Ngày về của “cậu bé napalm”

02/05/2012 03:24 GMT+7

Năm 1968, khi cuộc chiến tranh ở VN đang ác liệt, một cậu bé 11 tuổi ở làng An Truyền (xã Phú An, H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) bị trúng bom napalm và may mắn được một tổ chức từ thiện đưa ra nước ngoài cứu chữa. Sau hàng chục năm lưu lạc, “cậu bé” ấy trở về làng như một phép mầu.

Năm 1968, khi cuộc chiến tranh ở VN đang ác liệt, một cậu bé 11 tuổi ở làng An Truyền (xã Phú An, H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) bị trúng bom napalm và may mắn được một tổ chức từ thiện đưa ra nước ngoài cứu chữa. Sau hàng chục năm lưu lạc, “cậu bé” ấy trở về làng như một phép mầu.

 >> Nick Út thăm lại quê xưa
>> Gặp Nick Út, tác giả bức ảnh gây chấn động thế giới
>> Mỹ từng muốn ném bom hạt nhân miền Bắc VN và Lào
>> Nick Út và hai giọt nước mắt khác nhau

Tên cậu bé ấy là Đoàn Sơn, con thứ ba trong một gia đình nhà nông có 5 anh chị em ở thôn Truyền Nam (làng An Truyền, xã Phú An). Năm Sơn lên 4 tuổi thì bố mất do trúng đạn. Gia cảnh khó khăn, hai anh trai và hai em gái Sơn được gửi cho ông nội ở TP.Huế nuôi nấng, học hành.

 Đoàn Sơn bị trúng bom napalm
“Nhiều lúc mình không muốn nhớ đến quá khứ đau thương, hãi hùng nhưng nỗi nhớ nước nhớ nhà luôn thôi thúc mình quay về” - Đoàn Sơn nói

Vào một buổi chiều năm 1968, khi Sơn đang loay hoay bên mẹ thì một đợt bom napalm rơi trúng nhà Sơn. Trúng bom, mẹ Sơn ngã xuống và trút hơi thở cuối cùng. Còn Sơn, từng mảng da thịt tan chảy bởi chất napalm. Cậu bé rú lên như điên dại rồi chạy theo hướng nhà người dì ruột của mình ở gần đó trong cơn hoảng loạn. Sang đến nhà dì, cậu gần như không còn nhớ gì nữa…

Thoát chết như một phép mầu

Năm 1959, thế giới biết đến Terre des Hommes - tổ chức từ thiện ra đời tại Thụy Sĩ chuyên giúp đỡ những nạn nhân chiến tranh, nhất là trẻ em. Từ những đứa trẻ khốn khổ đầu tiên tại Algeria cho đến nay, tổ chức này đã nổi tiếng với những hoạt động giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh, bệnh tật và đói nghèo trên nhiều châu lục.

Năm 1968, nhà văn, nhà thơ Edmond Kaiser (1914 - 2000), người sáng lập Terre des Hommes có mặt tại VN trong một chương trình hoạt động nhân đạo. Chính tại vùng đất còn bao đau khổ, tàn phá bởi chiến tranh này, ông đã gặp cậu bé Đoàn Sơn. “Sau này mình mới biết chú của mình đã đưa mình đến với ngài Edmond Kaiser. Số mình thật may”, Đoàn Sơn nhớ lại.

 Đoàn Sơn bị trúng bom napalm về quê hương
Trở về quê nhà vào tuổi 50, anh bắt đầu lại cuộc sống mới với công việc trồng trọt, chăn nuôi - Ảnh: Gia Tân

Nhà văn Edmond Kaiser sinh ra tại Paris, từng trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc đời. Ông bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động xã hội, từ thiện, vì sự tiến bộ xã hội sau cái chết bởi tai nạn của cậu con trai 2 tuổi vào năm 1941. Có lẽ đây cũng là một trong những lý do khiến người đàn ông có trái tim nhân hậu ấy đón nhận cậu bé Đoàn Sơn ngay khi vừa gặp. Sơn được Terre des Hommes đưa vào Sài Gòn trước khi bay sang Cộng hòa Liên bang Đức để chữa trị.

