Cụ bà 71 tuổi đi học về đồng tính

01/02/2015 09:00 GMT+7

Cụ Thi 71 tuổi, vừa lặn lội từ Sóc Sơn (Hà Nội) vào TP.HCM để tham gia lễ ra mắt Hội Phụ huynh và người thân của người đồng tính, song tính và chuyển giới (PFLAG) mà cụ góp công gầy dựng.

Cụ Thi 71 tuổi, vừa lặn lội từ Sóc Sơn (Hà Nội) vào TP.HCM để tham gia lễ ra mắt Hội Phụ huynh và người thân của người đồng tính, song tính và chuyển giới (PFLAG) mà cụ góp công gầy dựng.

 Cùng đứa con trai cụ nuôi một mình từ lúc 4 ngày tuổi - Ảnh: Chương Đặng Cùng đứa con trai cụ nuôi một mình từ lúc 4 ngày tuổi - Ảnh: Chương Đặng
Mạnh hơn lời nói

Có vẻ không hợp lý cho lắm khi dùng từ quyến rũ để nói về một cụ già U.80, nhất là khi cụ già đó quê mùa đúng bản chất với áo cánh, tóc vấn, nói năng chất phác... Nhưng khi cụ già ấy lên tiếng, mọi người phải vỗ tay mạnh mẽ. Sự tự tin đến hồn nhiên của cụ - dẫu là khi đang cầm micro nói trước hàng trăm khán giả - hẳn khiến lắm người trong giới showbiz cũng phải mơ ước. Cụ quyến rũ đến lạ thường! Cũng chính sự hồn nhiên, chất phác, những lời nói chân thành không tí khiên cưỡng, đã làm lay động lòng người. Lay động vì tấm lòng của một người mẹ - một người mẹ có con đồng tính. Mà cũng không cần cụ phải nói gì. Chỉ riêng sự hiện diện của cụ thôi - một cụ già nhà quê 71 tuổi tại một diễn đàn ở thành phố dành cho những người cha, người mẹ của những đứa con LGBT - đã mạnh hơn tất cả mọi lời nói.
Suy cho cùng, trời đã sinh nó ra như thế, không chấp nhận thì còn cách nào khác? Hàng xóm lắm lúc cũng dị nghị, bảo nó là pê đê, là ái nam ái nữ. Tôi mặc kệ họ. Con mình sống tử tế là quan trọng
 
Có bao nhiêu ông bố, bà mẹ đang tìm mọi cách che giấu “sự nhục nhã” về đứa con “bệnh hoạn” của mình? Có bao nhiêu ông bố bà mẹ ngày đêm dằn vặt bản thân, dằn vặt luôn đứa con yêu thương của mình? Có bao nhiêu ông bố bà mẹ chưa một lần dám vượt qua cái tôi của bản thân mà mở lòng nghe con nói? Còn cụ Thi lên sân khấu cầm micro nói trước hàng trăm người về đề tài đồng tính, về cộng đồng này trong đó có con của cụ. Không có một tí kể lể nào về hành trình đau khổ. Không có giọt nước mắt nào tuôn ra. Những lời nói của cụ thậm chí còn làm khán phòng ôm bụng cười và đôi khi ngẫu hứng cụ còn hát dân ca quan họ Bắc Ninh. Còn sự can đảm nào hơn?

“Vậy là nó thừa nhận”

“Nó tên Lê Xuân Tư, năm nay 31 tuổi, là con thứ tư, cũng là con út của tôi. Tôi đẻ nó 4 ngày thì bố nó mất”, cụ Thi kể khi được hỏi về vai trò người bố. Một mình nuôi 4 đứa con dại giữa bao khó khăn, túng thiếu, cụ dạy con tự lập từ nhỏ. Nhìn con lớn lên với vẻ bề ngoài hoàn toàn nam tính, cuộc sống bình thường, cụ không một tí mảy may suy nghĩ về giới tính của con. Mà một phụ nữ nhà quê như cụ có biết gì đến sự tồn tại của giới tính thứ 3 để mà suy nghĩ? Trời chỉ sập cái rầm khi cậu con trai lớn cảnh báo: “Mẹ bắt nó lấy vợ đi chứ nó đồng tính đấy”. Cụ Thi nhớ lại: “Lúc ấy tôi chả biết đồng tính là gì và tôi bắt đầu tăng cường thúc ép nó lấy vợ. Còn nó vẫn cứ như trước đây: luôn lảng tránh, bảo rằng đấy là việc riêng của con”. Cho đến cách đây 3 năm, trong một đêm Tư về nhà rất khuya, còn người mẹ thao thức chờ cửa. Thấy con về, cụ đã lấy một bài thơ về lòng mẹ ra mà khuyên con, nhưng đọc được 6 câu thì nghẹn ngào. “Lúc đấy nó ôm tôi nó khóc. Nó bảo nó bất hiếu nhưng không thể sống khác với bản thân, không thể làm theo ý mẹ. Vậy là nó thừa nhận”, cụ Thi nhớ lại.
Đó cũng là lần duy nhất, anh Tư thấy mẹ khóc vì giới tính của mình.
“Người mẹ nào chẳng thương con, chẳng muốn cuộc sống con thật thuận lợi. Tôi cũng lo lắm, bây giờ nó trẻ trung thì còn dễ nhưng đến lúc già không con không cái thì biết trông cậy vào ai? Nếu được muốn, tôi cũng muốn con tôi như tất cả những người đàn ông khác: lấy vợ, đẻ con, sống hạnh phúc. Càng nghĩ, tôi càng thương con...”. Nhưng rồi câu nói của một đứa cháu làm cụ thức tỉnh: “Bà ép nó vừa thôi, nó mà đi mất thì bà mất con”. Rồi cụ chia sẻ tiếp: “Suy cho cùng, trời đã sinh nó ra như thế, không chấp nhận thì còn cách nào khác? Hàng xóm lắm lúc cũng dị nghị, bảo nó là pê đê, là ái nam ái nữ. Tôi mặc kệ họ. Con mình sống tử tế là quan trọng”.
Cụ Thi (bìa phải) “khí thế” tham gia trò chơi cùng các phụ huynh có con đồng tính, song tính và chuyển giới - Ảnh: ICS cung cấp
Nối dài hành trình

