Ông cụ 96 tuổi và hành trình tìm “kho vàng 4.000 tấn” - Kỳ 4: Ý chí cao, thông tin vẫn... mơ hồ

27/10/2011 01:02 GMT+7

Công ty CP công nghệ địa vật lý Hà Nội đã giúp cụ Tiệp đo đạc và đưa ra kết quả nhằm hoàn thiện bộ hồ sơ gửi UBND tỉnh Bình Thuận để nhận được giấy phép thăm dò.

>> Kỳ 3: Người trong cuộc nói gì?

Mới đây, vừa gặp lại chúng tôi, cụ Trần Văn Tiệp đã hồ hởi “khoe” ngay văn bản của công ty trên (do Phó giám đốc Nguyễn Hữu Hào ký, đóng dấu đỏ).

Trong văn bản này, ông Hào cho biết kết quả này được đo bằng máy đo MP - 21T và máy đo ARES do EU chế tạo: “Bằng hai phương pháp đo độc lập Từ và Điện đều nhận thấy: Theo hướng Bắc - Nam có một dãy dị thường hẹp (bề ngang khoảng 10m) độ dài của dãy dị thường khoảng 200m. (Dị thường Từ và Điện trùng nhau với việc thăng giáng từ trường từ 5.000 đến 7.000 Nt và độ dẫn điện thấp). Độ sâu khoảng 50m. Dị thường này là các khối kim loại tự nhiên hoặc nhân tạo với khối lượng lớn và tương đối tập trung cộng với hang KAST dạng hầm liên tiếp (được mô phỏng qua hình vẽ 3D). Muốn đánh giá trữ lượng chính xác cần khoan thăm dò từ 3-5 mũi với độ sâu 100m” (trích nguyên văn công văn ông Hào ký, gửi cụ Tiệp ngày 24.9.2010). Chính văn bản này là một trong những cơ sở mà UBND tỉnh Bình Thuận căn cứ để cấp phép cho cụ Tiệp tiếp tục thăm dò “kho vàng” núi Tàu với 5 mũi khoan sâu chừng 100m.

Anh Hoàng Đức (trợ lý cụ Tiệp) cho biết, máy móc của ông Nguyễn Hữu Hào chưa phải là máy móc hiện đại nhất hiện nay (như ông Hào nói trong bài). Hiện cụ đã tìm được các tổ chức khác (bí mật xin không nêu tên) có các thiết bị siêu hiện đại có thể “siêu âm phân kim”. Nhìn trên màn hình có thể biết ngay ở độ sâu chừng 100m có vàng hay có đồng đều phân biệt được. Nhưng khi nào thiết bị này được đem về núi Tàu thì trợ lý của cụ Tiệp không tiết lộ.

Thế nhưng...

Ngày 25.10, phóng viên Thanh Niên đã tìm gặp ông Hào tại trụ sở công ty (71 đường Chiến Thắng, Q.Thanh Xuân, TP Hà Nội), thì lại được ông này cho hay rằng, tất cả những kết quả trong những lần lên núi Tàu chỉ mang tính phỏng đoán, tham khảo (!?).

Theo ông Hào: “Tính tới thời điểm hiện tại thì bên công ty của tôi chưa hề nhận lời ký hợp đồng chính thức đo đạc, thăm dò “kho vàng 4.000 tấn” ở núi Tàu, mà mới chỉ là gia đình ông Tiệp trực tiếp thỏa thuận với tư cách cá nhân riêng tôi, khi đọc được thông tin của tôi trên các trang web”. Cũng theo vị phó giám đốc này, kết quả được ký, gửi cụ Tiệp ngày 24.9.2010 là hết sức sơ lược, chưa có gì gọi là chính xác được. “Kết luận của tôi là do tôi phỏng đoán, dưới lớp đất đá ở núi Tàu có các điểm quặng, cùng một vài điểm có điểm dị thường về kim loại chứ chưa nói lên được điều gì. Vì vào thời điểm năm 2009 và đầu năm 2010 tôi chỉ xuất hiện tại núi Tàu đúng 2 lần và mỗi lần chỉ kéo dài đúng 30 phút. Và với khoảng thời gian như trên thì công việc đo đạc tiến hành không được nhiều. Bởi khi đó thăm dò theo ý gia đình, tôi lấy danh nghĩa là đi thử máy để đo sơ lược chứ hoàn toàn không đo đạc chính thức và không đo được bằng phương pháp xác định tuyến, nên chưa thể đưa ra kết luận rõ ràng”, ông Hào nói.

