Máy đùn gạch của anh “thợ đụng”

11/08/2009 23:35 GMT+7

Xuất phát từ thực tế lao động vất vả, nặng nhọc, không an toàn cho những người nông dân làm gạch, anh Huỳnh Văn Lý (47 tuổi, ở thôn Phú An, xã Tây Xuân, H.Tây Sơn, Bình Định) đã mày mò chế ra chiếc máy đùn gạch cải tiến 2 trục phay.

Nuôi ý tưởng từ thuở nhỏ

Lớn lên từ vùng quê mà 70% người dân làm nghề gạch, gia đình Huỳnh Văn Lý cũng không ngoại lệ nhưng bản thân anh lại dứt khoát tìm một hướng đi riêng. “Cái nghề làm gạch cực lắm, làm lụng vất vả nhưng vẫn khổ cả đời. Tôi không muốn bám trụ suốt đời với lò gạch nên đi làm thợ hàn gò cho người ta. Đam mê máy móc từ lúc nhỏ nên trong đầu luôn nuôi ý tưởng một ngày nào đó sẽ chế tạo ra một cỗ máy bằng sắt, mặc dù chưa rõ... nó sẽ là cái gì” - anh Lý tâm sự.

Hầu hết các lò gạch ở Tây Sơn đều sử dụng máy đùn gạch của anh Lý sáng chế. Đến nơi này, hỏi nhà anh, ai cũng rõ. Cơ sở hàn tiện của anh khá rộng, có 4 thợ chính. Nghe anh kể về quá trình chế tạo ra chiếc máy thật gian truân: “Cuộc sống người dân quê tôi rất vất vả, quanh năm chân lấm tay bùn, hì hục đào xới đất để lấy làm gạch. Máy móc thời đó thì rất thô sơ, thủ công. Người lao động phải liên tục dùng tay hoặc chân ép nguyên liệu vào lô nghiền nhào. Điều này dễ dẫn đến tai nạn do mệt mỏi, thiếu tập trung và năng suất không cao, chất lượng gạch không đồng đều do thường xuyên phải ngừng chạy để xử lý tình trạng tắc nghẽn ở khuôn tạo hình. Hồi ấy (1992), vùng quê tôi người dân bị tai nạn lao động xảy ra thường xuyên, luôn bị máy cán đứt tay”.

Mày mò gần 8 năm trời, anh Lý mới hoàn thành được một chiếc máy đùn gạch 2 trục phay. “Ý tưởng thì có đó nhưng để thực hiện không phải dễ. Tôi mất ăn, mất ngủ cả một khoảng thời gian dài, đầu tư công sức, tiền bạc mới cho ra một chiếc máy hoàn chỉnh theo ý mình. Khi đã hoàn thành thì lại sợ không biết sản phẩm mình làm ra có ai sử dụng không, không ngờ được người dân nơi đây hưởng ứng. Thiệt là mừng!” - anh Lý nói.

Trở thành nhà sáng chế

Về hình thức, cỗ máy cũng như thiết bị cũ mà người dân làng gạch đã sử dụng, chỉ khác là trên miệng cối đổ đất vào anh Lý gắn thêm 2 trục song song. Trên mỗi trục có gắn các lá sắt kích thước chừng 3x5 cm theo hình nanh sấu, miếng nằm xuôi, miếng nằm ngang để vừa đánh tơi vừa nhận đất xuống. Các đầu trục được nối kết nhau qua hệ thống truyền dẫn lực bằng nhông, sên. Hệ thống còn có hộp số để điều khiển nhanh chậm. Khi hoạt động có thể dùng máy nổ hay mô-tơ điện và được đặt trên khung sắt có 4 bánh xe để kéo, hoặc đặt trên khung xe độ chế để di chuyển dễ dàng.

Máy của anh Lý trong quy trình làm gạch -Ảnh: T.Hoa

Sáng tạo của anh Lý giúp công việc của người làm gạch ở đây trở nên dễ dàng và hiệu quả cao. Công việc nhồi đất, tỉa, xén đất... không còn nhọc nhằn như trước bởi khi bỏ đất vào thì máy tự động nghiền nát. Đặc biệt đất nguyên liệu từ ruộng đem về chỉ cần dùng ben xả một lần, đảo, ủ qua đêm để tạo độ mềm, sáng hôm sau là đưa thẳng vào máy. Công nhân không phải dùng tay nhấn đất xuống (tránh tai nạn). Công suất máy đùn gạch 2 trục phay khoảng từ 2 - 2,5 vạn viên/ngày. Giá mỗi chiếc máy tùy theo công suất lớn nhỏ, từ 25 - 50 triệu đồng.

Anh Lý cho biết khi chế tạo ra chiếc máy, bản thân anh cũng đã phải nghiên cứu, tìm hiểu ý kiến từ nhiều bạn bè đồng nghiệp. Quan trọng hơn là rút ra từ thực tế cuộc sống. “Người ngoài nhìn vào thì thấy đơn giản, chỉ cần lắp thêm 2 trục phay là xong nhưng lại khá rắc rối. Khi một lúc phải nhận nhiều lượng đất thì phần dưới máy (gọi là cối ru-lô) phải điều chỉnh lại phần nhông, sên truyền động sao cho đường kính, vòng quay tương ứng. Rồi điều chỉnh một lần nữa để tạo độ co giãn kẽ hở của ru-lô để khi trong đất có vật cứng như đá, sỏi máy không đứng lại bất ngờ. Không đơn giản một lần là xong mà phải qua nhiều thí nghiệm, chạy thử, ý kiến đóng góp của bà con thì lúc ấy máy mới đạt những thông số kỹ thuật tối ưu nhất”.

Để giúp chúng tôi hiểu rõ hơn, anh chỉ cụ thể vào chiếc máy: “Hệ thống phải đồng bộ từ việc tiếp nhận đất đánh tơi, cuốn đất vào ru-lô để cán nhuyễn rồi cho đất ra khuôn. Đồng bộ, phù hợp thì hệ thống mới không bị trục trặc, ít tiêu hao nhiên liệu mà năng suất lại cao”.

Cơ sở hàn tiện Văn Lý chuyên làm máy gạch ngói đã ra đời gần 8 năm nay. Sản phẩm máy đùn gạch cải tiến 2 trục phay được xuất đi khắp nơi, gần đây còn được xuất bán sang Lào, Campuchia. Một tháng anh Lý nhận đặt hàng khoảng 2 chiếc. Anh Lý tiết lộ: “Sắp tới sẽ ra mắt một chiếc máy đùn gạch 2 trục phay hoàn toàn tự động, hiện đại hơn”. Hỏi, có khó khăn gì trong việc tìm nguồn vốn đầu tư không, anh Lý tỉnh rụi: “Hoàn toàn không vay ai một đồng nào. Hai vợ chồng tích lũy từ ngày đi làm thuê tới giờ, tôi từng là anh thợ đụng - đụng gì làm đó mà”.

Trong nhiều hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng chế của anh Lý đều đạt giải thưởng. Ít ai biết rằng, anh nông dân một thời là “thợ đụng” ấy chỉ mới học đến bậc trung học cơ sở.

Trương Hoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.