở quê chồng, đâu hay từ lâu giấy báo tử ghi bà đã hi sinh. Có những đồng đội thân thiết đã đi tìm, phát hiện bà vẫn còn sống.

Người cựu TNXP đó tên Võ Thị Phục, 59 tuổi, ngụ xã Đông Hải, Duyên Hải, Trà Vinh. Khi tôi đến bà đang tưới mía. Bà nói: “Đất này chỉ trồng hoa màu, mía. Trồng lúa năng suất thấp lắm! Nhiều người có tiền đào vuông nuôi tôm, mình không vốn, lại chỉ có 1,5 công đất nên chỉ trồng mía kiếm chút tiền”. Ngoài mía bà còn nuôi gà, trồng thêm rau cải trên mảnh đất trước nhà.

Hồi phục trí nhớ

Trong căn nhà nhỏ được xây dựng khá đơn sơ, bà tâm sự: “Nhà này nhờ có đồng đội là các cựu TNXP hỗ trợ cất, chứ nhà cũ mưa nắng dột tứ bề. Cuộc sống còn chật vật nhưng nhờ có đồng đội cũ cưu mang, lo lắng, đi lại thăm hỏi thường xuyên nên tui cảm thấy ấm áp, hạnh phúc lắm. Họ rất tình nghĩa, vẫn quan tâm đến nhau như ngày nào trong chiến tranh cùng chung đơn vị”.

Ông Danh Văn Chật, chồng bà, thổ lộ: “Cuộc sống khốn khó, con cái nheo nhóc, bản thân vợ tôi bị bệnh tật kinh niên, nhất là bị ảnh hưởng bởi mảnh đạn ghim vào đầu trong những năm chiến tranh nên trí nhớ bị giảm sút rất nhiều. Vợ tôi quên cả quá khứ, quê cũ của mình ở đâu. Nhưng may nhờ có những đồng đội cũ...”.

Sau khi đất nước thống nhất hơn 35 năm, bà Phục chưa một lần về thăm quê cũ. Quê nhà nằm sâu trong vùng bưng biền nên bà Phục không hề hay biết từ lâu giấy báo tử báo tin bà đã chết và hằng tháng người thân vẫn lĩnh lương theo chế độ liệt sĩ dành cho bà. Mãi đến khi đồng đội cũ tìm đến, khơi gợi kỷ niệm, trí nhớ bà Phục mới dần hồi phục...

Trong vòng tay và tình cảm của những đồng đội cũ, bà Phục nhớ ra mình quê ở xã Đông Yên, An Biên, Kiên Giang. Mồ côi mẹ từ nhỏ, cha tục huyền, năm 1965 khi các chị bạn cùng quê rủ nhau thoát ly đi kháng chiến, bà Phục hăm hở tham gia. Năm đó, cô bé Phục mới 14 tuổi..., tham gia đại đội Hòn Đất. Năm 1972, đơn vị làm giấy tờ giả, thay tên, đổi họ, quê quán cho Phục để bố trí cô hoạt động trinh sát công khai ở vùng Tân Châu, Hồng Ngự...

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Phục theo chồng, cũng là một cựu TNXP, về quê chồng sinh sống với tên giả là Phạm Thị Thắm. Cuộc sống khó khăn cùng với bệnh mất trí nhớ đã làm người cựu TNXP quên mất nhân thân của mình và cái tên Võ Thị Phục trở thành liệt sĩ.

Tình nghĩa tìm nhau

Bà Kha Thị Xuyên, đồng đội cũ của bà Phục, nhớ lại: “Sau chiến tranh, đồng đội trong đơn vị mỗi người mỗi ngả nhưng lúc nào cũng canh cánh muốn gặp lại nhau. Khoảng năm năm trước, khi cuộc sống đỡ khó khăn, chúng tôi mới liên hệ với những bạn thân cũ ở đại đội Hòn Đất... rủ nhau góp tiền, đi tìm lại những đồng đội một thời gắn bó để có thể giúp đỡ nhau trong cuộc sống cũng như nơi đồng đội đã hi sinh để có thể thông tin cho gia đình”.

Trong cuộc tìm kiếm đó, mọi người mới biết bà Phục đã hi sinh trong trận càn quét của quân đối phương tại Hòn Đất nhưng chôn ở đâu thì không ai rõ. Những người cựu TNXP cùng quyết tâm phải tìm ra được nơi chôn cất đồng đội mình để thắp một nén nhang tưởng nhớ.

