Mại dâm Việt ở Singapore - Kỳ 4: Đường đến phố đèn đỏ

02/07/2009 00:35 GMT+7

Nghề bán phấn buôn hương khó lòng đem lại cho người ta sự giàu có, càng không thể mơ tới danh vọng. Vậy mà ngày nay nhiều cô gái đã tự nguyện tìm đến nó... Nghe đọc bài

Những cô gái không bị ép!

Trừ một số ít các cô gái nhẹ dạ, trót tin rằng đến xứ người sẽ có được việc làm tốt, kiếm tiền dễ dàng, rồi đến khi rơi vào thực tế tồi tệ muốn rút lui cũng không xong như kỳ trước chúng tôi đã đề cập, phần đông còn lại, cách họ đến với nghề này là hoàn toàn tự nguyện.

Một cô gái họ Trần, 21 tuổi, phục vụ ở một quán bar trong khu Geylang Lorong 40-42, trong một phỏng vấn với báo Straits Times năm 2008 nói rằng cô bỏ học nghề làm tóc ở TP.HCM, sang Singapore làm tiền để kiếm được nhiều hơn.

Báo New Paper của Singapore sau cái chết của 2 cô gái Việt trong năm 2006 đã tìm đến khu Joo Chiat phỏng vấn những cô gái Việt khác. Một cô được gọi là Thi kể rằng cô nghe nhiều cô gái khác kể rằng sang Singapore làm việc trong 2 tuần có thể dễ dàng kiếm được 1.000 SGD (hơn 12 triệu đồng). Ba mẹ cô vì thế đã vay 4.000 USD cho cô sang Singapore để học tiếng Anh nhằm “tìm việc”. Ngay khi sang, cô lập tức "nhập bọn" ở khu Joo Chiat. Hỏi tên cô không nói thật, hỏi học ở đâu cô cũng giấu.

Một chuyên gia về nhân sự người Việt sống lâu năm tại Singapore nói rằng phải cảnh giác trước những kể lể hoàn cảnh của các cô này. "Thật ra thì họ lười biếng và chỉ muốn kiếm tiền nhanh nên tự nguyện đi làm cái nghề đó. Chứ nói cho cùng, nếu chịu khó và siêng năng, các em vẫn có thể kiếm được việc làm với mức lương 20-40 SGD/ngày. Dù vừa học ở trường tư, vừa làm thêm là không hợp pháp, nhưng người chủ thuê mà thương thì họ cũng có cách để bảo bọc", chuyên gia này nói.

Những cô gái mà tôi gặp ở Geylang, Joo Chiat dường như cũng chẳng có một chút suy tư nào. Họ nói chuyện, thản nhiên đi lại không lộ chút nào sự e dè, xấu hổ khi gặp những người đồng hương. Tôi thấy khó để tìm được một cô mà tôi muốn nghe hoàn cảnh bi đát đưa đẩy họ đến đây và không tìm được lối thoát!

"Dạy" nhau cách "làm ăn"

A., một cô gái trắng trẻo, xinh xắn, 20 tuổi, mà tôi gặp trong một quán ăn Việt ở khu Chinatown không ngần ngại hỏi tôi có muốn lấy một ông Singapore 60 tuổi. "Ông này là bạn của chồng em, có nhà, có xe, nói được tiếng Anh. Chị nói được tiếng Anh chắc ông thích. Muốn không, em làm mai cho? Nếu được, ổng cho em bao nhiêu thì cho".

A. lấy một người đàn ông 49 tuổi, làm nghề sơn quét, khi em 19 tuổi, thông qua mai mối của một cô gái cũng lấy chồng Singapore qua mai mối trước đó. Sau khi sang Singapore, đến lượt mình, A. lại làm môi giới cho những người khác. Mẹ A. ở TP.HCM nhưng quê ở Tây Ninh cũng tham gia vào "đường dây" này bằng cách "tuyển" các cô gái 18-20 tuổi ở TP.HCM và Tây Ninh, giúp đỡ giấy tờ và đưa các em ra sân bay Tân Sơn Nhất. Qua đến Singapore, A. ra đón, thu hết hộ chiếu rồi đưa các em đến những nơi mai mối hôn nhân. Mỗi cô gái đến nơi, A. được chủ môi giới trả 1.000 SGD. Tôi đã theo A. ra sân bay, tận mắt nhìn thấy 5 em gái mới học xong 12 thì sang xứ người tìm chồng. Cha mẹ các em khi vay mượn tiền cho con gái đi không thể không nghĩ tới những cạm bẫy phía trước.

Chuyện tương tự cũng xảy ra tại một số trường tư. Có những nữ sinh rủ nhau ra đứng đường, rồi rủ thêm các cô gái ngây thơ khác ở quê nhà. Em T. ở Quảng Bình nói rằng em sang Singapore cũng vì trót nghe lời một cô mang danh đi du học trước đó. Bán mình có chút tiền, thậm chí vay mượn, các cô mua sắm và gửi về nhà chút đỉnh. Ba mẹ các cô ở quê đi khoe khắp xóm, vô tình "hà hơi tiếp sức" cho những hành vi môi giới bất chính. Các trường tư ở Singapore không phải là không biết thực trạng nữ sinh của mình ra đứng đường, nhưng nhắm mắt làm ngơ. L., một nam sinh học ở một trường tư khá nổi tiếng nói với tôi rằng, những chủ nhà chứa cũng lảng vảng ở một số trường tư để kiếm gái, và chính những chủ chứa này đã chào mời L. khoản hoa hồng 1.000 SGD nếu L. giới thiệu được một cô. Chả thế mà có lần bà mẹ đưa con gái là bạn của L. sang Singapore du học, đến gặp L. tại trường để nhờ giúp đỡ, những bạn trong lớp tưởng rằng bà ấy đem gái đến "giao hàng" cho L. "Chán thế đấy!”, L. nói như than.

Rồi như một căn bệnh lây lan, người qua trước rủ rê, chỉ đường cho người qua sau. Hằng ngày trên những chuyến bay giá rẻ nối TP.HCM với Singapore, các cô gái qua lại. Những người bạn của tôi làm việc ở Singapore hoặc sang Singapore du lịch, ai cũng than phiền khi gặp cảnh ấy. Bản thân tôi vốn bị căn bệnh tò mò do đặc thù nghề nghiệp, tôi không né tránh ngồi gần những cô ấy. Trong phòng chờ lên máy bay, trên những băng ghế sau suốt chuyến bay, tôi ghi âm được nhiều đoạn đối thoại, không biết phải bình luận ra sao, của các cô gái này. Họ chỉ nhau cách để lọt qua hải quan, cách lôi kéo được khách hàng, cách moi tiền của những khách hàng thường xuyên… Nhiều cô biết tôi là người Việt vẫn oang oang văng tục.

(Còn tiếp)

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.