Chưa hết, theo ông Hào, để cụ Tiệp có được giấy cấp phép khai thác “kho vàng” một cách tường minh, thì việc đo đạc, thăm dò phải tiến hành đo chi tiết bằng nhiều phương pháp. Cụ thể, ban đầu xác định diện tích đo, rồi thực hiện phát tuyến, kẻ tuyến, sau đó mới đến phương pháp 2, phương pháp 3. Nếu thời tiết thuận lợi thì việc đo đạc, phát hiện ra “kho vàng 4.000 tấn” trên phần diện tích chừng 4 ha tại núi Tàu chỉ mất chừng nửa tháng. Kế đến, khi có kết luận điển hình khả quan thì mới tiến hành khoan từ 3 - 5 mũi. Còn khi đo mà cả một dây hệ thống đường chỉ thấy xuất hiện vài điểm dị thường của vỉa quặng nhỏ thì sẽ không cần khoan.


Cụ Trần Văn Tiệp và PV Báo Thanh Niên - Ảnh: C.T.V

Nghi ngờ nhưng sẵn sàng hợp tác

Khi được hỏi về loại thiết bị thăm dò bằng máy đo từ trường MP21 đã từng dùng trong những lần đo đạc trước đó, ông Hào cho biết, đây là thiết bị đo từ trường tuyệt đối, do chính công ty của ông sản xuất và đã được kiểm định, chất lượng tương đương với máy nước ngoài. Hiện tại máy đo từ trường tuyệt đối có giá bán trên thị trường là 7.000 USD. Tuy nhiên khi Thanh Niên ngỏ lời muốn được vị phó giám đốc tiết lộ một chút thông tin về các thông số của loại thiết bị trên tới độc giả, ông Hào đã từ chối. “Thiên hạ còn lắm cao thủ, tôi mà nói ra họ cười chết. Các anh cứ về tra trên mạng là thấy ngay thôi”. Nhưng lạ thay, khi đã tra Google cả chục lần với dòng chữ “thiết bị đo từ trường tuyệt đối MP21”, không thấy những thông tin về thiết bị “cao cấp” này!

Thêm một điều không bình thường trong buổi tiếp xúc, ông Hào luôn tỏ ý nghi ngờ, cho dù đã từng hợp tác với cụ Tiệp vài năm nay và là người trực tiếp hai lần lên núi Tàu đo đạc, thăm dò: “Cụ Tiệp tuy đã gần 100 tuổi nhưng vẫn hết sức minh mẫn. Và suốt từ năm 1993 tới nay, cụ đã tốn rất nhiều công sức cũng như tiền bạc để lần ra “kho vàng”. Tuy nhiên, mình thấy cụ mất quá nhiều thời gian cho việc xác định “kho vàng 4.000 tấn” ở núi Tàu mà mãi không làm được. Theo mình hiểu, với những trang thiết bị máy móc, cùng với một vài phương pháp, thì từ cách đây 20 năm đã có thể xác định, giải được bài toán có hay không một “kho vàng” nằm dưới núi Tàu. Vậy mà tại sao tới bây giờ, sau bao nhiêu năm cụ Tiệp vẫn mày mò, mình không thể hiểu niềm tin của cụ theo hướng nào. Nếu sắp tới cụ Tiệp có liên hệ để thăm dò núi Tàu thì phía công ty luôn sẵn sằng (!?), nhưng nhất định phải là ký kết hợp đồng văn bản”.

Xét thấy có những bất hợp lý, hôm sau chúng tôi cầm tờ văn bản hợp đồng có dấu đỏ của chính công ty tìm đến gặp Giám đốc Công ty CP công nghệ địa vật lý Hà Nội để làm rõ thêm dựa trên cơ sở nào ông Hào ký công văn này gửi cụ Tiệp thì đồng loạt cả giám đốc là ông Nguyễn Duy Thông và phó giám đốc đều “biến mất” với những lý do như đi vắng, nghỉ ở nhà vì ốm.

Quế Hà - Hà An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.