Cơ cực mưu sinh với nghề "đổ máu"

01/05/2013 14:30 GMT+7

(TNO) Nhìn trên cơ thể của những người này, đâu đâu cũng thấy vết sẹo, chỗ hằn sâu, chỗ lồi ra trên mặt da. Dù vậy họ vẫn “bạo gan” bám trụ với nghề, chấp nhận đổ máu để nhặt kiếng bán kiếm tiền mưu sinh…

>> Mưu sinh nhờ hổ hèo
>> Mưu sinh cùng... thuốc độc
>> Chèo đò mưu sinh dưới cái rét căm căm
>> Mưu sinh bằng hến sông Bùi
>> Mưu sinh đêm

Họ là những người nghèo, thất nghiệp từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, An Giang, Cà Mau,… đến ngụ cư ở ấp Tân Hiệp, Tân Bình, Dĩ An (Bình Dương), làm nghề nhặt kiếng vỡ hàng chục năm nay.

Chuyện đắng lòng ở xóm kiếng

Khi trời bắt đầu nắng gắt cũng là lúc những người “sống nhờ kiếng vỡ” khẩn trương hơn với công việc của mình. Trên đống kiếng chất cao như núi, bất chấp những mảnh kiếng nhọn hoắt chỉa thẳng lên trời, từng người vẫn miệt mài đập, hốt... kiếng vỡ.

Cơ cực nghề đổ máu mưu sinh 1
Vất vả mưu sinh với nghề nhặt kiếng nguy hiểm

"Cẩn thận không thì vào đó là đổ máu", một người chỉ đường nói khi hướng dẫn tôi đến xóm của những người nhặt kiếng vỡ.

Gọi là xóm nhưng thật ra đó chỉ là bãi đất trống, năm bảy phòng trọ cách nhau vài mét được “đánh dấu” bằng hàng chục bao đựng kiếng dựng sát vách.

Vừa bước vào xóm kiếng, thấy tôi lúng túng tránh những mảnh vỡ dưới chân, chị Trâm với chất giọng khàn khàn do bệnh cảm từ nhiều ngày nay nói: “Em vòng ra phía sau cho dễ kẻo đạp phải kiếng chảy máu…”.

Chị Trâm cho biết quê ở Nghệ An, năm nay hơn 30 tuổi và đã có thâm niên 3 năm nhặt kiếng. Nhìn chị đi lại "tự nhiên" trên những đống kiếng vỡ nhọn hoắt tôi thấy lạnh sống lưng.

Chưa kịp nói, chị Trâm đã phân bua: “Nói thiệt, người khác thấy kiếng vỡ là tránh, còn tụi tui thấy một mảnh vỡ cũng xấn tới. Biết là nguy hiểm nhưng cũng không còn cách nào khác, đồng tiền tụi tui kiếm được cũng nhờ những mảnh kiếng vỡ như thế này”. Nói rồi chị vội quay mặt đi, tiếp tục công việc dang dở.

Cơ cực nghề đổ máu mưu sinh 2
Dụng cụ bảo hộ an toàn với họ là một thứ xa xỉ

Giữa một không gian không bóng cây, trời buổi trưa nắng chói chang nhưng trên đầu chị chỉ đội duy nhất chiếc nón lá nhiều chỗ đã rách tưa, thoăn thoắt hốt từng bụm kiếng vụn bỏ vào bao với đôi găng tay mỏng dính, chân mang đôi dép nhựa mà mỗi lần đứt quai, thay vì bán ve chai chị lại lấy lửa hàn lại để mang tiếp.

Nhặt hết những mảnh kiếng vụn, chị Trâm lấy hết sức kéo chiếc bao nặng trịch về phía đống kiếng lớn rồi thản nhiên ngồi xuống, tay cầm chiếc búa đinh đập chan chát vào những tấm kiếng lớn. Từng âm thanh loảng xoảng khô khốc vang lên, từng mảnh kiếng vụn văng ra tứ phía mà chị chẳng hề sợ hãi.

"Xóm kiếng" này ra đời gần chục năm nay với gần 20 hộ kiên nhẫn bám nghề. Có người muốn làm công nhân nhưng nhiều công ty “phân biệt vùng miền” không nhận, có người lớn tuổi, đành “làm bạn” với kiếng để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Trả lời cho câu hỏi: Vì sao không trang bị dụng cụ bảo hộ? Ông Nguyễn Văn Bền (hơn 50 tuổi, quê An Giang), người có thâm niên đập kính nhất tại bãi kiếng, chìa hai bàn tay đen đúa, nhiều vết cứa nhẩm tính: “Chú nghĩ coi, kiếng bán ra chỉ 700 - 800 đồng/kg, người nào giỏi nhất thì kiếm được 120.000 đồng/ngày, số còn lại chủ yếu từ 60.000 - 80.000 đồng/ngày, có hôm còn về tay không, tiền ăn còn lay lắt từng bữa thì nói gì chuyện mua dụng cụ bảo hộ”.

