Golconda - Cố đô không lụi tàn

06/01/2013 03:10 GMT+7

Ấn Độ với tôi luôn là đất nước kỳ lạ và ẩn giấu bao điều huyền bí. Tôi bắt đầu hành trình khám phá đất nước Nam Á rộng lớn và đang phát triển mạnh mẽ với điểm dừng chân đầu tiên là thành phố Hyderabad - thủ phủ của bang Andhra Pradesh.

Đây là lần đầu tiên tôi có dịp đến Ấn Độ nhân chương trình giao lưu thanh niên ASEAN - Ấn Độ. Khi đoàn chúng tôi đặt chân tới sân bay quốc tế Hyderabad, trời đã nhá nhem tối. Thành phố về đêm với những ngôi nhà, cửa hàng lớn nhỏ ven đường, những dòng xe máy và  ô tô qua lại tấp nập trên đường phố khiến chúng tôi có cảm giác Hyderabad không khác là mấy so với những thành phố lớn tại Việt Nam. 

Thành phố ngọc trai

Không còn những ánh điện lung linh, Hyderabad hiện rõ và có phần “trần trụi” hơn dưới ánh nắng chói chang của mùa đông. Những tòa nhà cao tầng hiện đại đang được xây dựng khắp nơi, ngay bên cạnh là những khu nhà ổ chuột nhếch nhác. Chúng tôi không còn thấy lạ với hình ảnh này khi có dịp tới thành phố Kolkata và thủ đô New Delhi sau đó. Ở đây, chẳng hiếm cảnh những người vô gia cư sống vạ vật ở bãi rác, những người ăn xin đập từng cửa kính ô tô xin tiền ở mỗi ngã tư. Đối lập với đó là hình ảnh đám cưới xa hoa mà chúng tôi vô tình đi ngang qua. Tòa nhà lớn được trang hoàng lộng lẫy, những cỗ xe ngựa xếp dài phía trước, những người đàn ông, phụ nữ khoác trên mình những  bộ saree hay dhoti kurta sang trọng và quý phái, khiến người ta liên tưởng nơi đây giống như cung điện đang diễn ra buổi tiệc dành cho giới quý tộc. Sự phân chia giai cấp giàu - nghèo tại Ấn Độ rất rõ rệt.

 Golconda - Cố đô không lụi tàn1
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự chương trình giao lưu ASEAN -  Ấn Độ trước pháo đài Golconda, Hyderabad - Ảnh: Tác giả cung cấp

Hyderabad có tuổi đời chưa đến 500 năm, tức là còn khá trẻ so với những thành phố khác của Ấn Độ. Thành phố được vị vua thứ năm của triều đại Qutb Shahi của Vương quốc Golconda là Muhammad Quili Qutb Shah xây dựng vào năm 1591. Xưa kia, Golconda là vương quốc giàu có, nổi tiếng về giao thương kim cương và đá quý. Người ta đã tìm thấy những mỏ kim cương lớn và gần như là duy nhất trên thế giới thời bấy giờ tại Golconda. Còn hiện nay, Hyderabad được biết đến với tên gọi “Thành phố ngọc trai”. Nơi đây trở thành trung tâm buôn bán ngọc trai lớn của thế giới. Có dịp ghé qua Krishna Pearls - một cửa hàng bán đồ trang sức ngọc trai lớn của Hyderabad, thôi thì đủ các kiểu dáng, màu sắc và giá tiền, từ vài trăm rupee (vài chục nghìn đồng) đến hàng chục nghìn rupee (hàng chục triệu đồng). Thật ngạc nhiên khi nhân viên cửa hàng cho biết, tuy được mệnh danh là thành phố ngọc trai, nhưng Hyderabad lại không có nguồn cung cấp, nguyên liệu thô được nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới. Sau đó, các nghệ nhân mới chế tác những sản phẩm tinh xảo với những họa tiết mang dấu ấn nghệ thuật bản địa. Người Hyderabad thật biết cách tận dụng danh tiếng xưa kia để tạo dựng thương hiệu với thế giới ngày nay.

Người Hyderabad không chỉ biết duy trì truyền thống (như nghề chế tác trang sức) mà còn đang mở cánh cửa hội nhập với thế giới. Hyderabad hiện là một trong những thành phố phát triển sôi động nhất của Ấn Độ với ngành công nghệ thông tin, dược phẩm và sinh học.

