Ghi chép ở một làng nghề - Bao giờ trở lại ngày xưa

12/11/2008 15:40 GMT+7

Nỗi niềm Làng nghề Cồn Phụng dịp du lịch vào mùa nhưng không khí ở đây lại yên ắng, thật khác với chính nó của 4 - 5 năm trước. Sự yên ắng, đìu hiu khiến chúng tôi có cảm giác đây là một làng quê bình thường chứ không phải là làng nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN) nổi tiếng nhộn nhịp một thời của Cồn Phụng.

Cơ sở Chín Hiếu, chuyên kinh doanh và chế biến các sản phẩm TCMN từ dừa, có thâm niên hơn 13 năm bám nghề đang hoạt động cầm chừng. Thấy có khách vào ông chủ đon đả mời chọn hàng, khi biết chúng tôi đến với mục đích tìm hiểu về nghề thì anh Chín Hiếu có vẻ như gặp được người đồng cảm để sẻ chia.

Anh kể: Mấy năm trở lại đây có ít tỉnh đặt các hợp đồng lớn, du khách đến thăm cơ sở và mua hàng tại các điểm bán cũng ngày một thưa thớt hơn. “Cái thời vàng son của những sản phẩm TCMN từ dừa hình như đã qua rồi”, anh Hiếu nói giọng buồn buồn.

Chị Phương, chủ cơ sở Hoàng Phương, một cơ sở chuyên chế biến đũa, muỗng từ thân dừa phân phối cho các tỉnh Đồng Nai, Vũng Tàu và TPHCM, nói: “Giá nguyên vật liệu không ngừng leo thang, yêu cầu chất lượng của khách hàng ngày càng khó nên giá sản phẩm bán ra phải tăng, mà tăng thì họ (khách hàng) không lấy hàng nữa, chẳng còn cách nào khác chúng tôi phải cắt giảm lương của công nhân để duy trì sản xuất, để mà trụ với nghề. Cái thời mà người ta đổ xô về đây đặt hàng TCMN làm từ dừa ba bốn năm về trước đã hết rồi”.

Làng nghề TCMN Cồn Phụng hiện nay chỉ còn trên dưới 12 cơ sở sản xuất các sản phẩm trang trí từ dừa. Cơ sở lớn nhất hiện nay như Minh Quang cũng chỉ có khoảng chừng 20 nhân công, ít như Thành Chiến thì chỉ có 6.

Những tưởng giảm số công nhân để lương người còn lại tăng hơn, nhưng không, do sản phẩm không tìm được đầu ra nên thu nhập của công nhân cũng giảm từ 1 - 1,2 triệu/tháng còn 800.000 đồng/tháng. Không có hợp đồng đặt hàng dài hạn thì những người thợ phải chuyển sang làm thuê, bởi phần đông họ là người không có ruộng đất.

Anh Nguyễn Đức Vinh - công nhân của cơ sở Minh Quang - người đầy bụi dừa khô đi ra từ xưởng sản xuất nhấp vội miếng nước rồi nói chuyện với tôi: “Công nhân như tụi tôi hiện với mức thu 800.000 đồng/tháng thật khó để trang trải cho cuộc sống gia đình với hai đứa con nhỏ đang ăn học”.

Chúng tôi đi lang thang qua nhiều cơ sở vắng hiu hắt với những nhà xưởng bụi bám đầy trên các cỗ máy nằm lặng lẽ dưới những tán lá dừa bay xao xác theo gió chiều. Không khí ồn ào sôi động của một làng nghề ngày xưa ở Cồn Phụng đã không còn nữa.

Cần lắm một bàn tay

Để làm ra một sản phẩm bằng thân dừa như chiếc xe đạp mô hình, chiếc ấm chè, cái muỗng, đôi đũa, sợi dây nịt hay các sản phẩm trang trí khác từ dừa đều phải trải qua rất nhiều công đoạn.

Công việc đòi hỏi sự tinh mắt của người chọn nguyên liệu để thực hiện sản phẩm, người kế tiếp sẽ “soi” thật kỹ để tỉ mỉ gọt giũa những mẩu gỗ nhỏ xíu dư ra nơi vết dán để gọt giũa cho mịn màng và cuối cùng đòi hỏi sự đều tay của người phủ sơn bóng… Để sản phẩm TCMN đạt độ tinh xảo, mẫu mã đẹp và giữ bóng lâu đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn, tâm huyết và niềm đam mê sáng tạo của những người thợ.

 
 Sản phẩm làm từ dừa

Công bỏ ra thì nhiều nhưng giá bán của sản phẩm lại chẳng đáng bao nhiêu. Hiện giá một sản phẩm TCMN được làm từ dừa xuất xưởng chỉ khoảng 5.000 - 30.000 đồng/sản phẩm tùy theo kích cỡ lớn nhỏ và kỹ thuật khó hay dễ, thật rất khó để chủ những cơ sở như Minh Quang, Chín Hiếu, Hoàng Phương, Thành Chiến… ở làng nghề Cồn Phụng duy trì được sự hoạt động nếu không có sự hỗ trợ từ các ban ngành địa phương của tỉnh nhà.

