Những nhà sáng chế không bằng cấp: Máy gặt lúa hiệu Kim Chính

03/08/2009 01:19 GMT+7

Cứ vào mỗi mùa gặt, trên khắp những cánh đồng ở Bình Định và một số tỉnh lân cận, máy gặt lúa hiệu Kim Chính xuất hiện khá nhiều. Ít người biết rằng, chiếc máy chinh phục được mọi địa hình, từ ruộng khô đến ruộng ngập sâu trong nước lại do một anh nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” tự mày mò cải tiến.

Quyết tâm... làm liều

Sinh ra ở vùng quê thôn Đại An, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát (Bình Định), ngay từ thuở nhỏ, Nguyễn Kim Chính (sinh năm 1957) đã thấu hiểu được bao nỗi vất vả của nghề nông. Lớn lên, lập gia đình, anh cũng tảo tần mưu sinh với công việc đồng áng. Những thửa ruộng đến mùa gặt nhiều lúc khiến gia đình anh toát mồ hôi khi phải cắt lúa bằng tay, tốn công sức và mất rất nhiều thời gian. Đã vậy, không chỉ ở quê anh mà còn nhiều vùng lúa khác, mỗi thửa ruộng đều có một địa hình hoàn toàn khác nhau. Mùa nắng, ruộng khô khốc. Mùa mưa, chân đất sình lầy, thân cây lúa oằn ngập trong nước. Để mang được những hạt lúa về nhà, bà con nông dân trải qua nhiều ngày vật lộn rã rời trên đồng ruộng.

Những năm 90 của thế kỷ trước, máy móc nông nghiệp, trong đó có máy gặt lúa xuất hiện ngày càng nhiều. Nghề nông từ đó đỡ vất vả hơn, nhưng khâu thu hoạch lúa vẫn chưa được “giải phóng sức lao động 100%”. Máy cắt lúa mua về chỉ dùng được vào mùa khô, khi trời mưa thì đành xếp xó. Đưa ra đồng, gặp nước thì máy xục xịch, đứng bánh. Những lúc ấy, nông dân lại tất tả dùng liềm ra đồng cắt bằng tay. Bà con lối xóm khổ một, vợ anh Chính khổ mười, vì sức khỏe không đảm bảo. Lo cho vợ, anh nghĩ đến việc cải tiến máy cắt lúa thông thường thành máy đa năng, có thể phát huy hết công suất trên mọi địa hình.

Nhiều máy gặt đập liên hợp có mặt trên thị trường hiện nay có nhược điểm là chỉ thích nghi với vùng đồng ruộng rộng lớn, giá bán lại cao, vượt khả năng tài chính của nông dân. Máy gặt lúa đa năng của anh Chính đặc biệt thuận lợi trên đồng ruộng nhỏ, địa hình phức tạp...
Nghĩ là làm cái rụp, nhưng lâu nay chân lấm tay bùn đã quen, đâu biết gì đến chuyện sáng chế, cải tiến máy móc. Nhà nghèo, anh Chính cũng chỉ mới học hết lớp 7. Những nguyên lý cơ - động học, với anh, lại càng mù mờ hơn. “Khó là thế nhưng chẳng lẽ mình chào thua. Không làm được cũng chẳng sao, cũng chẳng ai chê cười vì trình độ mình có hạn mà, nhưng ngày ngày vợ con cơ cực quá với ruộng đồng, lòng mình áy náy lắm. Hàng xóm có người biết ý định của tui liền ái ngại: Đừng giỡn chơi chú Chính ơi, không khéo rã máy ra, ráp lại không được thì tiền mất tật mang. Ráng mất vài ngày công cắt lúa lắm khi lại đỡ phiền hà rắc rối hơn” - anh Chính kể lại.

Bao trắc trở, khó khăn ban đầu không lấn át được tình thương muốn đỡ đần cho vợ con. Anh Chính quyết tâm... làm liều. Chiếc máy cắt lúa mua về, anh tự tay rã ra từng bộ phận. Từng chi tiết thay đổi hay xê dịch, anh đều ghi chép tỉ mẩn để tránh chuyện “rã ra rồi ráp lại không được”! Từ chiếc máy “nguyên con”, giờ trước mắt anh là một mớ bòng bong thiết bị. Cất giữ cẩn thận, anh dành thời gian lân la đến các xưởng cơ khí xin “cầm tay chỉ việc”.