 Golconda - Cố đô không lụi tàn2
Dấu tích nền cung điện xưa - Ảnh: Minh Ngọc

Hyderabad có Genome Valley - khu vực kinh doanh công nghệ cao và sinh học dược, HITEC City - thành phố công nghệ, nơi tập trung tới 1.300 hãng công nghệ thông tin lớn, nhỏ trên khắp thế giới… Tới thăm The Indian School of Business, chúng tôi hiểu được cách người Ấn đã đào tạo ra những “bộ não” kinh tế hàng đầu thế giới và của những nền kinh tế đang phát triển. Genome Valley, HITEC City hay The Indian School of Business không chỉ là cánh cửa vươn ra thế giới của Hyderabad mà còn là những thứ khiến người ta phải nghiêng mình trước người Ấn.

Điều thần kỳ từ pháo đài cổ

Cuộc hành trình đưa chúng tôi trở về với lịch sử, của Vương quốc Golconda và triều đại đã tạo nên một Hyderabad. Một trong những chứng tích cho thấy sự tồn tại và phát triển thịnh vượng của vương quốc này là pháo đài Golconda, cách Hyderabad 11 km về phía tây. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt bạn khi đứng trước pháo đài là những bức tường thành cao sừng sững được tạo bởi những tảng đá vuông to xếp chồng lên nhau một cách khéo léo. Câu hỏi hiện ra ngay lập tức trong đầu mỗi người: Làm sao các tảng đá lớn lại có thể gắn với nhau chắc chắn như vậy? Lời giải thích của anh hướng dẫn viên người Ấn Độ khiến chúng tôi không giấu nổi sự khâm phục trước tài năng của người xưa. Vật liệu để kết dính những tảng đá kềnh càng được làm từ lòng trắng trứng và sữa. Pháo đài Golconda bắt đầu được xây dựng từ năm 1143, đầu tiên bằng đất bùn. Từ năm 1507, trong suốt 62 năm, ba vị vua của triều đại Qutb Shahi đã cho xây dựng pháo đài bằng đá. Hàng nghìn nô lệ khỏe mạnh từ châu Phi được đưa đến đây. Họ phải vác từng tảng đá lớn xếp chồng lên nhau. Pháo đài được xây dựng trên ngọn đồi cao 120 m, với chu vi 5 km, gồm 4 pháo đài nhỏ, 11 km tường bao quanh Không biết bao nhiêu mồ hôi và máu của người nô lệ đã đổ xuống nơi này.

 Golconda - Cố đô không lụi tàn 3
Những bức tường đá được bảo tồn nguyên trạng - Ảnh: Minh Ngọc

Công trình là minh chứng cho thấy sự thông minh của người Ấn. Bất cứ tiếng động nhỏ phát ra tại khu vực cổng thành đều có thể được ghi nhận tại tòa nhà cao nhất của pháo đài là Bala Hissar, cách đó tới tận 1 km. Quân lính trong pháo đài có thể dễ dàng phát hiện được tiếng bước chân của kẻ thù, hay voi chiến khi bước qua cổng thành. Việc bảo vệ là rất quan trọng, bởi xưa kia, trong pháo đài Golconda, các thương nhân từ khắp nơi đến đây để buôn bán kim cương và đá quý. Chức năng dội âm thanh này có được từ thiết kế độc đáo của mái vòm tại cổng thành. Hiện tại, ngoài cổng chính pháo đài, tường thành và một số công trình, hầu hết chỉ còn lại những dấu tích. Nhưng những gì còn lại của pháo đài được bảo tồn nguyên trạng, từ những mái vòm, cột trụ, đến nền cung điện xưa… Sau hàng trăm năm, cố đô hay pháo đài cổ này vẫn quyến rũ bởi chính những câu chuyện lịch sử được làm sống lại, bởi cách quy hoạch, quản lý di sản và còn bởi lòng tôn trọng, yêu quý di sản của người dân Ấn Độ. Vì thế Golconda không phải là cố đô bị lụi tàn.

Dù lịch sử có thăng trầm nhưng không điều gì làm người Ấn lùi bước. Thành phố Hyderabad giống như chàng trai căng tràn sức sống và đang vươn mình lớn dậy. Tôi nhớ buổi tới thăm The Indian School of Business, một thành viên trong đoàn tỏ ra ngạc nhiên khi ngôi trường thành lập chưa đến hai mươi năm đã nằm trong số 20 trường danh tiếng của thế giới thì nhận được câu đáp lại: “Đừng ngạc nhiên về Ấn Độ, bạn sẽ còn chứng kiến nhiều điều thần kỳ hơn thế”.

Minh Ngọc

>> Bhutan - vương quốc kì bí
>> Thỉnh "kinh" Tây Trúc
>> Tuyển đại biểu thanh niên ASEAN - Ấn Độ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.