Y án hai “phù thủy” lừa đảo cổ vật

27/01/2013 02:29 GMT+7

Ngày 24.1, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã bác đơn kháng cáo của Zhong Tielin (tức Trung Thiết Lâm) và Yang Faqing (tức Dương Phát Khánh, cả hai đều có quốc tịch Trung Quốc) và tuyên y án sơ thẩm.

Trước đó, ngày 11.7.2012,  TAND TP.Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Trung Thiết Lâm 18 năm tù; Dương Phát Khánh 17 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo án sơ thẩm, với mục đích vào Việt Nam để lừa đảo, Trung Thiết Lâm, Dương Phát Khánh và một đối tượng khác có tên “A Linh” (hiện chưa xác định được nhân thân) đã bàn bạc và phân công nhau: “A Linh” có nhiệm vụ tìm hiểu những người Việt Nam biết tiếng Hoa; còn Lâm và Khánh sẽ mang các pho tượng Phật màu vàng và nhiều thỏi kim loại hình thuyền màu vàng, nói dối là công nhân đang thi công công trình xây dựng tại Việt Nam, trong quá trình làm việc đào được các cổ vật...

Y án hai “phù thủy” lừa đảo cổ vật
Hai “phù thủy” lừa đảo hàng tỉ đồng tại TAND TP.Hà Nội - Ảnh: Thanh Danh

Ngày 10.8.2011, “A Linh” điện thoại cho ông Vi Tô Nam, trú tại Q.Hải Châu, Đà Nẵng. Đóng vai là công nhân nước ngoài làm việc tại Việt Nam vừa đào được một hũ đất, bên trong có một số tượng Phật, thỏi kim loại màu vàng, tiền cổ và tờ di chúc bằng chữ Hán cổ, muốn nhờ ông Nam xem và kiểm tra hộ chất lượng vàng. Sau đó, Lâm và Khánh mang theo 6 pho tượng Phật, 65 thỏi kim loại màu vàng đến gặp ông Nam. Tại nhà ông Nam, Khánh cưa một mẩu nhỏ từ thỏi kim loại hình thuyền để ông Nam kiểm tra xem có phải vàng thật không. Lợi dụng lúc ông Nam không để ý, Khánh tráo đổi một mẩu vàng thật đã chuẩn bị từ trước để khi mang đi thử, kết quả chắc chắn là vàng thật. Khi ông Nam đi thử về, bọn chúng nói muốn bán số cổ vật trên cho ông Nam với giá 120.000 USD, sau đó hạ xuống 100.000 USD. Ngày 19.8.2011, ông Nam cùng vợ ra Hà Nội để thực hiện việc mua bán. Tại một khách sạn trên phố Mã Mây, Lâm và Khánh đã giao “cổ vật” và nhận của ông Nam hơn 2 tỉ đồng, tương đương 100.000 USD. Khi mang số “cổ vật” trở về Đà Nẵng, ông Nam kiểm tra lại thì phát hiện bị lừa. Sau khi lấy tiền của ông Nam thì Lâm, Khánh và “A Linh” đã xuất cảnh rời khỏi Việt Nam.

Hai tháng sau, Lâm, Khánh và “A Linh” tiếp tục trở lại Việt Nam. Thông qua mạng internet, “A Linh” tìm gặp anh Đỗ Thái Hán, trưởng một văn phòng luật tại Q.Cầu Giấy, Hà Nội. Với thủ đoạn cũ, bọn chúng rao bán 3 pho tượng Phật Di lặc, 38 thỏi vàng hình thuyền với giá 125.000 USD (tại thời điểm đó tương đương hơn 2,5 tỉ đồng). Nhưng lần này, chúng đã gặp phải đối thủ “cao tay”. Nghi ngờ số “cổ vật” là đồ giả, anh Hán đã báo cho Công an P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy bắt giữ Lâm và Khánh khi hai tên này mang “cổ vật” đến giao cho anh Hán để nhận tiền. Riêng đối tượng “A Linh” do chưa xác định được nhân thân nên cơ quan tố tụng tách ra để tiếp tục điều tra, khi nào có căn cứ sẽ xử lý sau.

Với số “cổ vật” là tang vật chứng vụ án, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định, kết quả số “cổ vật” này đều được làm bằng hợp kim đồng, kẽm, nhôm chứ không phải bằng vàng.

Phản cung chối tội

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, hai bị cáo này tỏ ra ngoan cố, phản cung  không chịu nhận tội. Hội đồng xét xử đã công bố lời khai tại cơ quan điều tra và các chứng cứ khác, đặc biệt là kết quả giám định nhằm làm rõ hành vi phạm tội của hai bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử cũng thống nhất án sơ thẩm xét xử hai bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Thái Uyên - Thanh Danh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.