Sống, là đừng mặc cảm

11/08/2009 11:19 GMT+7

Điệp đứng lên đi vào nhà gọi vợ con ra chào khách. Thật bất ngờ khi biết Điệp có gia đình. 29 tuổi, nhưng Điệp chỉ cao chừng một mét. Đôi chân khoèo khiến anh bước đi ngật ngưỡng, lắc lư.

Khách không khỏi xót xa, chất dioxin làm Điệp thế kia, vợ con anh ra sao. Và các giác quan như căng lên để chuẩn bị tinh thần. Rồi lén thở ra nhẹ nhõm. Chung - vợ Điệp - một cô gái vóc người nhỏ, nhưng gương mặt ưa nhìn. Còn đứa con, một món quà trời cho; trộm vía, thằng bé sáng sủa, dài rộng, dù nó đang bám chặt lấy mẹ vì sợ người lạ.

Hai anh em

Thoạt nhìn hai anh em Tùng và Điệp, không ai nghĩ họ là những nạn nhân da cam. Điệp có gương mặt sáng sủa, lông mày đậm, có thể nói là khôi ngô. Tùng, người em, đen hơn và trông già hơn tuổi. Cả hai nói chuyện đều rất vui và khá hóm hỉnh. Tùng 26 tuổi, cũng bị tật giống hệt anh trai. Chất độc dioxin từ người bố đi chiến trường miền Nam đã ngấm vào cơ thể họ.

Hai anh em có một cửa hàng sửa chữa đồ điện gia dụng ven đường Kim Long (huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc). Trong gian nhà chừng 4m2, chỏng chơ trên mặt đất là những cái quạt bàn cũ đang tháo dở, một cái bầu trục quạt trần, mấy cái nồi cơm điện cũ và những thứ đồ điện gia dụng linh tinh đã tróc lở. Hai cái tủ kính bụi phủ dày, trong bày một cái bếp gas đôi và hai bếp gas du lịch cũng nằm im dưới lớp bụi.

"Trước cùng với một người em họ, bọn em kinh doanh bếp gas, được chừng một năm nhưng không làm nổi, bọn em không chở bếp đi xa được, mà ngày càng có nhiều người làm bếp gas, nên thôi". Điệp giải thích rồi hai anh em rót nước mời khách. Những bàn tay của họ giống những nải chuối nhỏ thó dị dạng. Nhưng hai anh em không mặc cảm khi kể câu chuyện của mình, họ vẫn cười đùa, như thể là nỗi đau chưa bao giờ có mặt trong ngôi nhà này.

Nhà có 4 anh em. Anh trai và chị gái hoàn toàn bình thường, chỉ Điệp và Tùng mang những dị tật giống nhau. Bố mất năm 1992, khi Điệp 11 tuổi, Tùng lên 8. Người mẹ làm giáo viên Trường Tiểu học Kim Long, một mình nuôi 4 con, vẫn quyết tâm cho Điệp và Tùng đến trường. Nhờ vậy mà Tùng học được hết cấp 2, trường cấp 2 chỉ cách nhà chừng 1km, Tùng đạp xe đi học được. Sau này, trường cấp 3 xa quá, Tùng không đi nổi.

Năm 2007, hai anh em lại cùng nhau đi học. Lần này là lớp dạy nghề sửa chữa điện gia dụng do Trung tâm Trợ giúp nạn nhân chất độc da cam/dioxin và người tàn tật tỉnh Vĩnh Phúc mở. Mưa cũng như nắng, Tùng và Điệp không bỏ buổi nào. Ông Phạm Văn Giang - Giám đốc Trung tâm - cũng không giấu được sự xúc động khi nhắc tới quyết tâm của hai anh em Tùng. Lớp học chỉ 3 tháng thôi, cùng với vốn vay 3 triệu từ trung tâm, kết quả là cửa hàng điện gia dụng này, đem lại cho hai anh em chút thu nhập, nhưng quan trọng hơn là giúp họ tin hơn vào cuộc sống.

"Thu nhập mỗi tháng chừng trên dưới một triệu thôi, cả hai người". Điệp kể. "Giờ thợ nhiều, đồ tốt, mãi chả thấy cái quạt nào hỏng cả" - Tùng tiếp lời anh trai. Câu nói đùa, không tìm thấy trong đó chút dư vị chua xót nào, đơn giản là một câu đùa thôi.Chất độc dioxin không cho họ làm một người hoàn toàn bình thường, nhưng vẫn không thể cướp đi của họ tất cả. Nỗi đau vẫn đồng hành với họ, nỗi đau không biến mất... Chỉ có điều họ đã không để cho nỗi đau mang màu cam kia biến họ thành phế nhân. "Phải vượt lên chính mình chứ, không nên mặc cảm. Có mặc cảm cũng chả làm được gì. Người thân, bạn bè giúp nhiều, nhưng quan trọng nhất là vượt qua chính mình. Hãy tìm cho mình một công việc thích hợp để quên đi mọi bi quan" - Tùng nói.

