“Hòn vọng phu” thời hiện đại

22/10/2011 16:31 GMT+7

Chuyện về hai chị em ruột vô tình lấy nhau tưởng chỉ có trong cổ tích Hòn vọng phu, nhưng cũng có một câu chuyện thương tâm tương tự ở vùng núi An Lão (Bình Định).

Đến vùng núi này, hỏi nhà ông Đinh Văn Minh (50 tuổi) và bà Đinh Thị Mân (52 tuổi), ai cũng biết. Ông vừa là một trưởng thôn được dân làng yêu mến, vừa có một câu chuyện gia đình ly kỳ, đó là yêu và lấy chính người chị ruột của mình.

Năm ấy vùng này nghèo lắm. Người làng hầu hết là người H’rê, cái ăn cái mặc còn thiếu hụt bởi chiến tranh và nghèo đói. Năm 1967, giặc Mỹ thả bom ác liệt ở vùng núi An Lão, Bình Định nhằm tiêu diệt các căn cứ cách mạng ở đây. Ngày định mệnh đến khi bà Đinh Thị Liếu bị trúng bom khi đang làm rẫy, để lại chồng và ba đứa con. Sau đó chừng một tháng, ông Đinh Văn Rơ, chồng bà Liếu đi tham gia cách mạng cũng bị địch bắn ở Phổ Cường (Quảng Ngãi). Ông trở về với đôi chân thương tật. Đứa con út mới 4 tháng tuổi khát sữa mẹ cũng bỏ ông mà đi. Sau đó ít lâu, ông mất. Hai đứa con là Đinh Thị Mân (8 tuổi) và Đinh Văn Minh (6 tuổi) trở thành những đứa trẻ mồ côi lang thang, trôi dạt về hai hướng.

Cha mất, tuổi lại còn quá nhỏ, không có ai cưu mang, cô bé Mân lên rừng tìm lá cây, trái dại mà ăn. Bà Mân bây giờ ngậm ngùi nhớ lại: “Ngày ấy, tôi đi mãi, đi mãi vẫn không tìm được thứ gì bỏ vào cái bụng đói cồn cào. Lũ làng cũng nghèo quá, đâu có ai lo cho mình. Lúc gặp may, tôi bắt con cá, con cua dưới suối ăn sống”.

Cũng vì quá nhỏ mà Mân quên mất mình còn có một đứa em trai. Mân cứ thế, một mình đi, một mình cầm cự qua ngày. Có lúc đói rét, cực khổ quá, Mân nằm trú dưới hầm đá trong suối liền hai ngày cho chết nhưng không chết được. Rồi Mân lại đi, lại tự tìm kiếm cho mình cái ăn và cơ hội được sống.

Mân trôi dạt đến xã An Vinh rồi vào Huyện Đoàn An Lão xin miếng cơm, chén nước. Nghe kể về hoàn cảnh đáng thương của cô bé, họ đã nhận nuôi nấng, bảo bọc. Cuộc đời Đinh Thị Mân từ đây được rẽ sang một trang khác. Cô trở thành người của huyện đoàn, được đào tạo để sau này trở thành cô nuôi. Năm 1972, Mân trúng đạn ở đầu gối khi đang đi thăm lúa. Vài tháng sau, cô được ra Bắc theo đợt tập kết để học chữ. Năm ấy, Mân mới 13 tuổi. Đến năm 1975, cả nước tưng bừng ăn mừng thống nhất, Mân được về lại địa phương và tiếp tục được đi học văn hóa ở huyện Tây Sơn (Bình Định).

“Hai chị em ông Đinh Văn Minh lấy nhau là trường hợp duy nhất từ xưa đến nay của xã. Tuy nhiên, họ đã sống với nhau 31 năm, lại hiền lành, chăm chỉ. Tù tội thì ông ấy cũng đã đền ri. Ông Minh là một trưởng thôn gương mẫu, được dân làng rất quý mến”.

(Ông Đinh Xuân H., Chủ tịch xã).

Người em Đinh Văn Minh lại ở một ngã rẽ khác của cuộc đời. Ông Minh chớp đôi mắt đùng đục nhớ: “Mới 6 tuổi, bố chết, chị đi đâu mất, tôi cũng bỏ đi lang thang. May sao, một cán bộ xã thấy vậy mang về rồi cho tôi cùng những trẻ mồ côi khác qua huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định)”. Thời kỳ ấy, do bom đạn chiến tranh, những đứa trẻ mồ côi như Minh rất nhiều. Nhà nước đề ra chính sách mỗi nhà dân cưu mang từ một đến ba trẻ như thế.

