Tòa án cũng phạm luật nghiêm trọng

30/09/2012 03:30 GMT+7

Qua các vụ án hình sự có kháng cáo, cấp phúc thẩm của TAND TP.HCM đã phát hiện một số Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm của TAND quận, huyện xét xử rất tùy tiện, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

“Quên” 9 người liên quan

HĐXX phúc thẩm của TAND TP.HCM vừa quyết định tuyên hủy bản án sơ thẩm xét xử Đinh Quốc Việt (nguyên Giám đốc Công ty Việt Phong) và Lê Quý Đắc (45 tuổi, ngụ Q.3) để điều tra xét xử lại từ đầu, do phát hiện cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

  
Minh họa: DAD

Theo hồ sơ vụ án, ngày 14.1.2010, ông Lê Quốc Ngọc (Giám đốc Công ty Đất Nam) ký hợp đồng với Công ty Việt Phong thuê Việt làm tư vấn và lo thủ tục pháp lý trong việc sang nhượng và xin giấy phép xây dựng trên lô đất 10 ha tại xã Phong Phú (H.Bình Chánh, TP.HCM). Thực hiện hợp đồng, Công ty Đất Nam chuyển cho Việt trước 1 tỉ đồng. Sau đó, Việt làm giả nội dung Thông báo số 7 và Quyết định số 11/QĐ của UBND H.Bình Chánh với nội dung thành lập hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng. Việt thuê Đắc làm giả con dấu, chữ ký của Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND H.Bình Chánh trong các văn bản trên với giá 4 triệu đồng. Tin tưởng Việt, từ ngày 4.2 - 13.3.2008, Công ty Đất Nam đã chuyển cho Việt tổng cộng 15,3 tỉ đồng để đặt cọc mua đất của 9 hộ dân tại lô đất nói trên. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với các hộ dân đã nhận tiền đặt cọc, Công ty Đất Nam biết được khu đất này đã được giao cho một công ty khác. Xác minh thông báo cùng quyết định của UBND H.Bình Chánh đều là giả, Công ty Đất Nam đã trình báo Công an H.Bình Chánh. Ngày 21.3, TAND H.Bình Chánh đã xử phạt Việt 4 năm tù và Đắc 3 năm tù cùng về tội “làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức”.

Tại phiên xử phúc thẩm, HĐXX phát hiện cấp sơ thẩm của TAND H.Bình Chánh khi xét xử vụ án này đã vi phạm nghiêm trọng hàng loạt thủ tục tố tụng. Cụ thể, không triệu tập 9 hộ dân là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, vi phạm thời gian tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử. Ngoài ra, tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên Việt bồi thường cho Công ty Đất Nam 15,3 tỉ đồng là không đúng pháp luật vì Việt không chiếm đoạt số tiền này mà dùng để đặt cọc mua đất của các hộ dân. Vì các lý do trên, HĐXX đã quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại.

Để lọt người, lọt tội…

TAND TP.HCM cũng vừa tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vụ Lê Văn Hoàng và Phạm Hồng Sơn trộm cắp tài sản vì phát hiện hàng loạt sai phạm của cấp sơ thẩm.

Theo hồ sơ, Lê Văn Hoàng làm quản lý kho hàng cho công ty kinh doanh về văn phòng phẩm của chị Nguyễn Thị Thảo. Cuối năm 2010, thấy việc quản lý hàng hóa lỏng lẻo, Hoàng lén làm thêm chìa khóa kho. Sau đó, hằng ngày Hoàng lấy trộm hàng hóa bỏ vào thùng để gần cửa sạp. Sáng hôm sau, Hoàng đến sớm dùng chìa khóa phụ mở cửa, lấy hàng đưa cho Phạm Hồng Sơn đem bán. Cả hai đã thực hiện trót lọt được khoảng 20 lần, chiếm đoạt khoảng 100 triệu đồng thì bị bắt. Tháng 5.2012, TAND Q.6 phạt Hoàng 3 năm tù, Sơn 30 tháng tù cùng về tội “trộm cắp tài sản”. Sau đó, cả Hoàng và Sơn cùng kháng cáo xin cho hưởng án treo. Chị Thảo cũng kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt và làm rõ về số tiền bồi thường thiệt hại. Theo chị Thảo, tổng tài sản chị bị mất là 632 triệu đồng chứ không phải 100 triệu đồng như cáo trạng quy kết.

Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX của TAND TP.HCM xác định thủ tục tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được tiến hành trước 10 ngày, trong vụ án này TAND Q.6 chỉ gửi giấy triệu tập đến chị Thảo trước có 4 ngày đã đưa vụ án ra xét xử là sai. Tòa sơ thẩm cũng không cho người bị hại và bị cáo đối chất, thỏa thuận bồi thường thiệt hại. Đồng thời, trong suốt quá trình điều tra, cơ quan điều tra không yêu cầu chị Thảo cung cấp chứng cứ, không cho đối chất giữa hai bị cáo là vi phạm tố tụng. Ngoài ra, người tiêu thụ tài sản biết hai bị cáo trộm cắp bán nhưng không xử lý người này là lọt người, lọt tội…  

Cao Minh Trực - Quang Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.