Chủ cơ sở Minh Quang tâm sự: “Thấy thu nhập của anh em công nhân trong cơ sở ngày càng thấp đi tôi cũng xót, nhưng lực bất tòng tâm anh ạ! Hợp đồng đặt hàng thì ngày càng khan hiếm, giá nguyên vật liệu thì mỗi ngày một tăng, tôi tăng lương cho công nhân thì lấy vốn đâu để mà tái sản xuất…”.

Trước khó khăn của nghề, chủ và thợ của làng nghề Cồn Phụng đã cùng nhau đi khắp nơi để tìm kiếm thị trường và tiếp thị sản phẩm. Họ hy vọng sẽ tìm được đường ra cho các sản phẩm TCMN làm từ dừa.

Thấu hiểu sự khó khăn của các làng nghề, nhất là làng nghề Cồn Phụng, Sở Thương mại tỉnh Bến Tre đã mở nhiều cuộc hội thảo để bàn hướng tháo gỡ khó khăn. Sau mỗi cuộc hội thảo, mọi người đều phấn chấn và chờ đợi một khởi sắc mới cho nghề, cho cuộc sống riêng mình. Hàng chục cuộc hội thảo đã qua, vấn đề mọi người chờ đợi là tìm đầu ra cho sản phẩm quê hường xứ dừa và ổn định đời sống công nhân, đến nay vẫn chỉ là chờ đợi.

Hầu hết những cơ sở sản xuất hàng TCMN từ dừa đến nay vẫn còn hoạt động cầm chừng ở Cồn Phụng đến nay là do chủ cơ sở và các công nhân quá yêu nghề, yêu quê mình nên quyết tâm bám trụ.

Em Ngọc Vi, 19 tuổi, công nhân mới của cơ sở Hoàng Phương tâm sự: “Ước mơ từ nhỏ của em là được học Đại học Mỹ thuật, nhưng gia đình khó khăn nên định vào làm ở đây để tìm tiền thi đại học lại, nhưng làm được một thời gian em thật sự bị những hoa văn tuyệt đẹp của các sản phẩm TCMN được làm từ dừa “hút hồn” và bây giờ em quyết tâm theo đuổi nghề này đến cùng”.

Vi nói với tôi cho dù có điều kiện học Đại học Mỹ thuật thì đó sẽ là cơ hội để cô phát triển tốt hơn sản phẩm và nghề truyền thống của xứ dừa này phát triển hơn nữa.

Những người thợ bám trụ với nghề hàng chục năm qua như anh Minh Cường, công nhân của cơ sở Minh Quang cứ nhìn vào khu nhà xưởng vắng vẻ đập đập chiếc mũ đầy bụi dừa nói: “Tôi thích công việc này lắm vì từ nhỏ tôi đã thích học thủ công nên vào đây làm tôi có điều kiện thực hiện đam mê và phát huy được sở trường của mình. Nhưng cứ sản xuất cầm chừng như thế này cuộc sống chúng tôi thật sự khó khăn, nhưng anh em chúng tôi đã đồng lòng rồi quyết bám trụ để tìm hướng đi cho nghề của quê hương mình”.

Để giúp các làng nghề truyền thống không chỉ thoát khỏi những khó khăn mà còn tạo điều kiện cho các sản phẩm truyền thống Việt Nam đi xa hơn, họ đang rất cần những bàn tay nâng đỡ và sự hỗ trợ của chính quyền và cơ quan chức năng.

Anh Minh Quang, chủ cơ sở Minh Quang thì vẫn đau đáu một ước mơ – Áp dụng công nghệ sơn mài của Trung Quốc để tạo nên những bức tranh sơn mài thật lớn, tính nghệ thuật cao từ những mẩu vụn nhỏ đầy màu sắc của gáo dừa hay gỗ dừa ghép làm nên.

Chung quanh nhà, anh Quang trữ rất nhiều những mẩu gáo dừa nhuộm đầy màu sắc với đủ hình dạng, kích cỡ… Anh đã chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm mới và những bước đi mới cho các cây dừa.

Nhưng ý tưởng và dự định đó của anh tới giờ vẫn chưa thực hiện mà còn nằm “vạ vật” trong góc vườn nhà, bởi như anh nói: “Bây giờ phải làm để tồn tại còn khó nói gì đến việc bỏ thời gian ra nghiên cứu những sản phẩm mới. Nhưng tôi sẽ quyết sẽ thực hiện bằng được ước mơ của mình, đó là đưa sản phẩm cao cấp làm từ dừa xuất khẩu ra các nước trên thế giới”.

Theo Anh Tú/Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.