Lời thừa nhận của người con cũng là lúc mở ra một hành trình mới cho người mẹ. Một cụ già lạc hậu sẽ không biết đến web mà “lướt” để tìm hiểu thông tin về LGBT. Một miền quê nghèo khó sẽ không có hội này, tổ chức nọ để chia sẻ. Điều đầu tiên cụ Thi làm là mở lòng ra nghe con mình nói. Anh Tư kể: “Chính tôi cũng học những kiến thức về người đồng tính rồi về chia sẻ lại với mẹ, đưa tài liệu cho mẹ đọc, cho mẹ xem các clip trên mạng, kể những câu chuyện thực mà mình biết về cộng đồng LGBT... Mẹ lúc nào cũng cởi mở lắng nghe và tìm hiểu”. Rồi theo lời “dụ dỗ” của anh Tư, năm 2014, cụ lặn lội ra Hà Nội để gặp các phụ huynh có con LGBT (tiền thân của tổ chức PFLAG vừa chính thức ra mắt).

Hẳn là không dễ để một cụ già quê lặn lội lên thành phố với tư tưởng đi học hỏi, lại về một đề tài “nhạy cảm” như đồng tính. Nhưng tình yêu của một người mẹ có thể làm tất cả! Trong khi anh Tư bảo muốn mẹ được đồng cảm, được nhẹ lòng sau khi biết cũng có nhiều phụ huynh khác giống mình, nhiều đứa con khác giống con mình, thì bản thân cụ Thi đi với mục đích mong hiểu con, từ đó học cách xóa bỏ sự kỳ thị xã hội với con, với cộng đồng LGBT. “Tôi quê mùa, dốt nát, chậm chạp, những tài liệu thằng Tư đưa về tôi cũng chưa hiểu hết được, những gì nó nói cũng không đủ. Tôi phải học hỏi thêm để thông cảm thêm với con. Đến bây giờ, những gì tôi biết vẫn là quá ít...”, cụ trầm ngâm.
Hồn nhiên hát dân ca quan họ Bắc Ninh tặng khán giả
Đến đầu năm 2015, cụ Thi lại bay vào TP.HCM, bắt xe xuống Vũng Tàu để tham gia hội thảo của PFLAG, nơi cụ được tập huấn khá bài bản các kiến thức về LGBT; nơi cụ góp phần xây dựng chiến lược, tổ chức hoạt động của PFLAG... Rồi cụ trở về Sóc Sơn, sửa sang lại nhà, mong có chỗ tổ chức những buổi họp đầu tiên cho phụ huynh cùng cảnh ngộ ở cộng đồng mình. Tất bật và tất bật, hành trình của cụ vẫn đang ở phía trước...    

“Theo kinh nghiệm của tôi, có 2 típ phụ huynh nhanh chóng rút ngắn đau khổ để chấp nhận con LGBT. Một là phụ huynh rất am hiểu về LGBT. Hai là phụ huynh có tình yêu quá lớn với con, sẵn sàng chấp nhận dù con mình là ai. Mẹ Thi thuộc típ thứ hai, chấp nhận con khi còn chưa hiểu về đồng tính”
Đinh Thị Yến Ly,
một trong những sáng lập viên chủ chốt của PFLAG

“Tôi may mắn có một người mẹ luôn mở lòng lắng nghe. Nhưng tôi vẫn mong muốn mẹ chấp nhận tôi đồng tính một cách tự nhiên như chấp nhận những đứa con khác chứ không phải ở hoàn cảnh buộc phải chấp nhận. Tôi mong trong tận sâu thẳm trái tim và trí óc, mẹ biết rằng đồng tính là điều hoàn toàn tự nhiên như bao điều tự nhiên khác trên đời này”
Anh Lê Xuân Tư,
con cụ Thi
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.