Ám ảnh xe khách đường dài - Kỳ 3: Không cần luật, chỉ cần lợi

24/09/2011 01:10 GMT+7

Theo thượng tá Trần Sơn, Phó phòng Hướng dẫn tuyên truyền luật giao thông, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an), điều tra ban đầu các vụ TNGT liên quan đến xe khách gần đây cho kết quả, lỗi lớn do tài xế thiếu ý thức.

>> Kỳ 2: “Bến xe gia đình”

Điều này không có gì lạ khi giám đốc một bến xe lớn tại Hà Nội từng cho chúng tôi biết, các DN xe khách ngày nay lựa tài, phụ xe kiểu càng “gấu” càng tốt, vừa sẵn máu liều phóng bạt mạng rượt đuổi xe khác, vừa sẵn sàng đâm chém các đối thủ.

“Tôi biết nhiều xe giấu hàng nóng, khi có va chạm với xe khác là nhảy xuống rút ra gây chiến ngay. Biết bị kiểm soát tại bến, các chủ xe còn giấu “hàng” dọc đường. Có lần bến xe tổ chức vây ráp, chủ xe thuê cả taxi để chở hàng thoát đi”, vị giám đốc này chia sẻ.


Chạy ẩu, xe khách tông vào xe container trên QL 1A - Ảnh: Ngọc Thắng

“Lái xe nghiện ngập cũng là chuyện thường”

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, cho rằng: “Quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là lái xe hạng E phải có trình độ tốt nghiệp phổ thông trung học, nên những DN nhỏ, trả lương thấp khó kiếm được tài xế có đạo đức, tay nghề. Chưa kể, giấy khám sức khỏe bây giờ là hàng hóa mua được, nên lái xe nghiện ngập, không đủ sức khỏe cũng là chuyện thường”.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng xác nhận, các DN sử dụng lái xe rất lỏng lẻo, DN này thải ra thì DN khác nhận vào vì lái xe quá thiếu. “Lái xe sai phạm nếu nhà xe xử lý sẵn sàng bỏ việc, vì đã có ngay nơi khác mời chào”, ông Linh nói. Thậm chí, có DN sử dụng cả lái xe đang bị giữ bằng hoặc không có bằng lái.

Nhiều DN khoán thẳng cho lái xe, không quản lý, cho cò mồi và lái xe bắt khách thoải mái, khi bị “sờ gáy” thì chống đối và bỏ chạy. Điều này không chỉ diễn ra với các DN tư nhân quy mô nhỏ vài đầu xe, mà ngay cả những DN, HTX lớn. Thanh tra Sở GTVT Hà Nội từng huy động cả 5 xe mới xử lý được chiếc xe khách BKS 29U-4913 của Xí nghiệp xe khách phía Nam do Trần Tử Biên điều khiển, đón trả khách trái phép trên đường Giải Phóng, do lái xe cố tình lạng lách, đánh võng khi phát hiện lực lượng chức năng.

Theo thống kê, chỉ riêng tại Hà Nội, so với năm 2007, lượng xe khách liên tỉnh đăng ký tuyến hoạt động tại Hà Nội đã tăng gấp 3 lần với khoảng 550 tuyến và 4.000 xe xuất bến mỗi ngày. Chưa kể lượng xe “dù” không qua bến bãi khá lớn, như tuyến Hà Nội - Nga Sơn (Thanh Hóa), ngoài một vài DN đăng ký còn có nhiều nhà xe đậu ở các bến chui, bến cóc.

Ít lái xe và nhà xe chấp hành quy định

Luật Giao thông đường bộ quy định, lái xe không được chạy quá 10 giờ trong 1 ngày, 1 ca không được chạy quá 4 giờ, quy định chạy tuyến đường dài Hà Nội - TP.HCM phải có ít nhất 2 lái xe chính. Nhưng ít lái xe và nhà xe chấp hành quy định này. Chủ xe thường thuê 1 tài xế và lơ xe biết lái không cần bằng, khi nào tài xế mệt thì lơ xe lái thay. Cũng ít khi tài xế chạy 1 ca 4 giờ theo quy định, mà thường tài xế và phụ xe tự thỏa thuận với nhau.

Siết chặt quản lý nhưng... rất lỏng

Cuối tháng 7 vừa qua, sau hàng loạt vụ tai nạn thảm khốc do xe khách gây ra, Bộ GTVT đã có công văn gửi Tổng cục Đường bộ và các Sở GTVT, yêu cầu kiểm tra ngay các đơn vị vận tải có phương tiện xảy ra tai nạn và DN vận tải trong địa bàn. Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Quyền, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết các sở cũng không nắm và cung cấp được đầy đủ thông tin liên quan đến các vụ tai nạn cũng như số lượng DN vận tải trên địa bàn.

Về quan điểm phân luồng tuyến đang lộn xộn, theo ông Quyền, điều này mang tính quá trình, việc phân luồng tuyến dựa trên nhu cầu vận tải của hành khách, không thể theo mệnh lệnh của cơ quan nào. “Bộ GTVT và Tổng cục đã siết chặt quản lý vận tải, công tác an toàn vận tải triển khai từ năm 2010 theo đúng các quy định của Luật Giao thông đường bộ”, ông Quyền nói. Nhưng thực tế, tới cấp địa phương, việc siết này đã lỏng ra rất nhiều.

Nghị quyết 88 về đảm bảo trật tự ATGT vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, đề ra giải pháp tăng cường quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô như cương quyết không cho xuất bến các xe vi phạm quy định, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp lái xe chở khách, ô tô tải vi phạm quy định, tốc độ, sử dụng rượu bia, chở quá tải…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để giảm bớt tai nạn liên quan đến xe khách, cần có những biện pháp kiểm soát và xử lý mạnh tay hơn. Vì thực tế, khi xe gây tai nạn, tài xế bị xử lý theo pháp luật, xe đã có bảo hiểm đền, còn nhiều nhà xe lại “vô can” trước thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản do tắc trách và ham lợi nhuận của mình.

Mai Hà - Hà An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.