Phận nữ lao công

03/12/2008 10:36 GMT+7

Quá nửa đêm, không gian bệnh viện yên ắng. Trong các căn phòng, bệnh nhân dần chìm vào giấc ngủ. Thỉnh thoảng có vài tiếng rên la đau đớn... Chỉ ngoài hành lang là còn những bóng trắng di động.

Đó là những nữ lao công tay đeo găng, mặt bịt khẩu trang kín mít, tỉ mẩn đưa từng nhát chổi, kỳ cọ từng vệt bẩn dưới sàn nhà. Thỉnh thoảng, có người lại ngồi bệt xuống sàn, che miệng nén cơn ho sù sụ vì sợ làm bệnh nhân thức giấc...

Công việc thầm lặng

Gian nan thân phận

Chị C.K.P. - lao công tại khoa phụ khoa Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, xấp xỉ tuổi 40 vẫn sống dộc thân với cha mẹ già - tâm sự: “Hầu hết chị em làm lao công đều không chồng hoặc có chồng mà chồng bỏ. Công việc bận rộn dường như không còn thời gian chăm sóc gia đình, thu nhập lại thấp. Nhưng đã làm thì phải yêu nghề mới gắn bó được”.

Chị Kim Thị Tiểu - nhân viên lao công trực tại khoa lão và khoa sản, khu H, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP.HCM - bảo hầu hết những người theo nghề này đều chẳng muốn ai biết tên, biết họ và cũng chẳng muốn giao tiếp với mọi người. Họ chỉ âm thầm, lặng lẽ giấu mặt sau khẩu trang kín mít mà làm cái việc “vừa cực, vừa bị xem thường” này. “Thật ra cũng chẳng ai để tâm đến bọn tôi làm gì. Chỉ khi nào có rác thải, máu mủ, bệnh nhân nôn mửa, đi tiểu tiện, đại tiện... trong phòng người ta mới gọi đến mình” - chị nói.

Chị Tiểu và những đồng nghiệp ở khu H này chuyên đảm nhận trực dọn dẹp ca đêm tại bệnh viện. Một ca làm việc bắt đầu từ 17g đến 6g sáng hôm sau. Ngày nào tăng ca làm đến 10-11g trưa. Khu H có bảy nữ lao công, chia nhau trực dọn dẹp, gom rác rưởi, chất thải tại hai khoa, cầu thang, sảnh cửa chớp, nhà vệ sinh công cộng...

Công việc cụ thể của họ là quét dọn, thu gom rác thải ở tất cả phòng sảnh và cầu thang. Sau đó lau chùi tỉ mỉ từng phòng, từ cửa gió đến sàn nhà, giường nằm của người bệnh... với những đống rác thải y tế dơ bẩn. Suốt cả đêm họ dường như không có thời gian chợp mắt vì phải túc trực gần các khu phòng bệnh nhân để kịp thời dọn dẹp khi có người ói mửa, tiểu tiện... tại chỗ.

“Không ít lần đang quét dọn tại nhà vệ sinh, có bệnh nhân không nhìn thấy đã hắt cả bô nước tiểu lên người mình, vừa hôi lại vừa lạnh. Nhưng cũng phải chấp nhận thôi, hằng ngày sống chung với rác rưởi quen rồi” - chị Tiểu vừa rướn mình lau chùi giường cho bệnh nhân vừa kể.

Người phụ nữ quê ở Kiên Giang này cũng từng ngược xuôi với nhiều nghề làm thuê, làm mướn ở TP.HCM, trước khi chọn nghề lao công bệnh viện để có tiền nuôi con ăn học. Khoản thu nhập ít ỏi hơn 1 triệu đồng/tháng chỉ đủ cho chị chạy từng bữa ăn và cắc củm lo chuyện học hành cho con mà không đủ tiền thuốc men điều trị căn bệnh hạ huyết áp của mình. Chị Tiểu thổ lộ nhiều lần đang dọn dẹp bỗng dưng xây xẩm, ngã sầm xuống đống rác thải nhưng phải ráng gượng ngồi dậy làm cho xong công việc.

Nguy cơ nhiễm bệnh

 

Cô lao công trẻ Trần Thanh Tiên tranh thủ học bài ở một góc hành lang bệnh viện lúc nghỉ tay. Ước mơ của Tiên sau này trở thành bác sĩ - Ảnh: Đ.Dân

“Hãi nhất là dọn dẹp phòng những bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa, lau chùi xong “sản phẩm” của họ là bị ám ảnh cả tuần. Nhưng làm riết rồi cũng quen và làm nghề này thì không được sợ” - vừa lau chùi vệt máu trên sàn từ một bệnh nhân bị tai nạn giao thông, M.T. - một cô lao công trẻ - bảo vậy.

M.T. bảo nỗi lo canh cánh ám ảnh những người lao công tại các bệnh viện vẫn là những căn bệnh truyền nhiễm có thể bị lây khi dọn dẹp. Làm nghề này hầu như chẳng có người nào không từng bị kim chích vào tay vài lần chảy máu. Nếu có bệnh truyền nhiễm xem như “lãnh đạn”.

Cách phòng ngừa duy nhất của người lao công chỉ là dùng nước khử trùng rửa tay, tắm rửa, giặt quần áo... “Chỉ biết phòng ngừa vậy thôi chứ cũng chẳng có tiền và thời gian đỉ xét nghiệm. Nhiều khi về nhà tắm đi tắm lại vài lần vẫn cảm thấy ơn ớn, nhớp nhúa. Ngủ mê cũng thấy máu mủ vây quanh mình” - chị Năm, bạn cùng trực với chị Tiểu, nói.

