Anh ở biên cương - Kỳ 3: Những đứa con của nhân dân

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
01/03/2014 09:10 GMT+7

(TNO) Trung úy Nguyễn Vũ Quỳnh, Trạm trưởng Kiểm soát Biên phòng (BP) Lũng Cú (thuộc Đồn BP Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang ), quê ở Bắc Ninh nhưng nửa câu quan họ không biết, bù lại anh làu làu tiếng Mông và thông thổ từng mô đá dọc bờ sông Nho Quế.

>> Anh ở biên cương - Kỳ 1: Tranh tre nứa lá
>> Anh ở biên cương - Kỳ 2: Đau đáu Sì Lờ Lầu

55 năm ngày truyền thống bộ đội Biên phòng 3.3.2014: Anh ở biên cương - Kỳ 3: Những đứa con của nhân dân

Trung úy Nguyễn Vũ Quỳnh kiểm tra các điểm sạt lở gần mốc 428

Buồn buồn Nho Quế

Vợ Quỳnh tên Nho, chính gốc người Mông ở thị trấn Đồng Văn, là cô giáo dạy Trường tiểu học xã Lũng Cú. Tên của cô giáo Nho đặt nương theo biểu tượng Hà Giang: dòng sông Nho Quế xẻ qua cao nguyên đá Đồng Văn, nhập vào sông Gâm ở Cao Bằng, làm đường biên giới tự nhiên Việt - Trung hơn 40 km và nhìn từ trên núi xuống, dòng sông bé như sợi chỉ, chảy buồn buồn.

Mà thật, nghe Nho lẩn mẩn kể chuyện gia đình, thấy thương vợ lính BP vô cùng.

Tiếng là căn phòng tập thể của trường chỉ cách trạm chưa đến 200 m, nhưng cả tuần chồng mới đảo qua nhà vài lần, nhìn xem vợ ra sao, thay bộ quần áo rồi lại... đi tiếp.

 

Cứ nói chuyện thật lòng, như với người trong gia đình, đừng lo sẽ không được việc, và nhất là phải coi mình là đồng bào, tuân theo phong tục tập quán của chính đồng bào!

Đại úy Hà Văn Bường

Việc của Quỳnh và anh em trong trạm chỉ có đi và đi: tuần tra thăm mốc, từ trên núi xuống tận mép sông Nho Quế, cũng khoác tăng võng bên súng, nằm rừng ngủ mấy ngày; tăng cường cho các tổ công tác - trạm khác hoặc công tác nghiệp vụ của Đồn, cả tuần là chuyện bình thường. Hoặc là xuống địa bàn mấy xóm của xã, ngày này qua ngày khác là chuyện bình thường; ngay việc rất đơn giản là thăm - kiểm tra hằng ngày lá cờ trên đỉnh cột cờ Lũng Cú cũng đi trong vài tiếng đồng hồ...

Đặc thù của Hà Giang là đá, là hoa, là cuộc sống của đồng bào Mông khiến bao năm nay, khách du lịch từ mọi nơi ùn ùn đổ về thăm ngắm. Với Lũng Cú, lại có sừng sững cột cờ Tổ quốc, nên lượng khách dồn về càng nhiều.

Khách miền xuôi vốn tò mò, ghé trạm thăm hỏi giao lưu và rút cục, Quỳnh cùng anh em, ít thì dẫn khách đi thăm thú làm “hướng dẫn viên du lịch không chuyên”, nhiều thì chiều sự nhiệt tình uống ly rượu mời. Rút cục, quỹ thời gian dành cho gia đình đã ít ỏi, lại càng eo hẹp hơn.

Cũng vì biền biệt thế mà đôi vợ chồng trẻ nấn ná chưa muốn có con. Đến khi giật mình thì đã gần chục năm. Lại lặng lẽ, dành dụm đi chữa trị. Đồng lương trung úy còm cõi của chồng cộng với lương giáo viên ít ỏi của vợ, thường chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình, nay lo thêm việc chữa trị hiếm muộn, phải vay mượn khắp nơi, khiến cả hai vợ chồng trông già đi đến mấy tuổi.

Hôm gặp tôi, Quỳnh hớn hở: “Em vừa được Bộ Tư lệnh BĐBP đưa về Hà Nội bàn việc ưu tiên, tạo điều kiện chữa trị!” và hy vọng: “Phải có đứa con để sau này canh giữ Lũng Cú chứ!”. Tôi không dám nhìn lâu vào ánh sáng lấp lánh tỏa ra từ đôi mắt của trung úy Quỳnh, bởi tự cảm thấy chưa bù đắp được phần nào những vất vả mà Quỳnh và bao cán bộ BP khác ở mọi miền Tổ quốc đã trải qua và phải chịu đựng ở chính ngay trong gia đình bé nhỏ của mỗi người. Nghe đâu, Quỳnh đang chuẩn bị đưa vợ vào miền Nam chữa trị.    

