200 ngày dưới họng súng cướp biển - Kỳ 2: Cuộc ngã giá

01/10/2011 17:11 GMT+7

Sau khi 24 thủy thủ trở về an toàn, chúng tôi đã được nghe câu chuyện của người đấu trí thành công với bọn hải tặc suốt hơn 200 ngày.

>> Kỳ 1: Trong địa ngục trần gian

Trưa ngày 27.9, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty Hoàng Sơn (chủ tàu Hoàng Sơn Sun bị hải tặc Somalia bắt giữ). Ông Sơn tỏ ra khá thân thiện dù không giấu được vẻ mệt mỏi trên khuôn mặt. Ông Sơn cũng tâm sự rằng hiện nay ông đang đau đầu với các khoản đã vay để lo tiền chuộc: “Tôi rất mong được Nhà nước, các ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi để chúng tôi có thể sửa chữa tàu, tiếp tục đi biển kiếm tiền trả nợ. Nếu giúp được công ty lúc này cũng là giúp chính các gia đình thủy thủ".

Lần đầu tiên trong lịch sử hàng hải Việt Nam, chúng ta có một con tàu bị cướp biển bắt cóc, do đó, ông Sơn và cán bộ của ông cũng là người Việt đầu tiên đàm phán với cướp biển. Khi chúng tôi muốn hỏi chi tiết về những cuộc đàm phán, ông Sơn chỉ sang một thanh niên trẻ ngồi bên cạnh: “Đây, cuộc đàm phán thành công là nhờ công lao lớn nhất của anh này”. Đó là anh Lê Đỗ Tuân, 30 tuổi, Phó giám đốc chi nhánh Công ty TNHH Hoàng Sơn tại Hải Phòng, một thanh niên có bề ngoài hiền lành, đeo kính cận và... từ chối đưa hình mình lên báo.

Đấu trí qua điện thoại

Ngày 17.1.2011, tàu Hoàng Sơn Sun bị cướp biển tấn công, khống chế thì ngày 19.1, Công ty Hoàng Sơn nhận được hung tin. “Ngay khi những tên cướp chưa gọi điện đòi tiền chuộc, tôi đã hiểu rằng công ty cần một chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm, vì đây là lần đầu tiên Việt Nam có tàu bị cướp biển bắt cóc. Qua các thông tin trong cộng đồng hàng hải quốc tế, trong hai ngày 20 - 21.1, tôi gọi cho 5 nhà đàm phán chuyên nghiệp hàng đầu và cuối cùng chọn được một người đã nhiều lần tư vấn đàm phán giải cứu tàu từ tay cướp biển thành công và thật may, ông là người tử tế”, Tuân nhớ lại.

Ngay lập tức, vị chuyên gia này đáp chuyến bay xuống Nội Bài và chạy thẳng về Công ty Hoàng Sơn, trụ sở tại đường Đà Nẵng, TP Hải Phòng. Ban giám đốc và vị chuyên gia ngồi họp hàng giờ liền bàn cách đối phó với hải tặc, mục tiêu đặt ra là phải sớm đưa 24 thủy thủ trở về nhà an toàn.

Cú điện thoại đầu tiên của tên cướp vùng Somalia khét tiếng gọi về thông báo: “Chúng tôi đang khống chế tàu, nếu công ty muốn đưa người và tàu trở về thì chi ra 8 triệu USD”.

Sau đó, các cuộc thương lượng đều thực hiện qua điện thoại, phía bên kia là một người đại diện bọn cướp để ra giá, người đàm phán chỉ là người đưa ra đề nghị, còn người quyết định là một “bộ sậu” giấu mặt đằng sau.

Ngay lập tức, Tuân phải lên mạng internet tìm hiểu thông tin về đất nước Somalia, về bọn cướp biển, và đặc biệt là khai thác tối đa thông tin từ chuyên gia tư vấn.

Trong lúc đó, ở phía bên kia, các thủy thủ vẫn đang bị tra tấn bằng những cực hình như phơi nắng hay bị buộc dây thừng vào người rồi thả xuống biển. Chúng liên tục gọi điện về Việt Nam thúc giục chuyển tiền, thỉnh thoảng chúng lại tra tấn thủy thủ và cho họ gọi về để gây sức ép.

Anh Lê Đình Huy, bếp trưởng, cũng tỏ ra khâm phục người đàm phán: “Em thường xuyên tiếp xúc với tụi cướp vì em hay phải giúp chúng nấu ăn nên em biết, nếu không khéo đàm phán thì dù có nhiều tiền cũng chưa chắc đã làm chúng thỏa mãn. Chúng đòi 10 triệu USD mà đáp ứng cả 10 triệu, chắc chắn chúng sẽ đòi lên 15 triệu USD vì chúng đang nắm đằng chuôi. Do đó, cái quan trọng là làm sao để cho những tên cướp thấy rằng chủ tàu cũng không thể có nhiều tiền hơn được. Việc tìm ra một con số (tiền chuộc - PV) hợp lý là mấu chốt vấn đề”.

Cuộc đàm phán đã có lúc tưởng chừng bế tắc, bởi một bên kiên quyết giữ giá cao, một bên muốn đàm phán xuống giá thấp, thấp nữa. Theo lời bếp trưởng Lê Đình Huy, nhóm cướp biển đã thay tới 3 người đại diện đàm phán.

