Bỏ ruộng... đi buôn

14/11/2008 10:35 GMT+7

Đàn ông sức dài vai rộng cũng có, nhưng đông đảo nhất vẫn là đàn bà con gái, từ trong nhà ra ngoài ngõ bây giờ chỉ thấy rặt đàn ông..." - Chủ tịch UBND xã Cát Tường (Phù Cát, Bình Định) Lê Thành Tiến nói.

"Xã chỉ 18.000 dân mà có lúc tới hơn 1.000 người tất bật xuôi nam, ngược bắc đi làm ăn".

Hết nhôm nhựa đến... ve chai

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Chánh Liêm, Nguyễn Thị Mộng Thảo nói không chắc thôn mình đã "vô địch", nhưng con số hơn 200 người/300 hộ dân tha phương cầu thực quanh năm suốt tháng ở xứ người quả là một tỉ lệ dễ gây... hốt hoảng. Số liệu trên là kết quả khảo sát của Thảo trong một báo cáo khẩn cấp gửi "ngành dọc".

Chị phân bua: "Ghi nhận một hiện tượng xã hội vậy thôi chứ để thay đổi nó thì chức chi hội trưởng của tôi có làm được gì?". Dẫu sao, để làm người dẫn đường, Thảo là một trợ giúp đầy may mắn cho các cuộc tiếp xúc không hẹn trước.

Bắt đầu bằng chính hàng xóm và cũng là một bà con của Thảo: Chị Đặng Thị Ngọc Bích. Thấy tôi lăm le cuốn sổ trên tay, người phụ nữ có vóc dáng hơi thô và màu da đen đúa vội vàng đóng sầm cánh cửa. Lối phản ứng như vỗ vào mặt người ta, mãi sau tôi mới biết đó là sản phẩm của những năm tháng mưu sinh nhọc nhằn, bất trắc.

Chị Bích vừa "hồi hương" từ TP.Hồ Chí Minh trở về vì một đám giỗ lớn, mà chị là dâu trưởng, không có quyền sao nhãng chức phận. "Xong việc, định "nhảy", nhưng tin trong đó nói đang... động. Giờ tiến thoái lưỡng nan, bí rị" - vẻ hoang mang hiện rõ trên khuôn mặt dầu dãi phong sương của chị Bích - người đàn bà từng hàng chục năm lê lết, quăng quật kiếm cơm từ rừng tới biển.

Chị Bích không nhớ đích xác ngày đầu tiên gồng gánh lên đường là ngày nào. "Chỉ loáng thoáng nhớ thằng út khi đó còn ẵm ngửa, nay nó đã lớp 6 rồi. Hồi đầu, tôi chạy nước mắm từ Đập Đá, An Nhơn lên Krông Bông (Đắc Lắc), ngon lành lắm. Mỗi chuyến, bỏ xe đò 50 can, rải giáp vòng 5 ngày là kiếm 18.000 - 20.000 đồng/can. Mua may bán đắt, nhưng không bền. Thấy dễ ăn, thiên hạ bắt chước, có người còn mở đại lý, lập cơ sở chế biến tại chỗ, hạ giá bán, tranh cướp khách hàng".

Cò con như chị dĩ nhiên không đường nào khác hơn là khứ hồi nguyên quán. Về để loay hoay kiếm đường đi tiếp. "Ngồi nhà lấy gì ăn? Ôm mấy sào ruộng sống sao được?" - chị Bích tuồng muốn chứng minh hướng lựa chọn duy nhất của một bộ phận cư dân Cát Tường là lưu lạc đến bất kỳ hang cùng ngõ hẻm nào.

Lần "chuyển hướng chiến lược" thứ nhất, Bích, bên cạnh người chồng rày đây mai đó, chọn Chư Sê, Gia Lai và đôi quang gánh nhôm nhựa trên vai làm phương cách nuôi gia đình 5-6 miệng ăn. Những chuyến đi mịt mù rừng xanh núi đỏ, nhễ nhại mồ hôi nước mắt, ròng rã cả tuần mà "công sá bụp xẹt, không đủ nuôi 3 đứa con đến trường".

