Nỗi khổ của những người liên quan

31/12/2009 01:16 GMT+7

Trong những ngày qua, có rất nhiều bạn đọc điện thoại, gửi mail chia sẻ, bày tỏ nỗi khổ sở vì có người thân "có bầu" dài lâu mà chẳng thấy sinh con... Nghe đọc bài

“Thai phụ” khổ

Một phụ nữ trước đây cũng từng là "thai phụ" của chuyện đi "cầu có thai" ở Đan Viện Biển Đức (P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM) đã phản ánh chuyện của mình với Báo Thanh Niên, nhằm mong muốn những phụ nữ khác đừng quá tin vào những chuyện đồn thổi hoang đường mà vỡ mộng như mình. Đó là chị T.H nhà ở Q.2.

"Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải có những động thái gì đó, có cách giải quyết thế nào, chứ để những chuyện nghe rất lạ lẫm, rất không khoa học như thế đang lan truyền, "ăn" vào tâm trí của những người dân, như chị tôi thì thật là khổ sở" - Một người dân ở TP.HCM

Chị kể: "Vợ chồng tôi cưới nhau được 6 năm, khó có con, chữa trị mấy lần không kết quả. Tháng 9.2008, tôi đến Đan Viện Biển Đức ở Q.Thủ Đức để "cầu con" như lời một chị quen giới thiệu. Vợ chồng tôi thật bất ngờ và vô cùng sung sướng vì ngay sau khi đi cầu khẩn một tháng thì "thầy" tại Đan Viện soi hình 2 vợ chồng và nói tôi đã có thai, trong khi đúng ngày hôm đó tôi có kinh. Nhưng rồi chị người quen vẫn trấn an tôi rằng, đi khẩn ở đây có bầu mà có kinh là bình thường. Vợ chồng tôi ra về với niềm hy vọng vui mừng thấp thỏm. Kể từ đó, tôi bắt đầu mua sữa dành cho bà bầu về uống, bụng tôi ngày cũng to lên. Và, cứ đều đặn hằng tuần vợ chồng tôi cứ đến Đan Viện, mỗi lần đến đều có gửi tiền vào "thùng xin khẩn" được đặt tại phòng chị em cầu nguyện. Tôi ước tính, mỗi ngày có khoảng 600 người đến Đan Viện. "Mang thai" được 7 tháng, bụng cũng to, thì thấy báo chí phản ánh chuyện "cầu con" ở Đan Viện, tôi thấy bất ổn. Bỏ qua chuyện người ta khuyên không được siêu âm, ngày 30.4.2009 tôi đã đi siêu âm, kết quả không có thai nhi, mặc dù tôi đã đề nghị bác sĩ làm thật kỹ. Lúc đó tôi thật sự bị sốc, và gần như sụp đổ hoàn toàn. Cả hai bên nội ngoại đều tưởng tôi có bầu, giờ không biết phải nói sao, và mình phải vượt qua dư luận thế nào? Nhưng rất may là gia đình đã hiểu và thông cảm.

Khi nhận ra, tôi không uống thuốc nữa (thuốc do sơ Yến gần Đan Viện cho sau khi tôi được chẩn đoán có thai), và tâm trí không nghĩ mình đang có thai nữa thì tự nhiên bụng xẹp xuống, trở lại như bình thường".

Gia đình cũng khổ

Một chị ở Q.Tân Bình điện thoại cho chúng tôi than: "Cả nhà tôi ai cũng khổ tâm về chuyện cô em dâu mang bầu gần 18 tháng rồi mà vẫn không sinh, ai khuyên đi siêu âm cô cũng không nghe lời, còn phản ứng lại rất gay gắt. Em dâu tôi có chồng, nhưng khó có con, chạy chữa một số nơi chưa được, vì em cũng lớn tuổi, ấy vậy mà đi "cầu có thai" chỉ mới một tuần thì được một sơ chẩn đoán "có bầu rồi, là con trai". Tôi và những người thân thì không tin cô có bầu, vì gần 18 tháng trôi qua, cô vẫn hành kinh đều đặn, mang cái bụng to, mặc áo bầu chạy xe máy, chở hàng suốt ngày. Trong gia đình cũng có một người em khác (có thai bình thường) đã sinh con 7 tháng rồi, mà cô em dâu nói trên vẫn chưa sinh, trong khi cả hai báo có bầu cùng thời điểm. Cô em dâu bảo rằng "người ta bảo nếu tin thì mới có con, còn không tin thì không có con, đừng đi siêu âm, nếu siêu âm sẽ không thấy em bé, chỉ thấy cục máu mà thôi" (?!). 

Hôm qua, Sở Y tế TP.HCM đã nhận được văn bản của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) về việc đề nghị làm rõ sự việc Báo Thanh Niên nêu.

Cũng cần nhắc lại, sau khi Báo Thanh Niên có loạt bài phản ánh việc "cầu có thai" ở Đan Viện Biển Đức hồi tháng 3.2009, ngày 1.4.2009, đoàn kiểm tra của Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra Phòng chẩn trị đông y (gần Đan Viện Biển Đức) do lương y Nguyễn Thị Bạch Yến (sơ Yến) - người bắt mạch, bán thuốc cho những phụ nữ đi "cầu có thai". Thanh tra đã ra quyết định đình chỉ hoạt động khám bệnh, kê toa đối với sơ Yến vì nơi đây dùng sổ khám chữa bệnh không đúng quy định; 2 kỹ thuật viên khám bệnh không đúng với chuyên môn; lưu hành thuốc không rõ nguồn gốc.