Đinh Văn Minh trôi dạt về một vùng đất khác, cách làng cũ cả trăm cây số. Ở Vĩnh Thạnh, cậu được cho cái ăn, cái mặc tử tế rồi tham gia phong trào cách mạng của vùng. Tuy nhỏ người nhưng Minh rất lanh lợi. Cậu thoăn thoắt như con sóc trên rừng, băng đèo vượt suối hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao. Những năm tháng oanh liệt ấy của Minh đã được ghi dấu bằng huy chương Kháng chiến hạng nhì do Chủ tịch nước trao tặng.

Năm 1976, Minh được đi học văn hóa ở trường Nội trú tỉnh tại huyện Tây Sơn. Lúc này, chàng thanh niên Đinh Văn Minh trở thành tâm điểm chú ý của nhiều cô gái trong trường nhờ tài ăn nói, múa hát và những chiến công khi còn tham gia cách mạng.

Chuyện sẽ không có gì oái oăm nếu hai chị em Đinh Thị Mân và Đinh Văn Minh không “nhìn thấy nhau” ở trường Nội trú tỉnh. Họ gặp mặt trong một cuộc chơi trớ trêu của số phận. Cả hai đều không ngờ rằng, mỗi giọt máu đang chảy trong người họ lại có cùng một nguồn gốc. Điều kỳ lạ là cô thiếu nữ Đinh Thị Mân không đẹp, không trẻ trung như những người khác nhưng với Minh, cô lại có một sức hút lạ kỳ.

Tôi mà bỏ bà ấy rồi đi lấy người khác cũng được thôi, nhưng con gái tôi mới ba tháng rồi sẽ ra sao. Còn bà ấy, liệu có lấy được người thương mình và cả con mình không?

Ông Đinh Văn Minh

Ông Minh tâm sự: “Hồi đó, thấy cô Mân hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ từ tốn nên tui ưng cái bụng lắm. Càng để ý, càng thương cái dáng đi đứng có duyên…”. Bà Mân cũng còn nguyên nét thẹn thùng khi nghe hỏi chuyện nhận lời ông: “Tui cũng không biết sao lại yêu ông ấy. Cũng có nhiều đám đến dạm hỏi nhưng tui không đồng ý. Thấy ổng đàng hoàng, chững chạc nên tui ưng”.

Họ yêu nhau được hơn ba mùa rẫy thì về ở với nhau tại chính quê hương của cả hai người. Họ ngày ngày cặm cụi làm ăn, chắt mót cho cuộc sống.

Năm 1982, bà Mân sinh hạ cô con gái đầu lòng. Một bà bác tới chơi, tình cờ hỏi thăm về gia đình, gốc gác của ông Minh. Ông không nhớ tên cha mẹ mà chỉ kể được một gia đình ở Vĩnh Thạnh cưu mang ra sao. Thấy lạ, lại càng nhìn hai vợ chồng càng thấy giống nhau, bà bác này đã cất công dò tìm cho rõ nguồn gốc của đứa cháu rể. Rồi cái ngày trớ trêu ấy cũng đến. Ông bà chết lặng khi biết sự thật. “Tôi đau đớn lắm. Cứ như sét đánh bên tai. Lòng nặng như mang một khối đá. Khi ấy, người ở xã, ở thôn rồi hội phụ nữ cũng tới vận động chúng tôi nên chia tay, sống cách ly”, ông Minh nhớ lại.

Chuyện không chỉ dừng ở đó vì người làng cũng hoảng sợ. Nhiều người đã chuyển đi nơi khác ở vì sợ chuyện nhà ông Minh là điềm gở cho cả làng. Một thời gian dài, ông bà phải vật lộn, chống chọi với những lựa chọn cho hiện tại và tương lai. Ông xót xa: “Tôi mà bỏ bà ấy rồi đi lấy người khác cũng được thôi, nhưng con gái tôi mới ba tháng rồi sẽ ra sao. Còn bà ấy, liệu có lấy được người thương mình và cả con mình không?”. Nghĩ vậy, ông chấp nhận mức án hai năm tù (do vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình) rồi trở về cùng sinh sống, làm ăn nuôi con với bà.

31 mùa rẫy là 31 mùa bếp lửa nhà ông Minh đỏ lửa. Cuộc hôn nhân trớ trêu, sự oan nghiệt của số phận không làm họ mất đi những hạnh phúc đời thường. Cặp vợ chồng chị em ấy đã có với nhau 2 mặt con. Thế hệ kế tiếp họ may thay không bị dị tật do trùng huyết. Đến nay, những đứa con ấy cũng đã có gia đình riêng, lại sinh cho ông bà những đứa cháu khỏe mạnh. Ông Minh thổ lộ: “Nếu biết là chị em, chúng tôi sẽ không đời nào lấy nhau thế này. Nhưng số phận đã khiến xui vậy, phải sống thế nào để còn giữ được cái tình người với nhau…”.

Trần Thị Duyên

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.