Phó thủ tướng Trần Lưu Quang: 'Quy trình của chúng ta thì rất lằng nhằng'

Mai Hà
Mai Hà
07/06/2023 10:39 GMT+7

Giải trình thêm với đại biểu Quốc hội sáng 7.6 liên quan đến việc chậm triển khai Chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc miền núi, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang thẳng thắn nhận khuyết điểm vì không đạt mục tiêu đề ra.

Được mời giải trình thêm về các vấn đề dân tộc, miền núi trong phiên chất vấn của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang thẳng thắn chia sẻ: “Với trách nhiệm được phân công chỉ huy thực hiện chương trình, tôi xin nhận khuyết điểm trước Quốc hội và bà con đang sinh sống tại vùng núi, chương trình này và 2 chương trình còn lại không đạt mục tiêu đề ra, nói cách khác là rất chậm”.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhận trách nhiệm chậm triển khai, lo ‘mất cán bộ’ - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhận khuyết điểm với tư cách được phân công chỉ huy, song chương trình mục tiêu quốc gia triển khai rất chậm

GIA HÂN

Theo ông, tính đến 31.5, phần vốn của của năm 2022 cho chương trình này chỉ đạt 58,4%, riêng vốn năm 2023 đạt 17,01%. Trong khi đó, chương trình chỉ còn 2,5 năm để thực hiện. “Nhiều đại biểu nói rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thụ hưởng chương trình này đang sống ở các vùng phên dậu Tổ quốc, đang chịu rất nhiều khó khăn để giữ từng mảnh đất thiêng liêng, nên trách nhiệm của chúng tôi càng lớn hơn”, Phó thủ tướng nêu.

Theo ông, có 3 vướng mắc chính, vấn đề quan trọng nhất là phải cố gắng tháo gỡ thật nhanh thời gian tới.

Thứ nhất là văn bản rất nhiều, 3 chương trình mục tiêu quốc gia có tới 73 văn bản. Riêng chương trình này tích hợp từ 108 chính sách, chịu sự quản lý của 23 bộ, ngành T.Ư nên chồng chéo, xung đột.

Phó thủ tướng cũng thông tin, “qua khảo sát tại 4 khu vực và các hội nghị trực tuyến ghi nhận 339 thắc mắc của anh em cơ sở, vì không biết làm thế nào cho đúng”. Tới nay, 18/18 bộ, ngành đã có văn bản trả lời, đạt khoảng 78% câu hỏi, phần còn lại thì sửa Nghị định 27, ban hành một số thông tư. Trong đó khó nhất là sửa nghị định, song đến sáng nay có 23/27 ý kiến thành viên Chính phủ đồng ý, hôm nay sẽ giao Bộ KH-ĐT tổng hợp báo cáo Thủ tướng ban hành trước ngày 15.6.

“Thật lòng mà nói, tôi đã hứa với Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội sẽ xong việc này nhưng mất thêm 2,5 tháng nữa, đến ngày 15.6 mới xong”, ông Quang nói.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang: “Quy trình của chúng ta thì rất lằng nhằng”

Cán bộ địa phương thấy nơi nào cũng khó, tâm lý "hoa thơm mỗi người hưởng một tí, đều vui vẻ". Hoặc có đặc thù, ví dụ khảo sát một tỉnh Tây nguyên được hưởng 200 tỉ đồng nhưng có 400 dự án. Có dự án 500 triệu đồng một đoạn đường ngắn ngủn, với đặc thù vùng cao thì khó mà kết nối, phát huy hiệu quả được.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang

Cũng theo Phó thủ tướng, thực tế khi khảo sát địa phương cho thấy, tính đến ngày 31.1, vốn T.Ư chỉ giải ngân được 46%, nhưng vốn đối ứng địa phương giải ngân được 98,9%, cho thấy “thẩm quyền địa phương thì giải quyết rất nhanh, nhưng quy trình của chúng ta thì rất lằng nhằng”.

Ngoài ra, các địa phương không phải nơi nào cũng quan tâm triển khai chương trình như nhau. Nơi nào quan tâm thì nơi đó tiền mới "chạy", đến giờ này vẫn còn 6 địa phương là Bình Thuận, Long An, Bạc Liêu, Bến Tre… nợ hướng dẫn thuộc thẩm quyền địa phương.

Vướng thứ 3 theo Phó thủ tướng là trình độ cán bộ trực tiếp triển khai, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa rất hạn chế, thủ tục lằng nhằng, chậm và nguy cơ dễ dẫn đến sai sót.

Không chỉ chương trình này mà cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, dự án triển khai một số nơi rất manh mún dàn trải. Lý do, nguồn lực cơ bản không thể đáp ứng được mong muốn của tất cả mọi người.

Cán bộ địa phương thấy nơi nào cũng khó, tâm lý “hoa thơm mỗi người hưởng một tí, đều vui vẻ”. Hoặc có đặc thù, ví dụ khảo sát 1 tỉnh Tây nguyên được hưởng 200 tỉ đồng nhưng có 400 dự án. Có dự án 500 triệu đồng một đoạn đường ngắn ngủn, với đặc thù vùng cao thì khó mà kết nối, phát huy hiệu quả được.

Chưa kể, số lượng hồ sơ rất nhiều, làm hồ sơ cũng phải mất vài ba năm. “Với trình độ anh em như vậy, rủi ro là rất lớn, có khi mất cán bộ”, Phó thủ tướng nêu nguy cơ.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhận trách nhiệm chậm triển khai, lo ‘mất cán bộ’ - Ảnh 3.

Phó thủ tướng lắng nghe ý kiến các đại biểu sáng 7.6

GIA HÂN

Cũng theo ông, Nghị định 27 sẽ giải quyết được 5 câu chuyện lớn, trong đó lồng ghép các nguồn vốn để gia tăng nguồn lực… “Chúng tôi ghi nhận với đại biểu Vũ Thị Lưu Mai tinh thần sẽ tiếp tục giải quyết trên cơ sở các vấn đề phát sinh”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, chất vấn Bộ trưởng Hầu A Lềnh chiều 6.6, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội), chỉ rõ báo cáo số 100 của Chính phủ cho thấy, còn tình trạng hướng dẫn chậm, hướng dẫn sai, giải ngân kém phải trình Quốc hội dẫn đến kéo dài thời gian, huy động vốn kém.

Đáng ngạc nhiên hơn khi nói về nguyên nhân hạn chế, báo cáo của Ủy ban Dân tộc nói do thời tiết, do Covid-19, do biến động quốc tế. Đại biểu Mai đề nghị chỉ rõ nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm cá nhân Bộ trưởng?

Về sử dụng vốn, ngoài việc giải ngân rất thấp, chỉ đạt hơn 4.600 tỉ đồng, bằng 51% thì một phần không nhỏ được giải ngân cho hội thảo, tập huấn. Đơn cử như hội thảo bình đẳng giới hết 64 tỉ đồng, tư vấn quan hệ hôn nhân 102 tỉ đồng, kiểm tra hội thảo 88 tỉ đồng, trong khi xây dựng mạng lưới cơ sở chỉ đạt 33 tỉ đồng. Bà Mai đề nghị cho biết việc thực hiện như vậy có hợp lý hay không?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.