“Không thể để đồng đội mình chết không rõ nơi rõ chỗ, tụi tôi mới ngồi lại bàn với nhau: từ năm 1965-1971 còn ở chung đại đội nên tin tức nắm rất rõ về chị Phục. Từ năm 1972 trở đi, hoạt động ở những địa bàn khác nhau mới lạc mất thông tin... Rất có thể chị Phục vẫn còn sống” - bà Tư Bé, cựu TNXP, người đứng ra làm mai mối cho vợ chồng bà Phục, nói. Nếu còn sống thì chắc bà Phục theo chồng về quê, nghe đâu ở Trà Vinh. Nhưng ở huyện nào của Trà Vinh? Cuộc kiếm tìm tưởng chừng bế tắc...

Những cựu TNXP vẫn bền bỉ tìm kiếm. Cách đây khoảng hai năm, tình cờ một lần đi dự đám cưới người cháu của một đồng đội ở Kiên Giang, nhiều cựu TNXP tụ về và tin tức bà Phục được hé mở dần... Bà Lê Thị Út Mảnh nhớ lại: “Khi chúng tôi hỏi thăm ông Ba Đòn quê ở Duyên Hải, Trà Vinh có biết người nữ TNXP nào tên Phục hay không thì vợ chồng ông đều lắc đầu. Đến khi hỏi về anh Chật thì họ trả lời có biết do trước đây công tác cùng đơn vị. Chắp nối những thông tin lại với nhau, chúng tôi nghĩ có thể người vợ hiện tại của anh Chật chính là chị Phục...”.

Ông Ba Đòn tìm đến nhà ông Chật. Khi biết bà Thắm chính là bà Phục liền báo tin cho mọi người. Sau đó là một cuộc gặp mặt đầy xúc động của những người một thời chiến đấu cùng nhau trên chiến trường gian khó. Bà Mảnh bồi hồi: “Vừa đặt chân vào nhà là tụi tôi nhận ra chị Phục ngay. Còn chị Phục do ảnh hưởng của mảnh đạn còn ghim trong đầu làm ảnh hưởng đến trí nhớ nên không nhớ nổi tụi tôi là ai... Phải mất khoảng thời gian khá dài, chị em nhắc nhở, khơi gợi những kỷ niệm một thời gian khó, chị mới dần nhớ lại...”.

Bà Xuyên hồ hởi báo tin về cho người thân bà Phục ở quê biết bà vẫn còn sống, nhưng ai cũng hồ nghi, không tin là sự thật mãi đến khi bà Xuyên liên hệ được với người chị song sinh của bà Phục. Người chị này đã đi tìm gặp em và bức ảnh thờ bà Phục mấy chục năm qua được gỡ xuống. Hồ sơ thương binh của bà Phục được các đồng đội nhiệt tình làm giúp và đang được các cơ quan chức năng xem xét.

Bà Phục tâm sự: “Vui nhất là vào tháng 4 vừa qua được tổ chức đưa về thăm quê sau mấy chục năm xa cách. Tôi đã gặp được anh em, thăm viếng mộ cha mẹ, thăm chòm xóm. Rất cảm ơn đồng đội, tình đồng đội cũ thật quý báu, họ đã giúp tôi “sống” lại”. Còn đồng đội của bà Phục tự hào nói: “Những người TNXP chúng tôi dù có ở đâu, trong hoàn cảnh nào vẫn giữ được truyền thống của mình, luôn ở bên cạnh nhau, cưu mang nhau trong thời chiến cũng như trong thời bình...”.

Lặn lội tìm bạn

Liên đội 1 TNXP ở tuyến đường 1C gồm năm đại đội khoảng 500 người, đa số là nữ ở lứa tuổi 13-24. Tuy nhiệm vụ chính là vận chuyển hàng chiến lược và lương thực cho toàn chiến trường miền Tây Nam bộ, nhưng trong một số trận đánh khốc liệt của bộ đội chủ lực cũng có mặt họ.

Từ năm 1997-2004, những cựu TNXP như bà Tô Thị Tuyết Thu, Lê Thị Út Mảnh, Ánh Hồng, Hồng Phượng, Minh Tâm... đã tổ chức nhiều chuyến đi tìm hài cốt đồng đội hi sinh mang về trao cho gia đình. Tám năm trời như con thoi xuôi ngược khắp chiến trường xưa, các bà cùng đồng đội đã quy tập 168 hài cốt về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh...

Sau đó nhóm bà Tuyết Thu, Út Mảnh... tiếp tục xuất tiền túi đi khắp các tỉnh miền Tây đến nhà đồng đội nào có hoàn cảnh khó khăn để lập danh sách rồi nhờ bạn bè, người thân, mạnh thường quân giúp đỡ xây nhà. “Từ đầu năm 2008 đến tháng 7-2010, tụi tôi đã cất 50 căn nhà tình thương cho đồng đội, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng. Khi thấy đồng đội có cuộc sống khó khăn, mỗi người chúng tôi góp một ít tiền, động viên tinh thần để giúp nhau vượt qua thử thách” - bà Tuyết Thu tâm sự.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.