Những vụ án 'đầu voi đuôi chuột': “Chìm” theo tàu Dìn Ký

05/03/2014 09:00 GMT+7

16 mạng người đã chìm theo con tàu Dìn Ký cách đây gần 3 năm được xác định do tài công không có bằng lái theo quy định. Tuy nhiên, đến nay vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử.

16 mạng người đã chìm theo con tàu Dìn Ký cách đây gần 3 năm được xác định do tài công không có bằng lái theo quy định. Tuy nhiên, đến nay vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử.

Những vụ án “đầu voi đuôi chuột”: “Chìm” theo tàu Dìn Ký

Tàu Dìn Ký đã chìm cách đây gần 3 năm cùng với 16 mạng người, nhưng đến nay vẫn chưa được đưa ra xét xử - Ảnh: Gia Khánh

Tối 20.5.2011, chiếc tàu 2 tầng của Khu du lịch (KDL) Dìn Ký - chi nhánh cầu Ngang (P.Bình Nhâm, TX.Thuận An, Bình Dương) do tài công Nguyễn Văn Đức (31 tuổi) điều khiển, chở theo hàng chục du khách dự tiệc sinh nhật con trai ông Quách Lương Tài, Giám đốc Công ty TNHH Lan Anh (TX.Dĩ An, Bình Dương) thì bất ngờ trời mưa to kèm theo gió lớn. Trên đường quay đầu về bến cách bờ chừng 100 m tàu chao đảo, lật ngang làm 16 người, trong đó có 6 em nhỏ bị nhấn chìm xuống sông. Ngày 21.5.2011, Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương khởi tố vụ án để điều tra vụ tai nạn thảm khốc, trong đó có 4 nạn nhân là người Trung Quốc.

Lái tàu chỉ là nhân viên… phục vụ

Ngày 29.5.2011, Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương tiếp tục khởi tố bị can, bắt tạm giam lái tàu Nguyễn Văn Đức về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Công an xác định Đức vốn chỉ là nhân viên phục vụ, không có bằng lái tàu nên đã không điều khiển được tàu vào bờ khiến tàu lật nghiêng, chìm nhanh xuống sông. Đồng thời khởi tố bị can và bắt giam Lao Văn Quan (31 tuổi), Quản lý bộ phận dịch vụ KDL Dìn Ký về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy. Quan là người biết rõ Đức không đủ điều kiện điều khiển con tàu, nhưng vẫn giao đưa khách du lịch tham quan.

Sau hơn 1 năm kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn thảm khốc, ngày 30.5.2012, Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương bất ngờ ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can, thả tự do Nguyễn Văn Đức và Lao Văn Quan. Vụ án bắt đầu “chìm” dần cho đến ngày 23.8.2013 - sau khi một số tờ báo “khơi” vụ án chậm đưa ra xét xử, thì Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương mới phục hồi điều tra vụ án, điều tra bị can. Đến ngày 2.12.2013, vụ án được chuyển đến cho Viện KSND TX.Thuận An để truy tố 2 bị can Nguyễn Văn Đức và Lao Văn Quan ra trước tòa.

Chậm do ủy thác không đạt yêu cầu

Trả lời PV Thanh Niên bằng văn bản, ông Nguyễn Văn Nhiều, Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Dương, cho biết trong vụ án có 4 bị hại là người Trung Quốc. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhằm bảo vệ quyền lợi của đại diện hợp pháp của các bị hại có quốc tịch Trung Quốc, ngày 26.12.2011, Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương đã gửi yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự cho Viện KSND tối cao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. “Do chưa nhận được kết quả trả lời, mà thời hạn điều tra đã hết nên ngày 30.5.2012, Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can để chờ kết quả ủy thác tư pháp từ phía Trung Quốc”, ông Nhiều lý giải.

Cũng theo ông Nhiều, đến 17.10.2012, Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương đã nhận được kết quả ủy thác. “Sau khi dịch ra tiếng Việt Nam thì lại không đạt kết quả theo yêu cầu do phía Trung Quốc không xác định được gia đình của bị hại Guo De Cai, Guo Dong Hui, Jiang Li đến Việt Nam vào tháng 5.2011. Sau khi phục hồi điều tra, ngày 16.9.2013, Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương tiếp tục ủy thác tư pháp lần 2, nhưng vẫn chưa nhận được kết quả trả lời nên chuyển cho Viện KSND TX.Thuận An xử lý theo thẩm quyền, tách phần yêu cầu bồi thường liên quan đến các bị hại có quốc tịch Trung Quốc ra xử lý trong một vụ án dân sự khác khi có yêu cầu”, ông Nhiều cho biết thêm.  

Cũng trong nội dung gửi cho Viện KSND tỉnh Bình Dương, chúng tôi nêu một loạt vấn đề chẳng hạn như vì sao không tách phần hình sự ra xét xử trước? Viện KSND tỉnh Bình Dương thực hiện việc giám sát trong vụ án này ra sao? Dư luận đang hoài nghi vụ án đang bị “chìm xuồng”, liệu có xảy ra điều này hay không?... Nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Tạm đình chỉ hoàn toàn sai luật

Trong vụ án này, Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can để chờ kết quả ủy thác tư pháp từ phía Trung Quốc là không phù hợp với quy định pháp luật về tố tụng hình sự. Thứ nhất, theo quy định tại điều 160 bộ luật Tố tụng hình sự thì việc tạm đình chỉ điều tra chỉ đặt ra trong các trường hợp bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác có chứng nhận của hội đồng giám định pháp y; vụ án chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu; trường hợp đã trưng cầu giám định nhưng chưa có kết quả giám định mà hết thời hạn điều tra thì tạm đình chỉ điều tra. Thứ hai, khi ủy thác tư pháp để xác định thông tin của người bị hại không có kết quả thì cơ quan điều tra không được tạm đình chỉ điều tra mà cần tách việc giải quyết vấn đề dân sự khỏi vụ án hình sự bởi theo quy định tại điều 28 bộ luật Tố tụng hình sự 2003 thì trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM

Hoàng Tuấn

>> Giám sát đặc biệt những vụ án “đầu voi đuôi chuột”  
>> Khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng trong vụ chìm tàu Dìn Ký
>> Tàu Dìn Ký" vẫn chưa chịu nổi
>> Thử phân tích nguyên nhân lật tàu Dìn Ký và vấn đề trách nhiệm
>> Đưa tàu Dìn Ký về cảng khám nghiệm
>> Khẩn trương điều tra vụ chìm tàu Dìn Ký

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.