Hiệp sĩ giao thông

23/03/2012 03:47 GMT+7

Hơn nửa đời người gắn bó với “chiếc cần câu cơm” là nghề vá xe đêm trên phố, không quản ngại trời mưa hay nắng, hằng ngày bà Nguyễn Thị Giới vẫn tranh thủ làm thêm “nghề gác đèn” tín hiệu giao thông.

Hơn nửa đời người gắn bó với “chiếc cần câu cơm” là nghề vá xe đêm trên phố, không quản ngại trời mưa hay nắng, hằng ngày bà Nguyễn Thị Giới vẫn tranh thủ làm thêm “nghề gác đèn” tín hiệu giao thông. 


Tấm bạt che mưa nắng cũng là chỗ ở tạm của bà Giới bao năm nay bên trụ đèn giao thông - Ảnh: Cao Hồng Sĩ

Chúng tôi gặp “hiệp sĩ” tại góc đường Lê Quang Định - Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), địa điểm hành nghề 36 năm nay của bà khi trời đã khuya cũng là lúc đến giờ cao điểm làm việc của người phụ nữ nhỏ bé này. Bà cho hay ban ngày ngồi cho có thôi chứ ít khách lắm, đa phần người ta chỉ ghé vào bơm bánh xe rồi đi. Còn những ai chẳng may bị thủng săm, họ thích tới các tiệm lớn hơn cho nhanh chứ già cả thế này thì... Giọng bỗng dưng trầm buồn, bà tiếp: “Đôi lúc, người ta cũng cần vá lắm nhưng thấy tôi lụm cụm, họ ái ngại nên dắt xe đi luôn. Chỉ có khuya thì các tiệm khác đóng cửa, tôi trở thành “hàng độc” thì người ta mới vào, nhờ vậy mà sống được”.

Là lựa chọn bất đắc dĩ của khách, bà không vui vẻ gì nhưng mải lo bươn chải với bài toán mưu sinh, bà đâu còn thời gian để… tâm trạng. Dù đời người có dài dằng dặc như đêm đông thì bà cũng chỉ tóm gọn cho chúng tôi trong một cụm từ ngắn ngủn: “Khổ hết cả một đời rồi chú ơi”. Mà thiệt vậy. Ngay khi còn nhỏ dại, cha mẹ đã bỏ nhau, bà cùng các anh chị bơ vơ như gà con lạc mẹ. Để có miếng cơm bỏ vào bụng, mỗi người phải tha phương một nơi. Bà đi ở cho một nhà địa chủ. Mấy năm ăn đói mặc rách quá, bà làm một lèo lên Sài Gòn rồi nên vợ nên chồng với một người đàn ông miền Trung. Chưa trọn hết nghĩa phu thê, bà lại phải khăn gói ra đi để lại đứa con gái đến bây giờ vẫn chưa có dịp gặp lại. Người chồng sau, hạnh phúc hơn với con đàn cháu đống, nhưng cái khổ vẫn đeo đẳng. Nằm ốm nặng liệt giường 10 năm sau ông mất, đến lượt con cái cũng đổ bệnh. Hai lần bà phải bán nhà để chạy lo thuốc thang, đến khi trắng tay thì “hiệp sĩ giao thông” dọn hẳn ra đường để ở.

Hơn nửa đời dãi dầu sương gió tại góc đường này, dường như mọi nỗi truân chuyên đều đi qua cuộc đời bà. Chúng kéo hết niềm vui của bà đi vào quá khứ, chỉ để lại những nếp nhăn nheo “làm khổ” khuôn mặt già nua. Cả kiếp người lận đận, đôi mắt bà dường như sâu hơn, ánh nhìn cũng chất chứa bao nỗi niềm không thể tỏ bày. Niềm vui duy nhất bây giờ để bà thể hiện sự gắn bó của mình với thành phố mang tên Bác là giúp các anh cảnh sát điều tiết giao thông vào giờ cao điểm. Nhiều năm qua, ngã tư Lê Quang Định - Nguyễn Văn Đậu luôn là một điểm nóng về tình trạng kẹt xe, nhất là những khi vắng bóng cảnh sát, việc ùn tắc diễn ra càng trầm trọng. Bà nhớ lại lần đầu “trổ tài”: “Tôi ngồi bên góc đường, cứ chiều nào thấy kẹt cũng… ngán, nhìn người lưu thông không ai chịu nhường ai đến nỗi rối lùng bùng như mắc cửi, bực mình. Thế là ra tay...”.

Anh Tô Tử, chạy xe ôm ở góc đường Lê Quang Định - Nguyễn Văn Đậu, kể: “Bà già Giới vất vả lắm. Mới sáng sớm tôi đã thấy bà thức dậy lo đủ thứ việc. Ngồi vá xe cho khách kiếm sống chứ con cái có đứa nào lo cho đâu. Vậy mà lúc kẹt xe là “nhảy” ra đường cầm gậy điều khiển giao thông. Nhiều hôm cũng la hét về rồi than rát cổ họng nói không ra hơi đấy chứ sướng gì. Nhìn thấy bà già ai cũng thương, nếu không có niềm đam mê thì…”.

Trước khi viết bài này, chúng tôi đã nhiều lần đến thăm bà Giới và chứng kiến việc làm của bà. Mỗi lúc tan tầm, bà Giới lại chui ra khỏi căn “lều bạt” của mình, len lỏi giữa dòng người đông đúc để làm dấu hiệu cho người đi đường. Lúc đầu, người ta thấy bà lạ mặt, làm cái chuyện “vác tù và hàng tổng” nên xì xào nhỏ to. Mặc kệ, bà vẫn kiên trì thực hiện điều… bực mình. Từ đó, bà Giới trở thành gương mặt nữ quen thuộc đối với ai đi ngang khu vực này. Nhìn bà toát mồ hôi hò hét, vẫy tay ra hiệu chuyên nghiệp như một CSGT thứ thiệt, ai cũng tấm tắc khen ngợi: “bà già giao thông” đấy.

Bây giờ, người ta kể nhiều về người phụ nữ này với danh hiệu được công nhận: “Hiệp sĩ giao thông” của Đài tiếng nói Việt Nam. Bà cười đôn hậu: “Nghe ngại lắm, mình là dân thường, giúp đỡ các anh cảnh sát làm nhiệm vụ là bổn phận và trách nhiệm chứ “hiệp sĩ” gì to tát. Với lại, làm giảm kẹt xe để các phụ huynh được về nhà sớm hơn với con cái là tôi thấy vui lắm rồi”. Vừa rồi, sau khi nhận giải của Đài tiếng nói Việt Nam, bà Giới được nhận thêm bộ đồng phục để mặc lúc điều khiển giao thông nhưng bà ngại quá, cứ cất giữ kỹ để làm kỷ niệm.

Tay đã bắt đầu run, sức khỏe giảm nhiều. “Thời gian có chờ ai đâu”… Bà nghĩ vậy nên đang chuẩn bị cho việc chuyển đổi nghề sang bán vé số hoặc sắm sửa một tủ bán thuốc lá để có thời gian gác đèn giao thông nhiều hơn. Vâng! Tự kiếm tiền nuôi mình để không trở thành gánh nặng cho con cháu và tranh thủ làm người tốt để giúp đời luôn là phương châm sống của hiệp sĩ cao niên này.


Niềm vui của bà Nguyễn Thị Giới với danh hiệu “Hiệp sĩ giao thông” - Ảnh: Cao Hồng Sĩ

Lê Công Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.