Cơ cực nghề đổ máu mưu sinh 3
Trên từng ngón tay những người nhặt kiếng chi chít sẹo, chai sần

Nói về nghề, người đàn ông gần tuổi lục tuần này chỉ tóm gọn trong vài từ: "cùng cực và nguy hiểm".

Cực vì đập kiếng chỉ có thể làm dưới trời nắng. Nguy hiểm vì chỉ một chút sơ suất, kiếng sẽ để lại trên cơ thể họ nhiều vết sẹo lớn nhỏ...

Nhưng qua cơn sợ hãi, họ lại tiếp tục “làm bạn” với những mảnh kiếng nhọn, sắc bén. Đã vào cái nghề này, hầu như suốt ngày đàn ông rong ruổi đến các bãi rác nhặt kiếng còn đàn bà ở nhà lầm lũi đập kiếng, chẳng ai còn nhớ giờ nào là giờ cơm, đói là kiếm chút gì bỏ bụng rồi tranh thủ làm tiếp.

Ở bãi kiếng này, còn có nhiều người trẻ tầm tuổi đôi mươi không tìm được công việc ổn định cũng ngày ngày còng lưng nhặt từng mảnh kiếng vỡ.

Có điều, lúc nào họ cũng bịt khẩu trang kín mít và không nói bất cứ chuyện gì với người lạ. “Thật ra tụi nó vui tính lắm, tại đứa nào cũng mang mặc cảm làm nghề nhặt kiếng, người đen nhẻm, quê mùa sợ không tìm được người yêu nên mới sợ người lạ thấy mặt thôi”, ông Bền giải thích về những người trẻ “khó gần” này.

“Đổ máu mới kiếm được tiền”

Câu nói có vẻ rợn người, giống khẩu khí người giang hồ nhưng lại là sự thật đắng lòng những ai sống bằng nghề đập kiếng.

Cơ cực nghề đổ máu mưu sinh 4

Cơ cực nghề đổ máu mưu sinh 7
Việc đổ máu là chuyện thường ngày của những người làm nghề nhặt kiếng

Ông Bền chỉ vào vết sẹo ở cổ tay, vết thương còn ứa máu nói: “Chỉ một mảnh vụn cắt vào tay là để lại những vết sẹo thế này…”. Rồi ông xoắn tay áo, kéo cao ống quần sứt đường chỉ, chỉ tay vào những vết sẹo lớn nhỏ chằng chéo ở hai cánh tay, ở đôi chân mà không nhớ hết nguyên nhân của những lần chảy máu.

 
Chú nghĩ coi, kiếng bán ra chỉ 700 - 800 đồng/kg, người nào giỏi nhất thì kiếm được 120.000 đồng/ngày, số còn lại chủ yếu từ 60.000 - 80.000 đồng/ngày, có hôm còn về tay không, tiền ăn còn lay lắt từng bữa thì nói gì chuyện mua dụng cụ bảo hộ
Ông Nguyễn Văn Bền (hơn 50 tuổi, quê An Giang)
Ông nói nửa đùa nửa thật: “Nghề này đổ máu mới kiếm được tiền. Tiền kiếm nhiều thì khó chứ vết thương "kiếm" từ đống kiếng này dễ như bỡn, muốn tránh cũng không khỏi”.

Vết thương mà ông Bền nhắc đến không chỉ là vết xước ngoài da mà còn là sự mất mát khi nhớ đến cái chết của một phụ nữ đồng nghiệp tại bãi kiếng hồi cận tết năm trước.

Ông Bền hướng con mắt xa xăm, giọng chậm rãi: “Cô ấy đang mang thai nhưng ngày nào cũng ngồi đập kiếng từ sáng tới chiều. Vậy mà cơm cũng không đủ ăn, cứ mua nợ mì tôm hoài. Đến khi sinh thì kiệt sức, nên mẹ con nó cũng tắt thở… trong bệnh viện”.

Tôi quan sát thấy khuôn mặt ông Bền sầm lại, ủ rũ, khi nói đến đây.

Như muốn xua tan khoảng lặng sau câu chuyện buồn, ông chỉ tay về phía trước nói to: “Chú đi thẳng lên đó, cứ xem mấy đứa thanh niên làm kiếng là biết nó nguy hiểm thế nào…”.