Nhờ sự quyết tâm và chịu khó học hỏi, trong thời gian ngắn, anh tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm về máy móc. “Quay về, tui ngày đêm “chiến đấu”, lắm lúc quên cơm nước và... lơ cả vợ luôn. Nghĩ lại cũng dại thiệt, lỡ lúc đó mình làm không thành, vợ giận mà lơ lại, e nguy to. Mừng là mình làm được thiệt” - anh Chính cười sảng khoái nói.

Máy gặt lúa đa năng hiệu Kim Chính - Ảnh: Đình Phú

“Chú Chính tài thiệt”

Năm 1998, sau một thời gian tự mày mò cải tiến, máy cắt lúa đa năng của anh Chính chính thức trình làng. Khi đưa ra đồng, bà con nhìn khoái quá, kéo đến xem rất đông, ai cũng trầm trồ thán phục “chú Chính tài thiệt”.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến đặt hàng, thế là anh thừa thắng xông lên luôn. Anh Chính kể, thấy có anh bạn xã bên cạnh mua về cắt lúa hiệu quả, giá rẻ bất ngờ nên mấy người cắt máy cũ cạnh tranh không lại cũng dò hỏi để mua. Đơn đặt hàng có khi làm không xuể. Mấy năm nay bán được hơn 200 máy (giá 21 triệu đồng/máy), không chỉ cho nông dân tỉnh nhà mà còn ở các tỉnh, thành trong cả nước.

Bước đầu anh Chính cải tiến máy cắt lúa ruộng khô kiêm luôn cắt ruộng ngập nước, sình lầy; rồi từ cắt ban ngày sang cắt được cả ban đêm; từ không có chỗ ngồi điều khiển, anh làm luôn khung sườn để người điều khiển không đụng chân xuống nước; từ một cục sắt đi đâu cũng cần xe chở, thì máy của anh chạy được trên nhiều địa hình... Tốc độ cắt 12-15 phút/sào nhờ các bộ phận sáng chế và cải tiến chính yếu: hệ thống sên rút nhau, bánh hơi gắn vào mâm sắt 8 lá; bánh xe máy được thay bằng bánh rùa hơi...

Rất đơn giản nhưng tính năng hoạt động mang lại hiệu quả cao. Nhờ đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận quyền sở hữu tác giả cho “nhà sáng chế chân đất Nguyễn Kim Chính”. Bà con nông dân nhiều vùng quê xem anh như người bạn thân thiết, vì nhờ có máy gặt đa năng ấy, việc thu hoạch lúa giờ khỏe re. Chỉ cần một lao động (nam) ngồi trên máy, tất cả các thửa ruộng đều nhanh chóng bị “chinh phục”, chị em phụ nữ không còn phải chịu cảnh chân thấp, chân cao lội nước gặt lúa như trước.

Cải tiến thành công được máy cắt lúa giúp vợ con bớt khổ, anh Chính rất vui. Vui hơn là anh được đi tham gia triển lãm thành quả lao động sáng tạo của mình ở khắp nơi. Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã công nhận anh là "Điển hình sáng tạo Việt Nam". Anh còn vinh dự nhận hàng chục bằng khen sáng tạo của các bộ ngành, Trung ương Đoàn và UBND tỉnh Bình Định...

Anh Chính tiêu thụ máy chủ yếu qua đơn đặt hàng của nông dân. Khả năng tài chính có hạn nên anh không thể sản xuất đại trà để phân phối đều trên thị trường. Ai đặt mua, anh mới bắt tay vào làm. Mong muốn của anh là có sự hợp tác để thương hiệu máy gặt lúa đa năng Kim Chính dễ dàng tiếp cận với bà con nông dân các vùng sâu, vùng xa trên khắp mọi miền đất nước.

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.