UBND tỉnh “né” thi hành án

16/12/2012 03:25 GMT+7

Hành trình cam go mới thắng kiện được UBND tỉnh theo phán quyết của tòa án nhưng đến thời điểm này, mọi chuyện cũng bằng không vì không có cơ quan nào cưỡng chế chính quyền thi hành án.

UBND tỉnh “né” thi hành án
Ông Đặng Đình Lạp với chồng hồ sơ và đơn kiện, lúc nào cũng trên tay, đi kêu cứu các tòa báo ở Nha Trang. Ảnh chụp ngày 7.12.2012  - Ảnh: Trần Đăng

Ông Đặng Đình Lạp ở 100 Trần Phú, Nha Trang (Khánh Hòa) được TAND tối cao xử thắng kiện quyết định hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhưng bản án “có hiệu lực thi hành ngay” chẳng những không được thi hành theo quy định của pháp luật mà trái lại, bên thắng kiện còn “bầm dập” hơn.

 

Không còn biết phải gõ cửa cơ quan nào

Trong khi bản án đang có hiệu lực thì ngược lại, trong hai năm qua, UBND tỉnh này lại liên tục ra nhiều quyết định cưỡng chế đối với ông Lạp. Cứ sau mỗi quyết định của chính quyền đòi cưỡng chế, ông Lạp lại vác đơn đi gõ cửa khắp các cơ quan báo chí để kêu cứu. Vì theo ông, UBND tỉnh đã không chấp hành bản án thì ông cũng không còn biết phải gõ cửa cơ quan nào khác. “Tôi như đang bị khủng bố bởi các quyết định của chính quyền đòi cưỡng chế. Hễ mỗi lần như thế là huyết áp tăng đột ngột, bệnh thần kinh tái phát, không biết sống chết ngày nào”, ông Lạp nói trong nước mắt.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có công văn gửi UBND tỉnh Khánh Hòa, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra làm rõ trách nhiệm của UBND tỉnh Khánh Hòa trong việc thực hiện bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng cũng chưa thấy kết quả gì.

Theo hồ sơ, ông Lạp nguyên là giáo viên dạy tại Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật không quân (đóng tại Nha Trang). Năm 1984, ông được nhà trường cấp một căn hộ (41 m2) tại trạm khách T25 khu 100 Trần Phú, Nha Trang. Tháng 6.1994, nhà trường bán thanh lý cho ông Lạp căn hộ trên, cùng số đất còn lại trong khuôn viên, với tổng diện tích cả nhà và đất là 120 m2. Gia đình ông Lạp đã ở yên ổn từ đó cho đến năm 2000, ông đến Sở Địa chính (nay là Sở TN-MT) làm thủ tục xin đăng ký sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Sở Địa chính lúc bấy giờ đã cử người xuống tận nơi để xem thực địa cũng như các văn bản liên quan đến thửa đất mà ông Lạp đang ở và thấy rằng toàn bộ diện tích đất này của ông Lạp là không có tranh chấp, vì vậy, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà là không bị vướng mắc gì. Tuy nhiên, UBND tỉnh quyết định thu hồi một phần diện tích đất của ông để cấp cho hai hộ khác. Thấy bất công nhưng khiếu nại hoài không được, ông Lạp đã khởi kiện quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh ra tòa hành chính.

Tại phiên xử sơ thẩm, TAND tỉnh Khánh Hòa đã bác đơn kiện của ông Lạp. Trong thời gian án chưa phát sinh hiệu lực, Sở TN-MT tiến hành lập đoàn cưỡng chế thi hành quyết định, đưa lực lượng đến giăng dây đóng cọc chia lô. Vì quá căng thẳng, ông Lạp đã đột quỵ, người nhà phải đưa ông đi cấp cứu. Sợ ông Lạp chết, đoàn cưỡng chế cũng tự giải tán ra về.

Khi ông Lạp kháng cáo lên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử của TAND tối cao tại Đà Nẵng trong phiên xử ngày 20.3.2009 đã lật ngược bản án, tuyên hủy quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về việc thu hồi đất của ông Lạp. Theo quy định, án phúc thẩm là “có hiệu lực thi hành ngay”, các bên đều không còn quyền kháng cáo, thế nhưng bên thua kiện vẫn không chấp hành án mà tiếp tục khiếu nại lên Chánh án TAND tối cao xin xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm. Đầu năm 2010, TAND tối cao đã trả lời “không có căn cứ để xem xét” nhưng đến nay mọi chuyện vẫn chưa dừng lại.

Đúng như một cán bộ TAND tối cao tại Đà Nẵng nói, việc UBND tỉnh Khánh Hòa không chấp hành bản án, làm khổ người dân là điều “bất thường”!

Trần Đăng - Thiện Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.