Hai anh em đang theo học thêm một lớp vi tính nữa cũng do trung tâm mở, lại cần cù không bỏ buổi nào và đăng ký vay thêm 3 triệu nữa để mở rộng cửa hàng. Có thể ngay trong Tháng hành động vì nạn nhân da cam này, nguyện vọng của hai anh em sẽ được chấp nhận. Họ định làm thêm nghề in thiếp, in biển quảng cáo, người dân ở đây mỗi lần cần in thiếp, in lịch phải ra thành phố Vĩnh Yên hoặc xuống Hà Nội. Tùng và Điệp tin mình làm được.

Mô hình mới

Tùng và Điệp chỉ là hai trong số hơn 3.200 nạn nhân chất độc da cam/dioxin và 10 nghìn người khuyết tật đủ dạng của tỉnh Vĩnh Phúc và là hai trong số vài trăm nạn nhân đã được Trung tâm da cam giúp đỡ. Ông Phạm Văn Giang - giám đốc - tự hào, trung tâm hoạt động rất hiệu quả. 400 nạn nhân và người khuyết tật đã được đào tạo nghề ngắn hạn như: Mây tre đan, may công nghiệp, tin học văn phòng, sửa chữa điện tử, điện gia dụng, tranh đá quý. 370 hộ gia đình nạn nhân và người khuyết tật được vay vốn không lấy lãi, mỗi hộ 3 triệu đồng để chăn nuôi, sản xuất nhỏ, buôn bán nhỏ, với hạn vay 36 tháng.

 Tùng (ngồi) và Điệp lúc nào cũng lạc quan

Tùng (ngồi) và Điệp lúc nào cũng lạc quan

"Hầu hết là làm ăn hiệu quả. Cả trăm nhà vay mới có một vài nhà làm ăn thất bát, dùng tiền vay để tiêu dùng, cũng vì họ khó khăn quá" - ông Giang giải thích. Trong tháng da cam này, trung tâm dự định cho thêm 100 hộ nữa vay vốn... Những con số như thuộc nằm lòng. Dường như nhờ có hậu phương vững chắc, không phải lo chuyện kinh tế nên ông Giám đốc trung tâm, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Vĩnh Phúc này có thể dành thời gian chuyên tâm cho công việc.

Từ khi thành lập tháng 12.2004, trung tâm đặt trong một ngôi nhà 3 tầng trên đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Vĩnh Yên, với giá 4 triệu đồng một tháng. Nhưng giờ trung tâm sắp có trụ sở mới. Tỉnh đã cấp 4.000m2 đất và đầu tháng tám vừa qua, công trình xây dựng trụ sở trung tâm đã được khởi công. Những năm qua, nền kinh tế xã hội của Vĩnh Phúc phát triển tốt nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhân đạo. Hỏi ông Phạm Văn Giang, so sánh với hoạt động dành cho nạn nhân da cam ở các tỉnh khác, Vĩnh Phúc có lợi thế gì? Ông Giang cho biết: "Ở miền Bắc, có thể nói Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên có trung tâm hỗ trợ nạn nhân da cam được chính quyền tỉnh thành lập và quan tâm như vậy. Mỗi năm, tỉnh cấp 500 triệu đồng hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động liên quan đến da cam như cho vay vốn, tặng quà, điều dưỡng, phục hồi chức năng, tư vấn...

Chưa kể ngân sách dạy nghề riêng. Tỉnh cũng đầu tư xây dựng trung tâm, mà ví dụ cụ thể nhất là trụ sở mới, với chi phí xây dựng giai đoạn đầu là 8 tỉ hoàn toàn từ ngân sách của tỉnh. Hoạt động da cam ở Vĩnh Phúc mạnh hơn nhiều nơi, được nhiều nơi đến học tập mô hình. Trung tâm đang đề nghị tỉnh tăng ngân sách hoạt động cấp hàng năm lên 2 tỉ đồng từ năm 2010 tới để đến được với nhiều nạn nhân hơn. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác với trung tâm dạy nghề miễn phí cho nạn nhân. "Ngay chuyện giải phóng mặt bằng xây dựng trụ sở mới, các cơ quan xung quanh giải phóng mặt bằng rất khó, nhưng với trung tâm, người dân có nhận thức tốt về việc trợ giúp nạn nhân da cam, nên họ giúp giải phóng mặt bằng rất nhanh...".

