Kỳ tích vùng đất thấp

09/10/2010 18:11 GMT+7

Bóng đá là thứ đã tạo nên “thương hiệu Hà Lan”, cùng với màu da cam, hoa tulip, cối xay gió, những bánh phô-mai và các con đê chắn biển. Thế nhưng đó chỉ là bề nổi...

Bóng đá là thứ đã tạo nên “thương hiệu Hà Lan”, cùng với màu da cam, hoa tulip, cối xay gió, những bánh phô-mai và các con đê chắn biển.  Thế nhưng đó chỉ là bề nổi...

Cối xay gió, thương hiệu của Hà LanCối xay gió, thương hiệu của Hà Lan

Nông trại của Koopmans

“Tôi là một nông dân”, Arjen Koopmans tự hào giới thiệu.

Cao lênh khênh, tóc vàng hoe, người đàn ông trạc 50 tuổi ở tỉnh Friesland, Hà Lan đã lập gia đình và có 2 con trai. Tư liệu sản xuất mà Koopmans sở hữu làm những vị khách đến từ Việt Nam ngộp thở: 80 con bò sữa, 62 ha đồng cỏ. 

Choáng hơn nữa là khi Koopmans cho biết, ông cũng chính là nhân công duy nhất của nông trại bát ngát này.  Trông người nông dân mảnh khảnh không có vẻ gì của một “dị nhân”, làm thế nào mà ông có thể hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ trong ngày: chăm sóc đồng cỏ, cho bò ăn, vắt sữa, dọn dẹp chuồng trại…? Koopmans đưa chúng tôi đi thăm một vòng nông trại, và những câu hỏi dần có lời giải đáp.

Những con bò của Koopmans trông thật phởn phơ, béo tốt. Thấy con người lố nhố bước vào, bọn chúng ngừng nhai đống thức ăn tổng hợp, giương mắt nhìn. Mỗi con lủng lẳng 2 cái “khuyên tai” màu vàng, chứa đầy đủ thông tin về bò bố mẹ, ngày sinh, quê quán… Một vòng đeo cổ gắn chip sẽ thông báo mọi thay đổi về sức khỏe, thể trạng, mỗi lần ăn hoặc vắt sữa của chúng cho ông chủ Koopmans.  Chuồng trại có trần cao và thoáng. Thỉnh thoảng, một thanh gỗ sẽ tự động “càn quét” qua sàn, gạt tất cả chất thải xuống hầm chứa bên dưới.

Hình ảnh cô gái Hà Lan mặc váy xanh, đeo tạp dề trắng ngồi vắt sữa bò đã lùi vào quá vãng khi Koopmans đưa chúng tôi đến xem con robot đang làm việc.  Gọi là “con”, thật ra đó là một cỗ máy khá đồ sộ sơn màu đỏ tươi, với rất nhiều dây nhợ, bình chứa, ống thép và nhựa.  Có một lối đi dành riêng, và lũ bò với bầu vú căng tức lần lượt đủng đỉnh bước vào khu vực vắt sữa.  Khi chúng đã yên vị, robot bắt đầu làm việc. 4 ống hút với phần miệng bằng chất dẻo chẳng biết “mò mẫm” thế nào mà luôn bắt trúng đích 4 đầu vú, và sữa trắng òng ọc tuôn vào bình chứa cùng một lọ nhỏ.  Từ đó, sữa được dẫn qua bồn trữ lạnh ở gian bên cạnh, chờ tập kết về nhà máy chế biến.  Còn lọ nhỏ chứa sữa sẽ đến phòng thí nghiệm để phân tích hàm lượng protein, chất béo… Tất cả thông số này sẽ được Koopmans lưu vào hồ sơ của từng con bò để có thể xem xét biến động về số lượng hay chất lượng sữa, từ đó có cách xử lý phù hợp.

Koopmans dẫn khách ra xem đồng cỏ bao la xanh ngắt.  Ông chủ nông trại cho biết, cỏ ở Hà Lan chỉ thu hoạch được từ tháng 4 đến tháng 9, với 4-5 lần mỗi năm. Việc cắt cỏ và làm kho dự trữ cho những ngày đông tháng giá đã có một công ty chuyên nghiệp thực hiện.  Từng mẫu cỏ cũng sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm phân tích, từ đó Koopmans sẽ có công thức pha chế loại thức ăn tổng hợp tốt nhất cho đàn bò của mình.

Phòng làm việc của Koopmans giống như một trạm quan sát, nhìn xuống toàn cảnh chuồng trại qua bức tường kính. Koopmans quản lý việc chăm sóc đàn bò, chất lượng sữa và thức ăn bằng một phần mềm máy tính.

Thế đấy, Koopmans chẳng cần phải là “dị nhân” để một mình quán xuyến nông trại.  Ông chỉ là một nông dân cần cù lao động, có trình độ đại học, làm việc với thiết bị hiện đại trong một quy trình được tổ chức chặt chẽ của nền nông nghiệp có một không hai trên thế giới.

Những người nông dân kiêu hãnh

Ai cũng từng nghe nói Hà Lan là vùng đất thấp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Nhưng không phải ai cũng biết những kỳ tích của nền nông nghiệp nước này.