 

Thành quả và cũng là món nợ của chị Bích.

Lại chuyển hướng. Lần này đích đến là TP.Hồ Chí Minh. "Cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt, cũng gánh gồng lúp xúp như xưa, chỉ khác là trước mình đi nhôm nhựa, nay làm... ve chai" - Đặng Thị Ngọc Bích cười, tự giễu cái vòng tròn quanh quẩn của một đời sống trĩu nặng cơm áo gạo tiền.

Trong câu chuyện của chị Bích, thấy tối tăm mờ mịt hình ảnh những phận người nhiều vất vả. Thách thức lớn nhất mà cộng đồng cư dân Cát Tường cũng như những đồng hương Cát Sơn, Cát Nhơn, Cát Thắng, Cát Chánh vấp phải ở TP.Hồ Chí Minh là việc họ phải thoả hiệp với một lối sống hoàn toàn lạ lẫm. Ở đấy, ma cũ hà hiếp ma mới; ở đấy, dân xứ này lườm nguýt xứ kia. Rồi chung chạ, hở hang, xô bồ, hỗn tạp.

Nhóm Chánh Liêm - Cát Tường của Bích thuê một dãy nhà ngủ đêm ở quận I, tới 80 - 100 người như cá xếp lớp bên nhau, làng trên xóm dưới cả, vậy mà không phải lúc nào cũng ngoài êm, trong ấm. Thành quả hơn 10 năm lăn lóc của hai vợ chồng chị Bích, bên cạnh 3 đứa con từ lớp 6 đến lớp 10 "nghe nói học cũng được", còn có ngôi nhà 110 triệu đồng sừng sững một góc xóm Nam. "Cục nợ đó" - chị Bích la làng.

Tưởng thuận buồm xuôi gió, vợ chồng tôi "ứng trước" mấy năm rong ruổi. Đùng một cái, nghề ve chai trong kia tuột dốc, giá rớt thê lương. Làm không đủ ăn, nói gì dành dụm.

Cùng xóm Nam, Chánh Liêm, gia đình Nguyễn Văn Huynh vận dụng mô hình khác: Chồng đi, vợ ở nhà, hoặc ngược lại. Chuyến thăm của tôi trùng phiên anh Huynh "đổi gác". Anh chàng có dấu hiệu sẽ tiếp quản lâu dài chân giữ nhà, trông trẻ, chăm sóc lứa bò, đàn heo và trông coi 3 sào ruộng. Hơn 40 tuổi, Huynh quá mỏi mệt với những chuyến xe kem leng keng bất tận phơi nắng phơi gió tận Hội An, Đà Nẵng.

"Tình nguyện giữ thành cho bà xã yên tâm... xông pha sa trường" - anh tự nói về mình. Vợ Huynh, chị Ngô Thị Thu đi biền biệt suốt mấy năm nay, hết ve chai đến trái cây bán lẻ.

 

Khi... vợ vắng nhà.

Huynh có ba anh em trai thì gia đình nào, vợ chồng cũng phải đổi vai cho nhau như vậy. Ngôi nhà Huynh đang ở khó có thể ọp ẹp, cũ kỹ hơn, có lẽ nó bị níu trì, chà xát bởi gánh nặng đàn con 4 đứa.

Đi đã dở, ở cũng không xong!


Đổi đồng cũ lấy đồng mới là hình ảnh được Chủ tịch UBND xã Lê Thành Tiến sử dụng khi nói về nghề làm ruộng ở Cát Tường. Có nghĩa không trông mong gì chuyện của ăn của để, chuyện giá trị gia tăng.

