"Sông Cần Giuộc cỏ cây nhiễm lệ"

12/11/2008 11:33 GMT+7

Lời than oán đó là của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (CG)". Cảm phục 27 nghĩa sĩ hy sinh bên sông CG trong trận công đồn giặc Tây năm 1861, cụ đồ mù đã viết bài văn tế để đời nói trên.

Ngày nay, trở lại nơi này, tôi lại nghe "sông CG cỏ cây nhiễm lệ", nhưng không phải do khóc thương cái chết của người nghĩa sĩ vì nước quên thân, mà vì cái chết của chính dòng sông!

Quê nội của tôi ở bên này sông CG - xã Tân Lân, huyện Cần Đước, còn quê ngoại ở bên kia sông - xã Tân Tập, huyện CG. Thuở nhỏ, tôi đã từng nhiều lần qua lại dòng sông này để về nội, về ngoại. Mới rồi về thăm quê, nghe bà con than vãn nước sông CG bây giờ ô nhiễm quá, tắm heo, heo cũng chê ngứa! Qua cầu Thủ Bộ về chơi quê ngoại, tôi cũng lại nghe mấy người anh họ than nghèo vì mất mùa tôm, rồi bệnh tật tăng cao, nguyên nhân do nguồn nước ô nhiễm. Dòng sông tuổi thơ của tôi đang bị kết tội! Hay dòng sông đang bị bức tử?

Dòng sông tuổi thơ

Nhờ một người bạn là chủ doanh nghiệp (DN) chuyên san lấp mặt bằng, đang thi công công trình ở huyện Bình Chánh, TPHCM giúp, tôi đã thực hiện chuyến đi gần hết chiều dài hơn 40 cây số của sông CG. Hơn 30 năm trôi qua, tôi mới lại đi trên dòng sông tuổi thơ! Rời kinh Nước Mặn, chiếc sà lan chở cát lấp từ sông Tiền về tiến vào sông CG.

Người tài công tên Tâm hỏi tôi: "Anh có thấy khác gì không?". Tôi nhận thấy có sự thay đổi mơ hồ nào đó. Người tài công nói ngay: "Sông CG đã bị ô nhiễm nặng, nước sông đang bốc mùi". Rồi Tâm giải thích: "Mình đang ở cuối nguồn, không nhận thấy rõ sự ô nhiễm, lát nữa đến đầu nguồn ô nhiễm mới nặng, chỉ sợ nhà báo không chịu nổi". Sà lan chạy qua vàm Ông Hiếu, rồi rạch Nha Ram, lối vào quê ngoại và quê nội tôi.

Một cách vô thức, tôi với tay vốc nước sông định rửa mặt, người tài công vội can: "Đừng, nó sẽ làm anh ngứa không chịu nổi". Đi tiếp một đoạn, trước mắt tôi nước sông đổi màu xám xịt, đó là chỗ sông Ông Chuồng đổ ra sông CG. Mà sông Ông Chuồng lại hứng nước thải của Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM. Đây là một trong những vị trí ô nhiễm nặng nhất trên sông.

Sà lan chạy qua chợ Trường Bình, nước sông ô nhiễm càng rõ dần. Tại khu chợ này, tôi có một người bạn là kỹ sư Nguyễn Thành Giang, hiện là Phó Giám đốc Cty xuất khẩu thuỷ sản Long An. Anh Giang cho biết, cách đây mười mấy năm gia đình anh còn sử dụng nước sông cho hầu hết các sinh hoạt, thậm chí cả nấu ăn. Còn bây giờ ít có đứa trẻ nào ở đây dám tắm nước sông.

Tôi bất giác nhớ câu: "Đoái sông CG, cỏ cây mấy chặng sầu giăng; Nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lệ nhỏ" trong bài văn tế của cụ đồ Chiểu... Đi tiếp khoảng 5 cây số, sà lan đưa chúng tôi đến ngã ba sông Rạch Cát. Mùi hôi từ dưới sông hắt lên đã khá nồng nặc. Từ đây, một nhánh sông đi về Bình Điền, nơi có nhiều KCN, nhà máy, nên nước sông ô nhiễm chất thải công nghiệp, tuy không quá hôi thối, nhưng đụng vào rất ngứa ngáy.