Giá trị xuất khẩu nông sản của Hà Lan không phải đứng đầu thế giới mà còn xếp sau Mỹ, Pháp. Tuy nhiên, nên biết rằng với diện tích tự nhiên chỉ 41.526 km2, trong đó phần lục địa là 33.873 km2, Hà Lan chỉ là một chú bé tí hon so với 2 cường quốc kia: nhỏ hơn Pháp 16 lần, và nhỏ hơn Mỹ xấp xỉ 240 lần!  Không chỉ vậy, 1/3 diện tích lãnh thổ Hà Lan còn chịu sự uy hiếp thường xuyên của nước mặn xâm nhập và nước sông gây ngập úng. Cho nên, xét về mặt hiệu quả, những gì mà người nông dân Hà Lan thực hiện được làm người ta phải sửng sốt.

Trong một bài viết có tính biên khảo, nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn từng nhận định: “Nền tảng của sức cạnh tranh quốc tế của nông nghiệp Hà Lan là những tổ hợp nông-công-thương, trong đó tế bào cấu thành những tổ hợp này chính là những trang trại gia đình tràn đầy sức sống”. Hiếm thấy ở quốc gia nào mà người nông dân lại kiêu hãnh như ở Hà Lan, khi thu nhập của họ không hề thấp hơn những người làm việc trong các ngành công nghiệp - dịch vụ. Khái niệm “hộ nông dân nghèo” không tồn tại trong xã hội Hà Lan. Hoặc như tâm sự của một người Hà Lan tên Wytze Heida, vì không có tư liệu sản xuất nên ông buộc phải làm… kỹ sư cho The Friesian - một công ty tư vấn cho ngành chăn nuôi bò sữa.

Hiệu suất xuất khẩu nông sản đứng đầu thế giới; hiệu suất sản xuất của đất đứng đầu thế giới; nền nông nghiệp được đầu tư kết cấu hạ tầng hàng đầu thế giới - đó là đúc kết của ông Nguyễn Công Tạn về nền nông nghiệp Hà Lan. Vùng đất thấp này hiện là nhà vô địch thế giới về xuất siêu nông sản. Còn các nông trại ở đây “thực chất là một doanh nghiệp nông nghiệp, hoạt động trong cơ chế thị trường, hội nhập hoàn toàn vào thị trường thế giới, đọ sức với mọi thách thức trong cạnh tranh quốc tế”.

Đàn bò sữa trong trang trại Arjen Koopmans 
Hà Lan đứng đầu thế giới về xuất khẩu sữa đặc và phô mai khô

Nông trại của Arjen Koopmans là một thành viên của FrieslandCampina - hợp tác xã lớn nhất thế giới chuyên chế biến các sản phẩm từ sữa. Sự thăng trầm của hợp tác xã này sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình Koopmans. Ngược lại, sản lượng cùng chất lượng sữa của đàn bò nhà Koopmans - cũng như của hàng ngàn xã viên khác - sẽ đóng góp đáng kể vào việc mở rộng thị phần cùng doanh số của FrieslandCampina. Mối liên hệ hữu cơ này đã hình thành một quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt gồm 7 bước: từ đồng cỏ - đàn bò - nông trại - nhà máy - nhà phân phối - cửa hàng bán lẻ - người tiêu dùng.

“Năm 1886, có 6 người nông dân Hà Lan cùng nhau lập hợp tác xã sản xuất sữa đầu tiên…” - Giám đốc điều hành của FrieslandCampina, ông Cees C.’t Hart  mở đầu câu chuyện “cổ tích”. Trải qua hơn một thế kỷ, hợp tác xã ngày nào đã trở thành một đế chế với 21.062 xã viên, các nhà máy chế biến phủ khắp thế giới. “Những người nông dân thấy rằng họ sẽ có thu nhập cao hơn nếu liên kết với nhau trong sản xuất. Quá trình hình thành và phát triển các hợp tác xã hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện của các xã viên” - Cees C.’t Hart lặp lại một chân lý, dù đơn giản nhưng không phải lúc nào cũng được người ta nhận thức đúng đắn. 

Nông dân Hà Lan có cuộc sống sung túc

Mô hình tổ chức theo cơ cấu hợp tác xã ở Hà Lan đã tạo nên ngành sản xuất - chế biến sữa bền vững nhất thế giới. Hiện quốc gia vùng đất thấp này có khoảng 1,5 triệu con bò sữa được nuôi trong 20.200 trang trại, năng suất sữa bình quân trên 30 kg/bò/ngày. Xu hướng hiện nay là các nông trại giảm về số lượng, nhưng lại tăng về quy mô và mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Điều đáng lưu ý là để giữ giá sữa ổn định, mỗi nông trại đều được cấp hạn mức và không thể sản xuất quá lượng sữa mà cơ quan quản lý nhà nước đã quy định. Thế nên ở Hà Lan không có hiện tượng cung vượt cầu hay ngược lại làm giá sữa xuống thấp hoặc tăng vọt.

***

Trước khi chúng tôi sang vùng đất thấp, trái tim của Tây u này, một người Hà Lan hỏi: “Bạn biết gì về đất nước chúng tôi?”.  Tôi đùa: “Bóng đá, Rinus Michels, Johan Cruyff, van Persie…”.  Thật sự, bóng đá - với việc đội tuyển nước này 3 lần á quân thế giới - cũng là thứ đã tạo nên “thương hiệu Hà Lan”, cùng với màu da cam, hoa tulip, cối xay gió, những bánh phô-mai và các con đê chắn biển. Thế nhưng đó chỉ là bề nổi, bởi cái tạo nên hình hài quốc gia này không gì khác ngoài chính phẩm chất tuyệt vời của những người nông dân ở đây, như những người láng giềng nhận xét: “Chúa tạo ra thế giới, còn người Hà Lan tạo ra đất nước của mình”. 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.