"Về bản chất, đây là một nghề kinh doanh của nhóm cướp, do đó, chúng tôi hiểu rằng họ sẽ không giết con tin, không phá hủy tàu. Vấn đề quan trọng là làm sao đưa ra được một mức giá hợp lý, mà hai bên đều có thể chấp nhận được"

Lê Đỗ Tuân

Phía Công ty Hoàng Sơn, dù có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo công ty, nhưng chỉ một mình Lê Đỗ Tuân nghe điện thoại và trực tiếp đàm phán. Có những lần anh phải thức suốt 3 ngày đêm để nghĩ kế vượt qua bế tắc. Tuân kể: “Có khi tên cướp nổi cáu, quát lên trên điện thoại của tôi là: “Mày ở nhà ôm vợ mà không nghĩ gì đến 24 thủy thủ của mày đang ở trong tay chúng tao à? Nếu mày muốn cứu 24 người trở về thì phải tăng tiền lên ngay”, mình giận lắm nhưng vẫn phải giữ bình tĩnh, muốn cứu thủy thủ nhưng lấy đâu ra tiền để đáp ứng yêu cầu của chúng. Nếu mình cáu lên, thì có thể chúng sẽ trút giận lên thủy thủ và sự việc sẽ trở nên cực kỳ phức tạp”.

Có hôm anh phải lái xe đưa con trai hai tuổi rưỡi lên bệnh viện tại Hà Nội cấp cứu, nhưng trên đường đi, những tên cướp biển liên tục gọi vào máy khiến anh phải dừng xe để trả lời. “Hôm đó, tôi mất tới 4 giờ đồng hồ mới đi được quãng đường 100 km lên đến Hà Nội, trong khi con trai tôi bị bỏng bàn là, vợ chồng tôi rất lo lắng”, Tuân kể.

Có những khi anh phải tỏ ra kiên quyết, không nghe máy của cướp biển, trong một ngày có tới 35 cuộc gọi nhỡ từ châu Phi xa xôi.

Đến tháng 7.2011, sau hơn 6 tháng giam tàu, những tên cướp biển bắt đầu hạ giá tiền chuộc. “Cuối cùng, vào một ngày cuối tháng 7, dưới sự chỉ đạo sáng suốt, quyết đoán của Phó tổng giám đốc Nguyễn Trường Sơn và sự hỗ trợ hiệu quả của đội ngũ tư vấn chúng tôi đã đàm phán thành công và “chốt” được một con số rất thấp so với yêu sách ban đầu của cướp biển”.

“Anh đã nói gì để thuyết phục những tên cướp đồng ý với số tiền mà  công ty đưa ra”, tôi hỏi. Tuân giải thích: “Thực ra nói đến Việt Nam, những tên cướp biển Somalia rất xa lạ. Tôi phải dùng cả các số liệu về GDP đầu người, về ngành hàng hải Việt Nam, kể cả về nông dân Việt Nam, các thông tin mà chúng có thể tra cứu được trên internet, để thuyết phục chúng hiểu rằng, chúng tôi rất nghèo, trong khi đó từ cuối 2010, công ty lại liên tục gặp rất nhiều sự cố, sự thật là công ty chúng tôi đã làm hết khả năng và không thể cố hơn được nữa”.

“Về bản chất, đây là một nghề kinh doanh của nhóm cướp, do đó, chúng tôi hiểu rằng họ sẽ không giết con tin, không phá hủy tàu. Vấn đề quan trọng là làm sao đưa ra được một mức giá hợp lý, mà hai bên đều có thể chấp nhận được”, anh Tuân nói.

Thả tiền từ máy bay

Việc đàm phán đã xong, việc còn lại là làm sao để kiếm đủ tiền. Khó khăn lắm Công ty Hoàng Sơn mới xoay xở được nhiều chục tỉ đồng để đổi ra USD.

"Nhưng lấy gì để làm tin nếu các anh đã cho thả tiền từ máy bay mà bọn cướp biển không chịu thả người?", tôi thắc mắc. Tuân giơ tay lên trời: “Thì chỉ biết cầu trời phù hộ, tôi linh cảm nhóm cướp này giữ chữ tín”.

Ngày 15.9.2011, tại vùng biển Somalia, một chiếc máy bay lượn phía trên tàu Hoàng Sơn Sun với bọc tiền, sẵn sàng cho cuộc trao đổi. Sau khi nhìn thấy 24 người Việt Nam đứng trên boong tàu, phi công đã cho thả bọc tiền xuống biển. Nhưng sự việc chưa kết thúc tại đó.

“Trước đó, chúng tôi đã có các kênh để giám sát vị trí con tàu, tình trạng sức khỏe thuyền viên, tình trạng kỹ thuật của tàu. Mọi thứ đều thuận lợi, thủy thủ trả lời tàu có thể chạy về đến Oman. Nhưng 12 giờ sau khi thả tiền, tàu không có bất kỳ một thông tin nào. Đó là một ngày dài hơn một thập kỷ, phó tổng giám đốc và tôi không thể nào ngồi yên được, lòng nóng như lửa đốt”.

Rất may, sau đó đã có tin tàu vẫn đang hành trình, rồi 24 giờ sau khi thả tiền, thủy thủ đã đánh bức điện đầu tiên về công ty. Tất cả thở phào như vừa trút được một gánh nặng. Hóa ra các thủy thủ phải đưa bọn cướp trở về căn cứ của chúng rồi mới được hành trình đến Oman.

Tuân bảo sau khi kết thúc chiến dịch đàm phán giải cứu con tin, vị chuyên gia tư vấn đã đồng ý kết nạp anh vào nhóm chuyên tư vấn giải cứu con tin từ tay cướp biển.  

Káp Long - Nguyễn Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.