Phó thủ tướng Trung Quốc: Khuyến khích các doanh nghiệp thực lực, danh tiếng sang Việt Nam

Mai Hà
Mai Hà
(từ Bắc Kinh, Trung Quốc)
28/06/2023 13:05 GMT+7

Sáng 28.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).

Thông tin với các doanh nghiệp Trung Quốc tại diễn đàn, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), cho biết dù sau dịch tình hình đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đang chững lại, nhưng 6 tháng đầu năm, tổng mức đầu tư đạt 1,39 tỉ USD, đứng thứ 3 trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam.

Phó thủ tướng Trung Quốc: Khuyến khích các doanh nghiệp thực lực, danh tiếng sang Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung lắng nghe các doanh nghiệp Trung Quốc chia sẻ tại diễn đàn sáng 28.6

NHẬT BẮC

Làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam

Ông Đỗ Nhất Hoàng khẳng định, Việt Nam chủ động thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, phải có sự lan tỏa, liên kết với các doanh nghiệp Việt Nam, phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng win - win (cùng thắng lợi).

Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện Tập đoàn Yingke (doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm 2006 - PV) cho biết, Việt Nam có rất nhiều ưu thế như nhân lực phong phú, thị trường tiêu dùng ngày càng mở rộng. Người Việt Nam có năng lực sáng tạo tốt, cần cù. Việt Nam cũng đang là điểm sáng thu hút đầu tư trên thế giới.

Theo đại diện Yingke, môi trường đầu tư của Việt Nam đứng thứ 10 ở châu Á, kết quả tốt này do nhân tố chính trị ổn định, đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa… Về tăng trưởng, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân GDP trên 4.000 USD/người.

Lãnh đạo Tập đoàn Texhong - top 500 doanh nghiệp thế giới cũng cho hay đã đầu tư tại Việt Nam 20 năm với số vốn 1,6 tỉ USD trong lĩnh vực dệt may, cung ứng 20.000 việc làm. Doanh nghiệp mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Các tập đoàn kinh tế lớn Trung Quốc muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam

Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Lưu Quốc Trung nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa Việt Nam - Trung Quốc “láng giềng tốt, bạn bè tốt, núi sông liền một dải như môi với răng”. Nhắc lại chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 11.2022, theo ông, hai bên đã đạt được nhận thức quan trọng về mối quan hệ giữa hai nước. Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho quan hệ chiến lược giữa hai nước.

Phó thủ tướng Trung Quốc: Khuyến khích các doanh nghiệp thực lực, danh tiếng sang Việt Nam - Ảnh 2.

Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung

NHẬT BẮC

Theo Phó thủ tướng Trung Quốc, quan hệ hợp tác thương mại hai nước những năm gần đây phát triển nhanh, phong phú, kim ngạch song phương tăng nhanh. 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch hai nước chiếm gần 1/4 kim ngạch song phương ASEAN - Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với ASEAN, lớn thứ 6 thế giới.

Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp có thực lực, có danh tiếng sang Việt Nam đầu tư. Chúng tôi sẽ cung cấp nhiều dịch vụ xúc tiến đầu tư tốt hơn cho doanh nghiệp hai nước làm ăn, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung

Hiện, mối quan hệ hợp tác hai nước rất chặt chẽ, có nhiều thành tựu về hợp tác đầu tư. Việt Nam là đối tác đầu tư lớn thứ 4 ASEAN của Trung Quốc từ năng lượng, năng lượng xanh… Một loạt dự án mang tính tiêu biểu đã được thực hiện tại Việt Nam.

“Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam chung tay một hướng cùng tiến lên; thúc đẩy quan hệ hợp tác Trung - Việt lên tầm cao mới, đẩy nhanh quan hệ kết nối chiến lược, kiên trì nguyên tắc cùng bàn bạc, cùng xây dựng, cùng hưởng lợi”, ông Lưu Quốc Trung nhấn mạnh.

