Nỗi niềm nghệ sĩ tha hương

31/07/2009 14:26 GMT+7

Phần lớn nghệ sĩ người Việt sống trên đất Mỹ bận bịu với việc mưu sinh. Trái tim yêu nghề dẫu có thổn thức cũng đành tạm gác một bên để lo toan nhiều chuyện. Song, khi có dịp là họ lại bước lên sân khấu với tất cả đam mê.

Rời cuộc thi Hoa hậu Toàn cầu người Việt tại Las Vegas, ca sĩ Quang Thành đón tôi ở sân bay rồi đưa về nhà anh, một căn hộ nhỏ nằm trên đại lộ Westminster, California – Mỹ. “Lát nữa bạn sẽ được về VN” - Quang Thành bảo. Tôi thắc mắc mãi song Quang Thành chỉ tủm tỉm cười.

Thủ phủ cải lương

Rốt cuộc, khi đến rạp Star Arts Center (SAC) trên đại lộ Bolsa, cách nhà Quang Thành 3 phút lái xe, anh mới giải thích chuyện “được về VN”. Thì ra, ở California và nước Mỹ nói chung, người Việt mê cải lương ví SAC như rạp Hưng Đạo ở TPHCM - thủ phủ của cải lương. Tại SAC, gần như mỗi tuần đều có chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ VN.

Đến SAC, tôi gặp hầu như đầy đủ những nghệ sĩ đang định cư tại Mỹ và cả những người sang đây du lịch kết hợp biểu diễn. Họ đang tập 2 vở diễn mới để chuẩn bị ra mắt, đó là Về đất Kinh Châu (đạo diễn Phượng Mai) và Romeo và Juliet (đạo diễn Mai Phương).

Đến tận khuya mới có mặt đầy đủ nghệ sĩ, nhạc công nhưng không khí tập luyện vẫn rất hăng hái. “Trên đất Mỹ, tìm người làm hậu đài, ủi đồ, lo đầu tóc cho nghệ sĩ và những vai dàn bao như: tì nữ, quân hầu, lính gác... cực kỳ khó.

Do vậy, trong lúc tập, các nghệ sĩ đều phải làm công việc của hậu đài” - nghệ sĩ Phượng Mai cho biết. Chị giới thiệu tôi làm quen với những người phụ trách SAC, trong đó anh Quốc Thái (con rể của đạo diễn - NSƯT Đoàn Bá) là chủ rạp. Nghệ sĩ Phượng Mai chia sẻ: “Quốc Thái rất yêu sân khấu nên chịu đựng rất nhiều khó khăn để sân khấu cải lương được sáng đèn thường xuyên ở đây”.

Sống chết với sân khấu

Tương tự Văn Chung, nghệ sĩ Hương Huyền (thân phụ của nghệ sĩ Thanh Hằng) năm nay đã 74 tuổi song vẫn yêu nghề và nguyện sống chết với sân khấu. Bất kỳ vai lớn hay nhỏ, hễ được lên sân khấu diễn là ông nhận ngay, không nề hà. Ngày ngày, nghệ sĩ Hương Huyền đều đặn lái xe đến SAC tập tuồng. Những nghệ sĩ ở đây cho biết ông vẫn gói theo nắm cơm muối mè để ăn trong khi tập luyện. Tôi hỏi chuyện này, ông cười: “Tôi muốn ăn vậy để đỡ nhớ quê hương đó mà”.

Nghệ sĩ Bình Trang sang Mỹ định cư gần 20 năm song vẫn phải ở nhà thuê. Một căn phòng nhỏ, hai mẹ con đùm bọc nhau. Khi có vở diễn, ai thuê gì chị cũng làm, từ vai phụ đến diễn viên quần chúng hay minh họa. “Tôi chỉ biết mỗi nghề hát, không làm được chuyện gì khác. Tuy nhiên, có nhiều tháng sân khấu “đóng băng” không diễn được, không có tiền nên tôi đành nhận đồ về may” - nghệ sĩ Bình Trang cho biết.

Trong khi đó, nghệ sĩ Tài Linh có một tiệm làm móng tại San Diego, cuối tuần chị mới nhận show diễn. Nghệ sĩ Chí Tâm khá hơn nhờ có phòng thu âm và một tiệm bán băng dĩa nhạc gần khu Phước Lộc Thọ nên đời sống ổn định. Nghệ sĩ Thành Được có một nhà hàng tại San Jose chuyên tổ chức tiệc cưới cho cộng đồng người Việt... Tất cả đều kiếm việc làm để mưu sinh ở đất Mỹ, song khi có dịp là họ lại bước lên sân khấu với tất cả sự đam mê của mình.