Cách đó hơn 100 mét, một nhóm thanh niên vừa nói chuyện, vừa vác từng bao kiếng xếp thành hàng ngay ngắn.

Tranh thủ uống nước và vươn vai vặn người vài cái cho đỡ mỏi lưng, anh Đặng Bá Đồng (35 tuổi, quê Hà Tĩnh) lại đeo đôi găng tay rách bươm nhặt các mảnh kiếng vụn bỏ vào bao.

Anh Đồng kể: “Ở quê làm ruộng không đủ ăn, hai vợ chồng gửi ba đứa con nhỏ cho ông bà nội rồi dắt díu vào Nam. Xin việc làm mãi không được, vợ chồng đành trụ với nghề nhặt kiếng hơn hai năm nay”.

Giọng anh Đồng buồn bã kể tiếp, lời hứa mua cho mỗi đứa con một chiếc cặp mới vào đầu năm học chưa kịp thực hiện thì đầu tháng 8, chị Lý (vợ anh) bị kiếng cắt ngang bụng trong một lần hành nghề. Tai nạn khiến gia đình anh dồn hết tiền dành dụm để chữa trị cho chị Lý. Hiện sức khỏe vợ anh vẫn còn yếu, và đang về quê tịnh dưỡng.

Ở cái xóm nhỏ này, họ “sống chung” với kiếng, và việc chảy máu khi nhặt kiếng là quá đỗi bình thường. Nó như một sự chấp nhận cho cuộc mưu sinh.

Anh Đồng kể tiếp, nhiều hôm về giặt đồ, thấy vết máu khô còn dính trên áo, tôi chợt rùng mình, muốn bỏ nghề nhưng qua ngày hôm sau lại đi nhặt kiếng vì cũng như nhiều người ở đây, ngoài cái nghề “đổ nhiều máu” này tui cũng chẳng biết làm gì.

Chính vì vậy nên mặc dù con mắt bên trái không còn nhìn thấy rõ do mảnh kiếng vụn bay vào nhưng tuổi trẻ của Cao Thị Hương (19 tuổi, quê Nghệ An) cũng chỉ lẩn quẩn trong bãi kiếng, hết đập kiếng bỏ vào bao thì theo anh họ chạy khắp các bãi rác Bình Dương, Đồng Nai… nhặt kiếng.

 
Mỗi lần ra bưu điện gửi tiền về quê, hễ thấy vợ chồng người ta đang nô đùa với con nhỏ là tôi nhớ vợ và tụi nhỏ muốn khóc…
Anh Đặng Bá Đồng (35 tuổi, quê Hà Tĩnh)
Cạnh đó là anh Nguyễn Trần Huynh (33 tuổi, quê Nghệ An) vẫn “lì lợm” đập từng tấm kiếng lớn một cách chậm rãi. Dù chỉ mới tuần trước, xe chở kiếng bị nghiêng, anh Huynh dùng tay chống vội nên bị gãy cánh tay phải. Khi băng vết thương, bác sĩ dặn dò không được làm việc nặng trong một tháng nhưng ngày nào anh cũng ra đây đập kiếng để kịp giao cho đại lý.

“Ngồi ở nhà một tháng thì lấy gì ăn hả anh? Vợ đi làm công nhân cũng đủ trả tiền nhà và gửi về quê chút đỉnh cho đứa con nhỏ. Thôi thì mình cứ nai lưng ra làm, được đồng nào đỡ đồng đó”, anh Huynh phân trần.

Phòng trọ của những người nhặt kiếng khá đơn sơ, bốn phía đều dựng bằng tôn nên cái nóng không khác gì mấy so với ngoài trời. Chị Trâm phân trần: “Phòng này trời nắng thì nóng như lửa đốt, trời mưa thì ồn không chịu được nhưng được cái gần bãi kiếng nên cũng ráng ở”.

Cả xóm nhặt kiếng chẳng có bóng dáng một đứa con nít. Có người sinh con ở quê rồi vào Nam lập nghiệp, có người sinh con tại mảnh đất này, được một thời gian cũng gửi về quê cho ông bà chăm sóc.

Không ai để con ở đây, bởi gửi con vào nhà trẻ thì không đủ tiền, còn để ở nhà thì không an toàn vì dưới chân bọn trẻ chỉ toàn kiếng là kiếng.

Anh Đồng nói như mếu: “Mỗi lần ra bưu điện gửi tiền về quê, hễ thấy vợ chồng người ta đang nô đùa với con nhỏ là tôi nhớ vợ và tụi nhỏ muốn khóc…”.

Bài, ảnh: An Bang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.