Đoàn Sơn tỉnh lại thì thấy mình đã ở một xứ sở xa lạ. Dần dà, anh biết đó là nước Đức. Trên giường bệnh, anh sống lơ mơ và làm theo những gì người lớn hướng dẫn. Lúc ấy hình ảnh cuối cùng trong ký ức của cậu bé 11 tuổi chỉ là những tử thi ở nhà thương, đặc biệt là hình ảnh người mẹ nằm bất động trên nền nhà với thi thể không nguyên vẹn…

Sau 40 ngày điều trị tại Đức, Sơn được đưa sang Thụy Sĩ để tiếp tục chữa trị. Ở Thụy Sĩ, sau khi cứu được mạng sống của Sơn, các bác sĩ bắt đầu chữa trị những tổn thương trên da thịt; nhiều phần da bụng và da bắp vế chân của Sơn đã được lấy để cấy lên những nơi khác trên mặt, hai tay và ở những vùng thân thể khác. “Trong bối cảnh chiến tranh và điều kiện về y tế, nếu ở VN chắc mình không sống nổi. Mà nếu có sống thì cũng là phế nhân”, Đoàn Sơn nói.

Từ một đứa bé dị dạng, nhiều tháng sau chữa trị, Sơn dần hồi phục và trở thành một đứa trẻ khỏe mạnh. “Bản thân mình sau khi rời bệnh viện cũng phải luyện tập. Hai cánh tay cử động được nhưng hai bàn tay thì không, các ngón tay bị quẹo lại”, Đoàn Sơn kể. Anh được bà Els Goldstein (sinh năm 1917), một nhân viên của Tổ chức Terre des Hommes ở thành phố Zurich, đã có ba người con gái, nhận làm con nuôi. Mẹ nuôi mời thầy giáo về nhà dạy học cho Sơn, nhất là học ngôn ngữ bản xứ. Sau một năm học tại nhà, mẹ cho Sơn ra học ở trường công thành phố. Song song với chương trình phổ thông, cậu còn được đào tạo nghề và rồi trở thành một kỹ sư nông nghiệp, rất thành thạo trong việc trồng hoa, cao su, chè, dưa, su lơ…

Năm 20 tuổi, Sơn vào làm việc cho một công ty chuyên trồng hoa với mức lương khởi điểm 300 franc Thụy Sĩ. “Được như thế là nhờ tình yêu thương của mẹ. Chị Anjuska Weil và hai em cũng vậy, luôn giúp đỡ và yêu thương mình. Đặc biệt, chị Anjuska Weil vì tình yêu thương đối với mình, sau này đã có nhiều hoạt động vì nạn nhân chất độc da cam VN. Chị trở thành Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ - VN, và đã nhiều lần đăng đàn trên các phương tiện truyền thông nước ngoài để đấu tranh cho nạn nhân chất độc da cam VN. Sau này, chị cũng có nhiều hoạt động từ thiện, xã hội giúp đỡ VN”, Đoàn Sơn kể.

Đặc biệt, thực hiện di nguyện của mẹ sau khi qua đời năm 1991, bà Anjuska Weil đã mang một khoản tiền tiết kiệm không nhỏ của bà Els Goldstein sang giúp nhiều bệnh nhân nghèo ở VN. (Còn tiếp)

Đoàn Sơn thổ lộ nhiều lúc anh muốn xua đuổi, quên đi những ám ảnh chết chóc bởi “nó buồn lắm, đau lắm”.

Nhắc đến chuyện xưa, bà Đoàn Thị Thẩn, 83 tuổi, người dì ruột của Sơn kể như mếu: “Lúc đó cháu nó chạy tới nhà thì ngất xỉu không còn biết chi hết. Toàn thân cháu bỏng nặng, chỉ thở thoi thóp. Chiến tranh súng đạn dữ quá nên tới ba ngày sau tui mới gánh cháu nó lên được nhà thương Huế (nay là Bệnh viện T.Ư Huế). Nhà thương lúc ấy rất nhiều người bị thương, người chết. Suốt gần cả tuần chờ bác sĩ, tui và một người em nữa thay nhau quạt ruồi nhặng bu quanh nó. Sau đó Sơn được băng bó sơ sơ rồi tui mang cháu về nhà ông nội của nó gửi nhờ chăm sóc. Từ đó, tui không thấy mặt cháu”.

Gia Tân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.