Anh T.H (ở TP.HCM) có người chị lập gia đình hiện đang sinh sống ở một tỉnh Tây Nguyên tha thiết hơn: "Xin quý báo cho tôi lời khuyên để tôi khuyên người chị, vì ở nhà không ai nói chị nghe cả. Hiện hai vợ chồng anh chị lục đục suốt ngày vì chuyện chị đi "cầu có thai", rồi về không chịu đi khám, siêu âm gì hết. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải có những động thái gì đó, có cách giải quyết thế nào, chứ để những chuyện nghe rất lạ lẫm, rất không khoa học như thế đang lan truyền, "ăn" vào tâm trí của những người dân, như chị tôi thì thật là khổ sở".  
 
Chị M.H (ở Q.Tân Phú) cũng gọi cho Báo Thanh Niên than: "Gia đình tôi rất khổ sở bởi cô em gái 37 tuổi, nói mãi không nghe, không khám, không siêu âm, bầu chi mà mười mấy tháng chẳng có dấu hiệu sinh. Tôi nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải có sự can thiệp, công bố những điều khoa học về mang thai, sinh đẻ, không để người ta lợi dụng vào sự mong đợi, khao khát có con của những cặp vợ chồng, cố tình truyền miệng về những câu chuyện mơ hồ, hoang tưởng".

Một anh chồng ngoài 40 tuổi chiều qua gọi cho Báo Thanh Niên nói: "Tôi đang buồn lắm, mấy hôm nay không muốn làm gì, giờ đang ngồi uống rượu cho vơi sầu, bởi nói hết lời mà vợ vẫn không chịu đi khám thai. Vợ tôi cũng đi "cầu có thai" như những trường hợp báo nêu. Thai chi mười mấy tháng rồi không hẹn ngày sinh nở?".

Chính quyền bó tay!

Chuyện người dân khắp nơi đổ về P.Tam Bình, Q.Thủ Đức để "cầu con" đã khiến người dân và chính quyền địa phương "nhức đầu".

Tiếp xúc với chúng tôi, một số người dân cho biết, chuyện đến Đan Viện Biển Đức để "cầu con" rộ lên từ đầu năm 2008. Ban đầu, chỉ có một số người đến. Sau đó, thông tin đồn thổi, kèm theo một số đĩa hình chuyền tay nhau khiến nhiều phụ nữ hiếm muộn hoặc vô sinh ở TP.HCM cũng như các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam ùn ùn kéo tới "cầu con". Từ đó, kéo theo các dịch vụ ăn theo, như: Bán bông, xe ôm, "cò" khám bệnh bốc thuốc... "Có ngày xe khách đậu chật kín đường, gây kẹt xe kéo dài, còn xe ôm thì tranh giành khách, gây ồn ào suốt ngày", bà Sáu, nhà ở mặt tiền đường Tô Ngọc Vân than thở.

Trước tình hình trên, chính quyền địa phương một mặt báo cáo cho quận và TP tìm hướng xử lý, mặt khác phối hợp với nhà dòng tăng cường vận động, tuyên truyền, nhằm lập lại an ninh trật tự, tránh người dân đến Đan Viện cầu nguyện bị bọn xấu lừa đảo...

Ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch UBND P.Tam Bình thừa nhận: "Dù đã áp dụng nhiều biện pháp, nhưng đến nay tình hình trên chỉ mới giảm chứ chưa được giải quyết dứt điểm".

Thực tế, những ngày qua, chúng tôi nhận thấy vẫn có nhiều người nhất là phụ nữ đến Đan Viện Biển Đức để "cầu con" và được những tay "cò" giới thiệu đến phòng khám bệnh (nằm ở địa phương khác), bốc thuốc với những lời quảng cáo "vô sinh cỡ nào cũng trị được" hoặc "sinh con theo ý muốn"...

* Bác sĩ Phạm Việt Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, kiêm Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) cho biết: "Trong thực tế có nhiều cặp vợ chồng đến bệnh viện điều trị hiếm muộn, khi các quy trình chuẩn bị làm, bác sĩ chưa tiến hành điều trị thì họ đã mang thai tự nhiên. Điều này cho thấy, trong số những người đi "cầu có thai", có thể có những người trong thời gian đó họ có thai bình thường, nên nhiều người ngộ nhận. Còn về khoa học, khi mang thai, chị em cần đến cơ sở y tế để khám, theo dõi thai kỳ. Trong suốt thời gian mang thai, tối thiểu phải đi khám thai 3 lần, đừng vì nhận thức sai lệch về chuyện mang thai, sinh nở mà không chịu đi siêu âm".

* Bác sĩ Hồ Mạnh Tường - Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh (TP.HCM) giải thích: "Có thai giả đã được ghi nhận từ lâu trên thế giới. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, có thai giả xảy ra ở người phụ nữ quá mong muốn có thai và tin rằng một số dấu hiệu mơ hồ ban đầu là có thai thật sự".

Minh Nam - Lê Nga - Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.