Con là hy vọng

Cửa hàng sửa chữa điện gia dụng cũng là nhà ở cửa Tùng. Gian ngoài là của hàng, gian trong có một chiếc giường với cái tivi. Gian hàng sát bên là cửa hàng gội đầu của vợ Điệp. Vừa bế nựng con, Chung vừa kể, cô gặp Điệp năm 2007, khi cô học nghề gội đầu ở một cửa hàng ngoài Vĩnh Yên. Điệp thường được bạn bè đưa sang chơi với chị chủ cửa hàng. "Mới đầu gặp nhau, em thấy anh ấy kỳ cục lắm, nhìn cũng sợ, nhưng lâu dần hay nói chuyện thì thấy mến". Điệp bảo cô ấy nhiều người theo, em cưa mãi mới đổ. Gia đình Chung tất nhiên là thương con gái nên phản đối ghê lắm. Nhưng Chung thương Điệp và vượt qua tất cả. Và cô cũng nghĩ anh là duyên số của mình rồi.

Hai người cưới nhau tháng 6.2007. Lấy nhau rồi, còn gì đau hơn khi phải xác định, đẻ con lành thì may mắn, còn không thì cũng phải chấp nhận. Điệp đi khám, bác sĩ bảo anh vẫn có thể có con. Hai tháng đầu, họ thấp thỏm sốt ruột lắm, cưới được 3 tháng, Chung có bầu, từ đó đến lúc đẻ tháng nào cô cũng đi siêu âm. Chất dioxin như một bản án chung thân ám ảnh. Bác sĩ bảo con không sao, nhưng đến khi đẻ nó ra, bế nó trên tay, hai vợ chồng mới tin vào niềm hạnh phúc họ đang có. Điệp giúp vợ bế con, thổi nấu, làm việc nhà, nhưng việc nặng thì Chung phải cáng đáng hết. Nghĩa tình chồng vợ như bát nước đầy.

"Em cũng vất vả, thiệt thòi. Khó khăn nhất là kinh tế, thứ hai là công việc. Giờ có con, em cũng có phần an ủi nhiều" - Chung nói. Nét buồn vẫn cứ phảng phất trên gương mặt cô, nhưng Chung không bi quan, cô chỉ kể nhỏ nhẹ về cuộc sống của mình như thế. Vài lọ dầu gội, dầu xả ít ỏi để trong tủ, bàn ghế phủ bụi, có lẽ ở đây cũng ít khách đến gội đầu.

Vợ chồng Điệp - Chung ở căn nhà gạch cấp 4 chia hai gian, nhà lát gạch hoa sạch sẽ. Mẹ Điệp vay họ hàng và đứng tên vay Ngân hàng Chính sách xã hội 20 triệu đồng, lãi suất 1%, để xây căn nhà này. "Mấy năm rồi bọn em vẫn chỉ trả được lãi hằng tháng thôi, chưa trả được gốc" - Điệp kể. "Lãi cao quá, anh Nghĩa - một cán bộ của Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, cũng đến thăm Điệp và Tùng lần này, kêu lên như thế. "Em làm đơn đứng ra vay tiền đi, lãi thấp hơn nhiều".

Chắc là thông tin chưa đến với Điệp nên anh phải chịu thiệt thòi. Nhưng Tùng, Điệp, cũng như vợ con anh, biết rằng mình còn nhiều việc phải làm lắm. Trước mắt, có thể là làm lại đơn vay tiền ngân hàng, học nốt lớp vi tính, rồi thì mở rộng cửa hàng, tất nhiên, quan trọng hơn cả là nuôi Kiên lớn.

Trên tường ở phòng ngoài treo ba tấm ảnh ép gỗ bằng tờ A4: ảnh cô dâu chú rể Chung - Điệp trong ngày cưới, ảnh cô dâu riêng, váy trắng, voan trắng rất xinh, nhìn không thể đoán được những gì họ trải qua và ảnh bé Kiên kháu khỉnh. Chung rất thích cho con ra hàng chụp ảnh. Tên cô, Lệ Chung, nghĩa là chén đựng nước mắt, mong cho cái tên sẽ không phải là ám ảnh cho số phận của cô nữa, nhất là khi vợ chồng cô có bé Kiên, giờ đã 13 tháng tuổi, sáng sủa, rộng dài...

Theo Mỹ Hằng / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.