Ông Tiến cho biết, năm 1995, khi giao quyền sử dụng đất lâu dài cho nông dân, mỗi nhân khẩu nhận 1 sào (500m2). Mười ba năm qua, dân số tăng thêm, một phần đất nông nghiệp phải chuyển đổi sang mục đích khác, cái "tiêu chuẩn" nhỏ nhoi kia bị co bóp xuống nhiều. Hạt lúa vãi xuống đồng đất Cát Tường cũng phập phù, may rủi lắm. Vụ đông xuân ăn chắc, cố mấy năng suất cũng chỉ 350kg/sào, bình quân chỉ 300kg/sào. Vụ hè, vụ 3 càng èo uột hơn, chưa tới 200kg. Cho nên, nhìn vào cây lúa, chỉ thấy loanh quanh, bế tắc.

Cát Tường nổi tiếng với các ngành nghề thủ công truyền thống như chằm nón ngựa, nón lá, đan vạt giường, tráng bánh, làm cốm... nhưng cũng chỉ luẩn quẩn ở mấy thôn Phú Gia, Xuân Quang, Kiều Đông và cũng không phải là cơ hội cho tất cả do lối truyền nghề khép kín trong gia đình dòng tộc. "Đi buôn", do đó, với một bộ phận nông dân Cát Tường là lời mời mọc khó cưỡng.

Có ngả khác để người Cát Tường rẽ qua mà không cần nổi trôi đất khách quê người: Chăn nuôi. Thế nhưng, những ngày tôi về Cát Tường cũng là những ngày giới chăn nuôi địa phương đứt ruột kêu trời, khóc đất. Chỉ với 20 con heo, người dẫn đường cho tôi, chị Nguyễn Thị Mộng Thảo nói cầm chắc khoản lỗ 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, Thảo chưa đến mức "sặc gạch" như bà hàng xóm Đỗ Thị Nga - người mất toi 20 triệu đồng vì lỡ "ôm" đàn heo chờ giá đến tháng thứ 5 thay vì xuất bán sau 3 tháng. Nuôi heo khốn khổ vì heo, nuôi gà ngắc ngoải với gà.

Anh Phạm Thiên Thanh, mon men với trại gà tập trung từ 2006. Vài lứa đầu còn... khí thế, sang năm 2008, "nuôi bao nhiêu, chúi mũi bấy nhiêu. Bao cám từ 170.000 đồng tăng lên 220.000 - 230.000 đồng, trong khi giá gà cứ sụt giảm hết đợt này đến đợt khác, từ 58 xuống 45 đến 35 ngàn đồng/kg".

Anh Thanh đang gầy dựng đàn gà 2.000 con với tâm trạng phập phồng may nhờ, rủi chịu. Không ai trả lời giúp anh câu hỏi liệu nó có làm chồng chất thêm gánh nợ vay cộng khoản lỗ "cắm đầu, cắm cổ" gần 70 triệu đồng. Tấn kịch của anh Thanh, bà Nga, chị Mộng Thảo không hề là cảnh ngộ riêng của vài trăm nông hộ Chánh Liêm!

Chủ tịch Lê Thành Tiến nói cá nhân ông cũng đau đầu, nhức óc trước làn sóng "xuất khẩu lao động tự phát" ở Cát Tường: "Chúng tôi không hoan nghênh, cũng không cấm cản. Xu hướng này cho kết quả cả tốt và xấu. Tốt là mở rộng khả năng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhóm người không nghề ngỗng gì ngoài vài ba sào ruộng. Xấu là nó làm rạn nứt các quan hệ cộng đồng vốn bền vững sau luỹ tre làng. Đã có những cặp vợ chồng lục đục, đổ vỡ; có những đứa trẻ bị bỏ bê, sao nhãng học hành".

"Một kế hoạch dài hơi giải quyết bài toán lao động nông thôn nhàn rỗi là việc quá sức chúng tôi - ông Tiến kết luận. Trước mắt, "trời sinh sao để vậy" đã. Vài năm nữa, cụm công nghiệp Gò Mít (thị trấn Ngô Mây), Hoà Hội (Cát Hanh) nên hình nên dạng, may ra sẽ... phân lũ được chút nào".

Theo Xuân Nhàn / Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.