Những nhà sáng chế không bằng cấp: Máy tưới nhựa đường

10/08/2009 23:45 GMT+7

Anh thợ cơ khí trình độ học vấn lớp 5 ở thị trấn Cái Tắc (H.Châu Thành A, Hậu Giang) đã có những sáng chế “nổi đình nổi đám” như chiếc máy xới, máy trục cầm tay tiện dụng rồi chiếc máy tưới nhựa đường.

Từ câu nói chơi

Chuyện bắt đầu từ bàn cà phê. Không nhớ rõ tháng nào của năm 1995, một cán bộ cầu đường trong lúc coi cánh công nhân hì hục đốt lửa nấu nhựa để trải thảm đường, đã nói bông lơn với Hai Trung: “Ông đã nghĩ ra nhiều thứ, bây giờ ông ngon chế cho tôi chiếc xe làm sao xịt được nhựa đường, chớ để công nhân tưới nhựa bằng tay thế này nguy hiểm quá...”. Hai Trung thú thật, trước giờ cứ tập trung mày mò ra những công cụ giúp nông dân làm ruộng, còn chuyện làm đường thì chưa mường tượng nó ra làm sao cả. Tuy vậy, ông cũng xem câu nói của người bạn này như đơn đặt hàng với mình.

Trước đó, Hai Trung từng nổi tiếng với các sản phẩm: máy xới cầm tay từ phụ tùng ô tô cũ; máy suốt lúa; máy trục gắn động cơ đốt trong gọn nhẹ... xuất hiện khắp đồng đất miền Tây. Thế rồi, khi sản phẩm ngoại nhập cùng loại xuất hiện nhiều trên thị trường, thấy không “có ăn”, và người ta đã làm được nhiều thì mình không làm nữa. Ông bỏ luôn nghề làm máy suốt, máy xới, máy trục...

*Điện thoại của ông Hai Trung (Nguyễn Hiếu Trung, Chủ cơ sở cơ khí Tiến Đạt): 0908 872 555

Hai Trung cùng cánh thợ của mình bắt tay vào chế tạo cái máy mà ngay thời điểm đó, nó chỉ hình thành trong trí tưởng tượng của ông. Làm rồi bỏ, rồi làm... 20 ngày sau, ông lù lù mang đến cho người bạn của mình một chiếc xe bồn 2 bánh. Xe được gắn động cơ 6 mã lực kéo hệ thống bơm nén khí đẩy nhựa đường ra ngoài qua vòi phun. Ông ra giá 10 triệu đồng với cam kết nếu sáng chế không phát huy tác dụng thì ông trả tiền lại. Người bạn trả ông 15 triệu. Ông vẫn chỉ lấy 10 triệu vì theo ông, phần lời là mình đã sáng chế ra được một cái máy.

 
Máy phun nhựa đường của Hai Trung trên công trình - Ảnh: Tiến Trình

Thực tế trên công trình, chiếc xe bồn tưới nhựa đường của ông đã đạt được yêu cầu là an toàn và nhựa phun được đẩy qua từng kẽ đá, tạo độ kết dính cao hơn tưới bằng tay. Sau đó, ông cũng bán được thêm vài cái nữa.

Thế nhưng, ông cũng nhận ra chiếc máy của mình có điểm yếu là chưa giải phóng được lao động, vẫn cần 4 - 5 người vận hành việc nấu, phun nhựa. Công đoạn nấu nhựa vẫn theo lối thủ công là chất thùng phuy, đốt bằng củi. Với cách này, nấu mỗi tấn nhựa đạt đến nhiệt độ nóng chảy 180 độ phải tốn ít nhất 1 tấn củi, cộng thêm công cán, giá thành phải tốn là 800 ngàn đồng. Lần này, ông chủ động đến đặt điều kiện với bạn mình: “Giả sử tôi làm được chiếc bồn nấu nhựa để nấu thuê cho công trình của ông, tôi tính sao kệ tôi, tôi lấy 500 ngàn đồng mỗi tấn nhựa, ông chịu không?”. Người bạn đánh tay “được vậy thì quá đã!”. Ông Trung tính: mỗi kg than đá thời đó giá 1.800 đồng. Dự chi tốn 100 kg than để nấu ra 1 tấn nhựa, ông cầm chắc phần lãi.

Tính thế, nhưng khi chế xong hệ thống nấu nhựa dùng than đá, ông lại đem cho mượn. Bạn ông nấu được 10 tấn nhựa, hoàn thành đường, lại cho người khác mượn... Đến khi nấu tấn nhựa thứ 20 thì ông Trung nhận được điện thoại, bảo đến nhận... xác máy về vì đang nấu giữa chừng thì bồn bị thủng đáy do không chịu nổi sức nóng. Ông thừa nhận thất bại khi không tính đến sức chịu nhiệt của vật liệu đối với sức nóng của than đá. Trong khi chưa tìm ra một giải pháp khác, ông bảo cánh thợ của mình cưa chiếc bồn ra, phần nào còn dùng được thì dùng, còn lại thì bán phế liệu, lấy tiền đi nhậu. Thế là đi tong 20 triệu đồng tiền vốn.

"Phòng thí nghiệm" là cuộc sống

Bước ngoặt dẫn đến thành công của chiếc máy nấu, tưới nhựa đường như hôm nay, thật ngẫu nhiên, lại đến từ người mua nhớt thải. Khi người này đến dạm mua nhớt thải với giá 1.000 đồng/lít, ông Trung giật mình: “Tại sao mình không dùng nhớt để đốt, độ nóng vừa phải, lại rẻ?”. Không lâu sau, hệ thống nung nhựa đường sử dụng từ nhớt thải động cơ pha diezel ra đời. Cái đầu tiên nung không cháy. Ông chế lại béc phun. Cái thứ hai cháy, nhưng mỗi khi khởi động thì khói bay mù mịt. Ông lại tháo ra, nối thêm hệ thống dẫn khí đối lưu từ khí thải để tiếp tục đốt lần hai. Lần này, khí thải ra từ 150 độ ban đầu xuống còn 70 độ. Không còn khói. Thành công. Lúc này, ông chỉ còn phải chế thêm các chi tiết tiện ích khác và cải tiến mẫu mã cho bắt mắt. Phải đến 5 lần cải tiến mới ra được chiếc xe hoàn chỉnh như hôm nay.

Ưu thế của loại xe này là tốn ít công lao động (3 người), thời gian nấu nhanh gấp 3 lần nấu củi, thời gian phun nhanh gấp nhiều lần tưới tay, độ thâm nhập cao, an toàn, giá thành thấp... Sau một thời gian đưa máy ra thị trường, ông liên tục nhận được đơn đặt hàng từ Bắc chí Nam, ra tận hải đảo.

Tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang 2006-2007, sản phẩm sáng tạo của ông đã đạt giải nhất. Tháng 6.2009, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp bằng độc quyền sáng chế cho sản phẩm xe nấu và tưới nhựa đường của ông.

Nói về những sáng chế của mình, ông Trung cho rằng điểm yếu nhất của ông là “ít học”, nên ít tính toán, vì vậy mà ít khi lường trước thất bại sẽ gặp. Những sản phẩm này thành hay bại thì cũng chỉ qua một “phòng thí nghiệm” duy nhất, đó là cuộc sống.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.