Gần 1g sáng, công việc đã tàm tạm, những người nữ lao công lại ngồi bên nhau chia từng quả chuối, củ khoai để “chiến đấu” với cái đói trong đêm khuya khoắt. Chị Tiểu bảo cùng chung hoàn cảnh vất vả, nghèo khó như nhau nên những người trong giới thương yêu đùm bọc và coi nhau như chị em một nhà, có chuyện gì cũng chia sẻ, hỗ trợ. “Bọn tôi vẫn động viên nhau làm tốt công việc. Chẳng có nghề gì là xấu, là mặc cảm cả. Quan trọng là mình có tận tụy, làm tốt công việc hay không” - chị Tiểu thổ lộ.

Nỗ lực phi thường

Chị Nguyễn Thị Én - làm công việc dọn dẹp vệ sinh tại khu điều dưỡng khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định - nói làm bất cứ công việc gì cũng cần phải có cái tâm. Nghề lao công bệnh viện cũng vậy, muốn làm tốt, không e ngại phải đối mặt với rác thải dơ bẩn, truyền nhiễm hằng ngày thì phải xem bệnh nhân như người thân của mình. Mấy năm gắn bó với nghề lao công, người phụ nữ này nói mình hạnh phúc nhất khi được nhiều bệnh nhân và thân nhân quý mến, trân trọng.

Quê chị Én tận Ninh Bình, lập gia đình ở Cà Mau. Cách đây hơn chục năm, ba đứa con nhỏ đang bước vào tuổi ăn tuổi học, gia đình chị lâm vào cảnh khó khăn vì thất mùa, bão lụt. Chị đành xa chồng, xa con lên TP.HCM kiếm sống. Trôi nổi với đủ nghề mưu sinh, cuối cùng xin được vào làm việc ở Công ty vệ sinh P. Dussmann. Trước đây chị Én làm lao công ở Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức và cuối cùng chuyển về làm ở Bệnh viện Nhân Dân Gia Định đến bây giờ.

Chị Én nói cả ngày dường như đôi tay không lúc nào ngưng nghỉ, hết nhặt rác rồi lau cửa, lau sàn, lau giường bệnh, thay drap giường cho bệnh nhân, rồi lau chùi, cọ rửa nhà vệ sinh công cộng... “Khổ nhất là nhiều bệnh nhân mê man tiêu tiểu ngay trên giường vương ra cả phòng.

Có khi cùng một lúc phải chạy “sô” dọn dẹp chất thải ba, bốn phòng” - chị nói.

Hiện chị Én đang trọ tại Linh Xuân, Thủ Đức cùng con trai đầu học đại học năm 1 Trường ĐH Văn Lang. Chị xem đó là niềm hạnh phúc lớn nhất. Cả lương và phụ cấp mỗi tháng được 1.350.000 đồng, không đủ chi tiêu. Thế là những ngày không tăng ca, sau giờ làm chị không về nhà mà đi đẩy cân đo dạo khắp các con hẻm tới hơn 22g. Mỗi đêm đi đẩy cân kiếm được 20.000-30.000 đồng. Góp lại cũng đủ lo cho cậu con trai học đại học và gửi về quê nuôi hai đứa con nhỏ.

“Tôi nói với con rằng mẹ cực mấy cũng được, con học tốt là vui rồi. Đời mẹ học hành không đến đâu, làm phận lao công thấp hèn, mặc cảm. Chỉ mong đời con ăn học thành tài. Đã lâu lắm rồi tôi không phải mua cơm tiệm nữa mà ăn cơm chay từ thiện do người nhà bệnh nhân xin cho nên cũng đỡ tốn kém” - chị Én cười nói.

Tại khu khám Bệnh viện Bình Dân, chúng tôi gặp cô lao công trẻ vừa tròn 21 tuổi Trần Thanh Tiên. Tiên thường tranh thủ giờ nghỉ tay mở tập ra học ngay bên hành lang bệnh viện. Nhà nghèo, cha làm nghề chăm sóc bệnh nhân, mẹ giúp việc nhà, vào đời kiếm sống từ năm học lớp 6, đi làm lao công ở bệnh viện từ năm lớp 9, Tiên vào làm lao công trong Bệnh viện Bình Dân đã hơn ba năm.

Mỗi ngày Tiên vừa đi làm ở bệnh viện vừa đi học lớp 12 tại Trường bổ túc Kim Đồng, Q.5, TP.HCM. Cứ gần 5g sáng, cô lại đạp xe từ nhà ở Q.8 qua bệnh viện để kịp ca trực đến xế chiều. Mỗi khi đi làm Tiên mang theo quần áo, sách vở để ôn bài bất cứ lúc nào có thể và để kịp buổi chiều đạp xe đến trường.

Cô lao công trẻ ấy đang ấp ủ một giấc mơ cháy bỏng: thi vào đại học y sau khi tốt nghiệp THPT. “Sau những ngày tháng làm lao công ở bệnh viện, chứng kiến cái chết của nhiều người bệnh, tôi ước mơ trở thành sinh viên y khoa để sau này chữa bệnh cho mọi người. Tôi nghe nói học ngành này rất khó và tốn kém lắm, nhưng sẽ quyết tâm và tin mình làm được” - Tiên bảo vậy trong lúc dọn dẹp đống rác thải cao ngất.

Theo Đình Dân / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.