Nhánh còn lại đi rạch Cây Khô, đến các khu dân cư sầm uất ở quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, sông ô nhiễm nước thải sinh hoạt nên có màu đen, rất hôi thối. Hai nhánh sông có màu nước khác hẳn nhau, một bên là đen đục, một bên vàng đục, hoà vào nhau tạo nên màu nước xam xám chảy về phía hạ lưu.

Chiếc sà lan đi tiếp qua cầu Bình Điền và dừng lại tại một bãi cát ở xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh). Chia tay tôi, người tài công đùa: "Nhà báo giỏi hơn cá, cá không chịu nổi nước sông này đâu".

Khủng khiếp đầu nguồn

Khu vực hai bên sông Bình Điền đang có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hoá rất nhanh. Trong đó, KCN Lê Minh Xuân, Cụm công nghiệp Tân Kiên đã và đang đón nhận các nhà máy có mức độ ô nhiễm cao từ nội thành TPHCM chuyển ra. Chuyện xả nước thải chưa xử lý ra môi trường ở đây là "chuyện thường ngày", dư luận ở TPHCM từng lên tiếng gay gắt. Nhìn những bụi dừa nước ven sông còn không sống nổi vì nước thải công nghiệp, tôi thấy chạnh lòng lo cho số phận dòng sông.

Rời Bình Điền, tôi xuôi theo đại lộ Nguyễn Văn Linh đến khu vực rạch Cây Khô. Không như những lần khác chỉ chú tâm đến cảnh đẹp hai bên khi đi trên con đường "hoành tráng" nhất TPHCM này, tôi để tâm quan sát những dòng sông "chui" qua đường Nguyễn Văn Linh, đưa nước từ nội thành ra sông CG. Những con rạch Bà Lớn, Xóm Củi, Ông Lớn, Tư Dinh, Ông Bé... tuôn chảy một thứ nước đen sì, mùi hôi nồng nặc.

Đang giữa ngày mưa, đất trời lộng gió, đứng trên cầu Xóm Củi chỉ vài phút là tôi nhức đầu, buồn nôn. Nhìn về phía Xóm Củi nhà cửa chen chúc ven sông, rồi nhìn về phía hạ lưu vẫn còn hoang vắng vùng đất năm nào giáo phái Bình Xuyên chọn làm căn cứ, cả một đoạn sông phẳng lặng, không một bóng chim tăm cá, không cả những bóng vịt xiêm (ngan) vốn chịu được nước bẩn, từng được nuôi nhiều ở đây. Cả bóng dáng ghe thuyền cũng trở nên hiếm hoi, không chỉ vì người ta sợ nước bẩn làm hư hỏng vỏ tàu.

Một trong hàng trăm vựa phế liệu ven sông Cần Giuộc.
Xả chất ô nhiễm từ đầu sông đến cuối sông  

Sông CG ô nhiễm nặng ngay từ đầu nguồn trên địa phận TPHCM. Trong khi dòng sông này có lưu vực bao trùm cả huyện CG và một phần huyện Cần Đước của tỉnh Long An. Bài toán về khắc phục ô nhiễm dòng sông vì vậy mà rất nan giải.

Vừa chịu "chất thải nhà hàng xóm đổ sang", huyện CG vừa xây dựng công nghiệp bằng mọi giá, càng làm cho dòng sông "chết" thảm thương hơn. Theo Chủ tịch UBND huyện CG - ông Phạm Hồng Kim - cả huyện có gần 200 cơ sở sản xuất, nhưng chỉ có 11 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải. Giới chủ luôn né tránh giải quyết vấn đề nước thải, trong khi biện pháp chế tài của chính quyền thường "nhẹ nhàng" (có thể nhằm thu hút đầu tư). Năm 2008, UBND huyện mới xử 11 trường hợp, với tổng số tiền phạt 28 triệu đồng.

