Có thẻ nhà báo rồi, sao còn đòi giấy giới thiệu ?

23/12/2014 09:00 GMT+7

Đó là câu hỏi Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt ra khi cho ý kiến Dự thảo “Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND” trong phiên họp Ủy ban Thường vụ QH hôm qua.

Đó là câu hỏi Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt ra khi cho ý kiến Dự thảo “Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND” trong phiên họp Ủy ban Thường vụ QH hôm qua.

 Các nhà báo tác nghiệp tại một phiên tòa - Ảnh: Diệp Đức Minh
Một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu tập trung là hành vi cản trở tại phiên tòa xung quanh quy định nhà báo đến phiên tòa phải có giấy giới thiệu và thẻ nhà báo.
Phóng viên có thẻ nhà báo thì nghiễm nhiên được vào phiên tòa để đưa tin vì chỉ cần xuất trình thẻ, tại sao lại quy định thêm phải có giấy giới thiệu? Thẻ nhà báo to hơn giấy giới thiệu tại sao còn hỏi giấy giới thiệu?
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nêu vấn đề: Nhà báo tham dự phiên tòa có nhất thiết phải có thẻ nhà báo mới được vào đưa tin về diễn biến phiên tòa hay không? Việc phóng viên có thẻ nhà báo thì nghiễm nhiên được vào phiên tòa để đưa tin vì chỉ cần xuất trình thẻ, tại sao lại quy định thêm phải có giấy giới thiệu? Thẻ nhà báo to hơn giấy giới thiệu tại sao còn hỏi giấy giới thiệu? “Quy định về phiên tòa như vậy, nếu nhà báo không chấp hành mà cố tình vào thì bị phạt. Như vậy có phải là hành vi cản trở phiên tòa chưa? Quy định như vậy, ông thẩm phán đang làm, tôi vào như mọi người thì có gì mà cản trở. Gác cổng không có thẻ thì không cho vào thì thôi chứ sao lại xử phạt?”, Chủ tịch QH đặt câu hỏi.
Lý giải về quy định trên, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình nói Pháp lệnh được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết của QH về xây dựng luật; Hiến pháp 2013, khoản 2 điều 14 quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật. Pháp lệnh này được dự thảo trên cơ sở luật Xử lý vi phạm hành chính, một phần của bộ luật Tố tụng dân sự. Ông Bình cũng cho rằng, báo chí đến tác nghiệp thì khác, phải có thẻ và mang công cụ, phương tiện phải an toàn và vì tính uy nghiêm của phiên tòa nên phải chấp nhận nội quy. Nhiều nước, tại các phiên tòa, phóng viên còn không được mang phương tiện, nên việc đưa quy định như vậy là cần thiết.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, tòa án xét xử công khai thì nhà báo và dân chúng được vào. Nhưng do điều kiện vật chất chỉ bố trí số lượng nhất định trong phiên tòa thì phải thu xếp. Tòa có thể chủ động mời, còn số lượng còn lại có thể theo dõi trên màn hình. “Phóng viên có thẻ nhà báo thì được tham dự chứ quy định thêm giấy giới thiệu để làm gì? Phạt sinh ra cãi nhau, phức tạp và có thích đáng không? Những vấn đề này cần thảo luận thêm để làm rõ những quy định trên chứ không thông qua tại phiên họp này”, Chủ tịch lưu ý.
“Ngang như thế mà tôi thấy không ai giải quyết gì cả” 
Trong phiên họp, Ủy ban Thường vụ QH cũng thảo luận về một số vấn đề lớn của dự thảo luật MTTQ VN (sửa đổi), luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi). Một số ý kiến cho rằng quy định về phản biện xã hội tại dự thảo luật MTTQ VN còn chưa rõ, chung chung; phạm vi, đối tượng phản biện quá hẹp, chỉ phản biện dự thảo văn bản, không phản biện những chủ trương, chính sách hiện hành là không đầy đủ, đề nghị quy định rõ MTTQ VN được phản biện trên lĩnh vực nào.
Tại kỳ họp QH vừa qua, khi thảo luận dự thảo luật Ban hành văn bản pháp luật, còn nhiều vấn đề các đại biểu có quan điểm trái chiều nhau. Trong phiên họp chiều qua, Ủy ban Pháp luật chủ trì tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến, trong đó nổi lên quy định về thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật.
Phê bình báo cáo của Ủy ban Pháp luật chưa chi tiết và chuẩn bị không kỹ, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu đối với một dự luật quan trọng như thế này phải chuẩn bị cẩn trọng. Vừa qua, rà soát cho thấy có hơn 380 văn bản ra trái luật, do đó nếu cần thiết cho ý kiến qua 3 kỳ QH mới thông qua. Theo Chủ tịch, luật phải đơn giản, không nên phức tạp hóa làm rối rắm, khó hiểu. Cấp nào được ban hành văn bản luật nào thì phải ghi rõ, còn không ghi thì cấm không được ban hành. Ai vi phạm trong khâu ra văn bản triển khai luật phải chịu trách nhiệm.
Chủ tịch nêu dẫn chứng, khi ban hành chính sách chế độ cho người có công, luật quy định từ ngày 1.1 cấp phát 100.000 đồng/người nhưng đến ngày 1.5 mới ban hành nghị định, ngày 1.9 mới ban hành thông tư. Khi ra thông tư lại nói có hiệu lực kể từ sau 45 ngày đăng công báo. “Ông thi hành từ lúc nào kể từ ngày ra công báo?”, Chủ tịch đặt câu hỏi rồi nói: “Nghị định, thông tư chậm cả năm so với luật. Giờ ban hành thông tư lại nói có hiệu lực từ 45 ngày kể từ ngày ra công báo. Ngang như thế mà tôi thấy không ai giải quyết gì cả”.
Theo Chủ tịch QH, cần quy định trong dự thảo luật nếu QH đã thông qua luật rồi phải có dự thảo nghị định đi kèm, trước thời hạn luật có hiệu lực phải ký ban hành nghị định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.