Anh Bường ở Nậm Ngừ

 

Rời Pha Long về nhận công tác tại Đồn BP Mường Khương, Chiến được giao nhiệm vụ Tổ trưởng tổ công tác Tung Chung Phố rồi thì mình anh hết giải quyết mâu thuẫn của bà con, đến việc kẻ xấu vào nhà trộm mất trâu, dắt ngựa, bà con cũng phải ới bằng được “chú Chiến” xuống điều tra. Ngay việc hộ gia đình mua ti vi về không bắt được hình, cũng xuống gọi “anh Chiến”… 

Đại úy Hà Văn Bường là Quản lý của Đồn Biên phòng Nậm Nhừ (Mường Nhé, Điện Biên), có gần 20 năm gắn bó với vùng đất cực Tây huyện Mường Nhé. Ở các đơn vị khác, nhiệm vụ quản lý chỉ chuyên lo “tương cà mắm muối”, nhưng ở nơi xa tít tắp Nậm Ngừ, chức danh Quản lý - Hậu cần của đại úy Bường chỉ có trên giấy tờ, còn lại đều làm đủ thứ việc liên quan đến biên giới.

Vốn xuất thân người Thái, vừa khéo tay tỉ mỉ chuyên cần, lại vừa... dẻo mồm, nên cứ dưới địa bàn có việc khó khăn liên quan đến công tác vận động quần chúng, đại úy Bường lại phải... “xuất úy”.

Giáo trình trong các học viện, nhà trường kỹ càng, “đao to búa lớn” thế nào không biết, với anh Bường chỉ đơn giản là xuống nhà dân, sà vào bếp nấu nướng - chế biến mấy món ăn đơn giản mà anh gọi là “đặc sản của nhà con đấy vớ”, xong hì hục dọn mâm, mời già làng - chủ nhà cùng ngồi nhâm nhi, nói hết chuyện trong bản ngoài rừng, xong đến nhà cửa và rì rầm gần xa tháo nút thắt trong công việc.

Những “cuộc vận động” như thế, có khi kéo dài đến mấy ngày đêm tùy theo mức độ khó dễ, nhưng rút cục, đều đạt kết quả hơn cả mong muốn.

Hỏi “kinh nghiệm dân vận”, đại úy Bường lúng túng: “Cứ nói chuyện thật lòng, như với người trong gia đình, đừng lo sẽ không được việc và nhất là phải coi mình là đồng bào, tuân theo phong tục tập quán của chính đồng bào!”

Người “Trường Sa cạn”

Ở BCH BĐBP tỉnh Lào Cai, Đồn BP Tả Gia Khâu (Mường Khương) được gọi là “Trường Sa cạn”, khó khăn nhất tỉnh, do đi lại xa xôi, thời tiết khắc nghiệt và nhất là đóng quân ở địa bàn thiếu nước ngọt trầm trọng.

Thế nhưng ở Tả Gia Khâu, chuyện về thiếu tá Nguyễn Phúc Chiến, cán bộ của đồn tăng cường cho xã Tả Gia Khâu làm Phó bí thư Đảng ủy, thu hút sự chú ý đặc biệt của mọi người, ngay từ cái tên “Người nhiều biệt danh nhất”.

 55 năm ngày truyền thống bộ đội Biên phòng 3.3.2014: Anh ở biên cương - Kỳ 3: Những đứa con của nhân dân1
Thiếu tá Nguyễn Phúc Chiến (trái) trao đổi kinh nghiệm phát triển sản xuất với cán bộ xã Tả Gia Khâu

Tháng 3.1991, chàng trai 18 tuổi Nguyễn Phúc Chiến viết đơn tình nguyện gia nhập BĐBP. Căn nguyên chỉ đơn giản là nhà ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc), gần Trung tâm huấn luyện BĐBP, mỗi lần ngang qua thấy bộ đội sao mũ chỉnh tề, hăng say luyện tập nên... mê. Sau 3 tháng huấn luyện, anh về nhận công tác tại Đồn BP A Mú Sung và trở thành “người Lào Cai” từ đó.

Ước mơ vào BĐBP để tuần tra bảo vệ biên giới, truy bắt tội phạm, cưỡi ngựa bắn súng… của chàng binh nhì Nguyễn Phúc Chiến tự dưng trở thành... trong mơ, khi được phân công việc anh nuôi. Ngày ấy đường sá đi lại còn khó khăn, ô tô của BCH BĐBP tỉnh chỉ vào được Trịnh Tường, nên cứ 3 ngày, Chiến lại lóc cóc đi bộ ra Trịnh Tường gùi gạo về đơn vị, mỗi lần 30 kg. Dễ có khi, làm lính BP anh đã gùi đến gần chục tấn gạo.

