Philippines chính thức gia nhập RCEP

Khánh An
Khánh An
22/02/2023 09:12 GMT+7

Philippines chính thức gia nhập RCEP, trở thành thành viên mới nhất gia nhập thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới.

Thượng viện Philippines phê chuẩn việc gia nhập RCEP - Ảnh 1.

Hàng hóa tại một cảng ở Manila, Philippines

REUTERS

Tờ The Philippine Star ngày 22.2 đưa tin Philippines chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với hy vọng thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới này có thể đem lại nguồn hàng rẻ hơn và thu hút việc làm tốt hơn.

Thượng viện Philippines vào tối 21.2 bỏ phiếu thông qua việc gia nhập RCEP, thỏa thuận giữa 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Philippines là bên sau cùng thông qua việc gia nhập thỏa thuận vốn có hiệu lực từ tháng 1.2021.

RCEP được xây dựng dựa trên các thỏa thuận song phương hiện có của ASEAN và các đối tác thương mại tự do, giúp cắt giảm khoảng 92% thuế suất đối với hàng hóa giao dịch giữa các thành viên.

Hiệp định còn cung cấp khả năng tiếp cận thị trường ưu đãi về những sản phẩm cụ thể và thúc đẩy chuỗi cung ứng trong khu vực. RCEP liên quan khu vực gồm 2,1 tỉ người và chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, tương đương 26.000 tỉ USD.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr ủng hộ RCEP, được thông qua vào tháng 9.2021 bởi người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, nhưng cần sự phê chuẩn của tối thiểu 2/3 thượng nghị sĩ.

Ông Marcos Jr đối diện thời gian đầu của nhiệm kỳ với lạm phát gia tăng và nhiều khủng hoảng về nông nghiệp nên xem RCEP là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách mở cửa thêm thị trường và giúp thu hút đầu tư.

Có 20/24 thượng nghị sĩ ủng hộ RCEP, 1 người bỏ phiếu chống, 1 người bỏ phiếu trắng và 2 người không bỏ phiếu.

Thượng nghị sĩ Imee Marcos, chị gái của ông Marcos Jr., bỏ phiếu trắng và thượng nghị sĩ Risa Hontiveros bỏ phiếu chống. Hai nghị sĩ này lo ngại về cạnh tranh thị trường khi gia nhập RCEP sẽ ảnh hưởng nông dân Philippines.

Tuy nhiên, Chủ tịch Thượng viện Juan Miguel Zubiri tin rằng RCEP sẽ giúp tạo 1,4 tỉ việc làm đến năm 2031. Ông cho biết còn nhiều việc phải làm để giải quyết những vấn đề về nông nghiệp trong nước.

"Giờ đây chúng ta đã thấy những nước láng giềng được lợi ích như thế nào từ việc gia nhập thỏa thuận, tôi tin rằng chúng ta đã lựa chọn đúng khi sau cùng đồng ý phê chuẩn việc gia nhập", ông phát biểu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.