Phải có tổ công tác thúc đẩy đầu tư, thương mại

Về vấn đề cụ thể, Phó thủ tướng Trung Quốc cũng khẳng định nước này sẵn sàng nhập khẩu gạo chất lượng cao của Việt Nam và các sản phẩm chất lượng cao khác. Đồng thời, thúc đẩy đầu tư các ngành nghề công nghiệp và lĩnh vực hai nước có thế mạnh, tìm kiếm hợp tác giao lưu trong kinh tế xanh, kinh tế số…

“Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp có thực lực, có danh tiếng sang Việt Nam đầu tư. Chúng tôi sẽ cung cấp nhiều dịch vụ xúc tiến đầu tư tốt hơn cho doanh nghiệp hai nước làm ăn, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư…”, Phó thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh và mong muốn Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc.

Phó thủ tướng Trung Quốc: Khuyến khích các doanh nghiệp thực lực, danh tiếng sang Việt Nam - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các doanh nghiệp Trung Quốc

NHẬT BẮC

Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp và Phó thủ tướng Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ KH-ĐT và các bộ, ngành tiếp thu và tìm ra giải pháp tốt nhất cho các nhà đầu tư để cống hiến cho sự phát triển của hai nước.

Đặc biệt, theo Thủ tướng, qua các cuộc làm việc và hội kiến với các cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, ông nhận thấy hai nước phải có tổ công tác để thúc đẩy đầu tư, thương mại hai nước.

“Sau khi xác lập mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc với tinh thần đối tác chiến lược trong thời đại mới, phải có đổi mới cả về tư tưởng chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cơ chế để vận hành. Phải có tổ công tác chuyên biệt về các vấn đề đầu tư, thương mại; làm sao để hợp tác đầu tư và thương mại với Trung Quốc đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, vừa là đồng chí, vừa là anh em”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Quyết tâm lập kỷ lục mới về đầu tư, thương mại

Thủ tướng cũng nêu rõ các chính sách của Việt Nam, thực hiện 3 đột phá chiến lược: thứ nhất là hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông, điện, công nghệ thông tin… Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi hội kiến cũng đề cập việc đẩy mạnh hợp tác hạ tầng hai nước. 

Thứ hai là đột phá về thể chế, từng bước hoàn thành thể chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba là đầu tư nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Ngoài ra, hệ thống pháp luật phải nhất quán, lâu dài, đảm bảo cho các nhà đầu tư có không gian phát triển ổn định, đi lên.

“Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Việt Nam phải làm gì? Nếu khó khăn mà không tháo gỡ được thì doanh nghiệp sao phát triển được”, Thủ tướng nêu rõ. Theo ông, Việt Nam đặt mục tiêu phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư FDI…

Về hợp tác giữa hai nước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã khẳng định, thị trường Trung Quốc với 1,4 tỉ dân luôn sẵn sàng chào đón hàng hóa của Việt Nam.

Phó thủ tướng Trung Quốc: Khuyến khích các doanh nghiệp thực lực, danh tiếng sang Việt Nam - Ảnh 5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung

NHẬT BẮC

“Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam rất nhiều nhưng vẫn còn dư địa để lập những kỷ lục mới nữa. Ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cần phải nỗ lực, cố gắng hơn. Còn rất nhiều dư địa để lập các kỷ lục mới, nhất là các lợi thế như không khí chính trị tin cậy, mối quan hệ lịch sử núi liền núi, sông liền sông”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cũng cam kết làm hết sức mình để hoàn thiện thể chế, hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực tốt cho các nhà đầu tư có thể yên tâm, góp phần giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng cường hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc lại, trong cuộc hội kiến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tiêu biểu của Trung Quốc sang đầu tư tại Việt Nam. Đây là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư thương mại Trung Quốc và Việt Nam nâng cao phạm vi, đối tượng và chất lượng xâm nhập vào thị trường của nhau, quyết tâm lập các kỷ lục đầu tư, thương mại mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.