Sau khi đi học trung cấp BP, Chiến trở lại nhận nhiệm vụ tại Đồn BP Pha Long. Những hăm hở “cưỡi ngữa bắn súng” hồi chiến sĩ, lại trở thành... kỷ niệm khi được giao việc: xóa mù chữ cho đồng bào.

Không nề hà việc khó, thiếu úy Chiến tập trung học cho được tiếng Mông để hiểu đồng bào, đến từng nhà vận động mọi người đi học. Kiên nhẫn hằng tuần, hằng tháng, rút cục đồng bào cũng thấy cái chữ cần như cơm ăn nước uống và tự giác bảo nhau đi học. “Lớp học thầy Chiến” trở thành một “thương hiệu” của phong trào xoá mù chữ ở Tả Ngải Chồ khi đó và cũng từ đây, anh nên duyên với cô giáo vùng cao Nguyễn Mai Thắm.

Rời Pha Long về nhận công tác tại Đồn BP Mường Khương, Chiến được giao nhiệm vụ Tổ trưởng tổ công tác Tung Chung Phố rồi thì mình anh hết giải quyết mâu thuẫn của bà con, đến việc kẻ xấu vào nhà trộm mất trâu, dắt ngựa, bà con cũng phải ới bằng được “chú Chiến” xuống điều tra. Ngay việc hộ gia đình mua ti vi về không bắt được hình, cũng xuống gọi “anh Chiến”… 

Từ Pha Long xuống Mường Khương, từ Tả Ngải Chồ đến Tung Chung Phổ, cán bộ Chiến có đến vài chục anh em kết nghĩa, bố mẹ nuôi, con nuôi và ngày anh cưới vợ dưới phố huyện Mường Khương, người dân ở Tả Ngải Chồ, Tung Chung Phố kéo xuống, mang theo cơ man rượu ngô, gà sống làm quà, ngất ngư chúc mừng như phong tục trên bản, đến mấy ngày liền.

Năm 2006, Chiến được chọn lựa vào lực lượng Phòng chống tội phạm ma túy của BĐBP tỉnh Lào Cai. Mặc dù gia đình ở ngay thị trấn Mường Khương, nhưng có khi vài tuần anh không về nhà, khiến hàng xóm cứ tưởng vợ chồng… giận nhau. Mọi việc trong gia đình đều trông cậy vào vợ.

Thành thạo với nhiệm vụ trinh sát không lâu, thiếu tá Chiến lại được BCH BĐBP tỉnh và Huyện ủy Mường Khương tin tưởng chọn làm Phó bí thư Đảng ủy xã Tả Gia Khâu, anh lại khoác ba lô xa nhà với nhiệm vụ mới mẻ mà mình chưa hề có kinh nghiệm.

Thấy tôi tò mò ngắm nhìn những bằng khen, giấy khen từ 1996 đến nay, thiếu tá Nguyễn Phúc Chiến ngượng: “Không có gì đâu, nhiệm vụ thôi mà!” và hớn hở khoe đời sống bà con năm nay khấm khá, ăn tết to và đầy đủ hơn.

Nghe anh nói nhìn anh kể cách làm, tôi hiểu: phần thưởng lớn nhất của anh, không phải ai cũng có được khi nhân dân đặt trọn niềm tin.

Niềm tin ấy, nhân dân chỉ dành cho người con, của chính nhân dân.

55 năm ngày truyền thống bộ đội Biên phòng 3.3.2014: Anh ở biên cương - Kỳ 3: Những đứa con của nhân dân3
Cá khô - thức ăn thường nhật ở các đồn BP khó khăn

55 năm ngày truyền thống bộ đội Biên phòng 3.3.2014: Anh ở biên cương - Kỳ 3: Những đứa con của nhân dân4
Cán bộ Đồn BP Sen Thượng Thăm khám và vận động gia đình đồng bào đưa người ốm ra điều trị tại bệnh viện

55 năm ngày truyền thống bộ đội Biên phòng 3.3.2014: Anh ở biên cương - Kỳ 3: Những đứa con của nhân dân66
Thiếu úy Trần Văn Dũng, BCH BĐBP tỉnh Điện Biên trong các chuyến công tác miền núi đều dành thời gian chơi với con trẻ

55 năm ngày truyền thống bộ đội Biên phòng 3.3.2014: Anh ở biên cương - Kỳ 3: Những đứa con của nhân dân7
Quét dọn - kiểm tra cột mốc biên giới

55 năm ngày truyền thống bộ đội Biên phòng 3.3.2014: Anh ở biên cương - Kỳ 3: Những đứa con của nhân dân78
Trước giờ tuần tra đường biên tại Đồn BP Nậm Nhừ

Mai Thanh Hải - Trọng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.