Một chủ DN nói vui: "Tôi sẵn sàng mỗi tháng nộp phạt một lần, vẫn hiệu quả hơn nhiều so với đầu tư tiền tỉ xử lý nước thải". Cty Fu-Luh, hiện là DN lớn nhất huyện CG với khoảng 1.700 công nhân sản xuất giày da, sau hơn 2 năm đi vào sản xuất vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải. Cơ sở sản xuất dầu nhờn Tuấn Thành rất "vui vẻ" với "thành tích" 6 lần bị UBND huyện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường... Quyết định mạnh tay nhất của UBND huyện là đình chỉ sản xuất 5 cơ sở nấu đồng, nhôm, vì chất thải có độc tố nguy hiểm... Một chủ cơ sở sản xuất bị đình chỉ phân bì: "Nước thải từ TPHCM đổ về ô nhiễm gấp ngàn lần, cấm tụi tui cũng vô nghĩa".

Ô nhiễm vượt mức "chết" ngàn lần!

Khi sông CG bắt đầu giãy chết, ngành tài nguyên - môi trường (TNMT) hai địa phương Long An và TPHCM đã ngồi lại với nhau vào năm 2005. Hai bên phối hợp thực hiện  chương trình quan trắc chất lượng nước sông theo định kỳ hàng quý để đánh giá mức độ ô nhiễm. Cả Long An và TPHCM chưa có động thái đáng kể nào để cứu dòng sông, ngoài dự án nhà máy "lọc" một phần nước thải từ nội thành chảy ra.

Trong khi đó, tốc độ gia tăng ô nhiễm rất cao, cứ sau 1 năm kết quả quan trắc chất lượng nước lại cho ra những số liệu bi quan hơn. Chẳng hạn chỉ số ôxy hoà tan (DO, thông số quan trọng bậc nhất đánh giá mức độ ô nhiễm) đo được năm 2007 đã vượt ngưỡng "chết" (giới hạn B theo TCVN 5942 - 1995) và tệ hơn kết quả năm 2006 rất nhiều. Chất rắn lửng lơ (SS, phản ánh mức độ ô nhiễm hữu cơ) nhiều nơi vượt tiêu chuẩn cho phép cả chục lần. Chỉ số kim loại nặng Fe năm 2006 chỉ mới vượt giới hạn A, thì qua năm 2007 đã vượt giới hạn B từ 1 đến 5 lần, có nơi vượt đến 16 lần.

Hàm lượng dầu mỡ trong nước đo được năm 2007 từ 0,4 đến 2,8mg/l, trong khi giới hạn B là 0,3mg/l. Đặc biệt nghiêm trọng là chỉ số coliform tổng số (thể hiện sự có mặt vi khuẩn gây bệnh trong nước) đo được trên dòng sông cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 40 đến... 9.300 lần. Ngành TNMT đã phải khuyến cáo người dân không được sử dụng nước sông CG cho sinh hoạt để tránh bệnh tật.

Rời sông CG, tôi ghé thăm chùa Tôn Thạnh, nơi cụ đồ Chiểu đã viết bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và sáng tác truyện thơ Lục Vân Tiên. Trên bia đồng khắc áng văn bất hủ: "Sông Cần Giuộc cỏ cây nhiễm lệ, thương là thương kẻ tử vô cô; chợ Trường Bình phố xá bỏ hoang, giận là giận người sanh bất võ". Tôi không dám hồ đồ suy diễn cụ đồ Chiểu đã thấy điều tệ hại trước cả trăm năm. Cũng như chuyện cụ giặt áo quần bên sông bằng tro bếp chứ không bằng xàphòng tây, không hẳn vì cụ sợ dòng sông ô nhiễm chất thải công nghiệp.

Theo Nguyễn Phấn Đấu/Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.