NSƯT Ngọc Đáng so sánh: “SAC cũng như rạp Hưng Đạo ở VN, luôn nâng niu từng tấm vé của khán giả đến với cải lương”.

Điều ấn tượng đầu tiên của tôi là tấm lòng yêu nghề của các nghệ sĩ người Việt sống ở Mỹ. Tất cả đều bận bịu, lo toan công việc mưu sinh, trái tim yêu nghề dẫu có thổn thức cũng đành tạm gác một bên để đi làm cho đủ tiền cuối tháng thanh toán nhiều khoản chi phí, từ bảo hiểm nhà – xe đến tiền điện, nước, tiền trả góp nhà... Tuy nhiên, rảnh rỗi là họ tìm đến SAC.

Tại đây, những trái tim yêu nghề được sưởi ấm. Họ hàn huyên tâm sự đủ chuyện về cuộc sống, tập tuồng xong vẫn chưa chịu về nhà. Biết tôi từ VN mới sang, mọi người đòi nghe cho bằng được những hoạt động ở rạp Hưng Đạo và tình hình sân khấu ở quê nhà nói chung.

Trái tim không ngủ yên

Gặp lại nghệ sĩ Văn Chung, tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Năm nay đã 81 tuổi nhưng ông vẫn bền bỉ đến với sân khấu. Văn Chung có 4 người con đều đã ra riêng, vợ chồng ông sống an nhàn, giản dị trong một ngôi nhà có khu vườn yên tĩnh cách rạp SAC không xa. Ngày ngày, ông tự lái xe đưa vợ đi chợ, sau đó đi tập tuồng.

Văn Chung sang Mỹ định cư năm 1992 theo diện đoàn tụ gia đình. Nhờ sở trường diễn hài lẳng, những năm tháng cải lương trên đất Mỹ chưa được thịnh hành như hiện nay, ông đi diễn tấu hài. Ông cười sảng khoái: “Tôi là bạn diễn của nhiều thế hệ đó, từ Việt Hương, Thúy Nga, Hữu Nghĩa, Hoài Linh, Chí Tài,  Kiều Oanh, Vân Sơn, Bảo Liêm, Hồng Đào đến Hồng Nga, Ngọc Giàu, Kim Ngọc... đều là bạn diễn của tôi. Nhờ có bạn diễn mới liên tục nên trái tim tôi luôn được khỏe”.

Văn Chung nhắc đến trái tim vì cách nay 10 năm, căn bệnh tim trầm trọng khiến ông đã phải thay một trái tim nhân tạo với một con chip kim loại. Văn Chung kể: “Khi mới thay tim nhân tạo, trong một chuyến bay show xuyên bang, khi vào phòng cách ly ở sân bay, an ninh khám đến tôi là chuông lại reo lên. Nhân viên an ninh bấn loạn kiểm tra giỏ xách, va-li... mất hàng giờ vẫn không sao tìm ra mẩu kim loại nào. Cuối cùng, tôi sực nhớ ra con chip trong trái tim mình nên trình bày với nhân viên an ninh, họ mới cho lên máy bay. Từ đó, mỗi khi đi máy bay tôi đều phải mang theo giấy xác nhận có tim nhân tạo để trình an ninh”.

Sống xa quê hương, rời xa sân khấu quê nhà, những ngày tháng đầu sang Mỹ, Văn Chung nhớ nghề kinh khủng. Ông đã từng mở những ngọn đèn màu và ngồi vào luồng ánh sáng đó cho đỡ nhớ sân khấu. Vợ ông cho biết: “Những ngày chống chọi với căn bệnh thập tử nhất sinh, bên tai ông luôn có chiếc máy cát-xét đều đặn mở bài Dạ cổ hoài lang”. Văn Chung tâm sự: “Tôi vượt qua được nỗi đau bệnh tật cũng nhờ phần lớn bài hát đó”.

Đến khu vườn trong nhà Văn Chung, tôi cứ ngỡ một nơi nào đó ở quê nhà. Ông trồng đầy rau quả VN ở đây. “Đã 27 lần về thăm quê, hành trang mang sang Mỹ của tôi là những hạt giống để trồng trong “một góc quê hương” này” - Văn Chung bộc bạch.

Theo Thanh Hiệp / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.