Phát hiện hành tinh ‘lưỡng diện’, nơi vận tốc gió nhanh hơn đạn rời nòng

06/05/2024 09:45 GMT+7

Các nhà khoa học đã sử dụng kính James Webb để xây dựng mô hình thời tiết trên một hành tinh cách trái đất khoảng 280 năm ánh sáng và phát hiện điều bất thường tại đây.

Mô phỏng hành tinh WASP-43 b

Mô phỏng hành tinh WASP-43 b

NASA

Hành tinh có tên WASP-43b, thuộc nhóm khổng lồ khí với cấu tạo chủ yếu là hydrogen và helium. Nhiệt độ của WASP-43b nóng hơn bất kỳ hành tinh khổng lồ khí nào của hệ mặt trời, do khoảng cách quá gần của nó và sao trung tâm.

WASP-43b chỉ mất vỏn vẹn khoảng 19 giờ trái đất để hoàn tất quỹ đạo quanh sao trung tâm. Khoảng cách như thế này đồng nghĩa hành tinh cùng bị khóa chặt một mặt về hướng sao trung tâm, nên gọi là hành tinh "lưỡng diện", theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature Astronomy.

Tư thế trên của WASP-43b khiến bề mặt đối diện sao trung tâm lên đến 1.260 độ C, ngưỡng nhiệt độ đủ làm nóng chảy kim loại sắt, làm bốc hơi đất đá và mang mọi thứ lên các tầng mây của nó.

Phần còn lại của hành tinh dù chìm trong đêm dài vĩnh cửu vẫn nóng đến 600 độ C. Tuy nhiên, sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa phần ngày và đêm dẫn đến vận tốc gió trên hành tinh có thể lên đến 9.000 km/giờ.

Để dễ so sánh, vận tốc một viên đạn rời nòng vào khoảng 3.000 km/giờ.

WASP-43b được phát hiện năm 2011 và ban đầu được nghiên cứu nhờ vào bộ đôi kính viễn vọng không gian Hubble và Spitzer. Phải đến khi kính James Webb được phóng, các nhà nghiên cứu mới có thể khám phá chi tiết cụ thể hơn về khí quyển của hành tinh.

"Với kính Hubble, chúng tôi thấy được hơi nước bốc lên ở khu vực ban ngày. Cả Hubble và Spitzer đều cho rằng mây có thể xuất hiện ở phần đêm", theo tác giả Taylor Bell của Viện Nghiên cứu Môi trường Khu vực Vịnh ở San Jose (bang California, Mỹ).

Nhờ kính James Webb, nhóm của ông mới thực hiện được những đo đạc chính xác hơn, như xây dựng mô hình nhiệt độ, sự bao phủ mây, gió và những chi tiết khác của thời tiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.