“Cảnh sát áo xanh” bắt cướp

02/09/2012 03:40 GMT+7

Ở trung tâm TP.HCM, bên cạnh công an, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) bảo vệ du khách cũng góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn an ninh trật tự.

>> Người đẹp 2 lần bắt cướp
>> Nổ súng truy bắt cướp ở trung tâm thành phố
>> Hiệp sĩ" Sài Gòn bắt cướp
>> Quần chúng bắt cướp

Trung tâm TP.HCM tập trung nhiều ngân hàng, cũng là nơi thu hút lượng lớn du khách tới lưu trú, tham quan du lịch... Chính vì vậy, nơi đây là chốn lý tưởng để bọn cướp giật, trộm cắp, lừa đảo tìm tới để “ăn hàng”.

thanh niên xung phong 
Một tên cướp bị các trật tự viên bắt giữ sau khi rượt đuổi qua nhiều tuyến đường - Ảnh: Công Nguyên

Những cuộc truy bắt nghẹt thở

Một đêm đầu tháng 8, chúng tôi có dịp theo chân đội bảo vệ du khách của xí nghiệp phục vụ công cộng (Công ty dịch vụ công ích TNXP) tuần tra trên các tuyến đường ở trung tâm TP.HCM. Đồng hồ điểm 19 giờ, tổ tuần tra 6 người của đội lên đường làm nhiệm vụ.

23 giờ 45 phút, tổ tuần tra trong trang phục màu xanh TNXP đang đi trên đường Nguyễn Thị Nghĩa (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) thì nghe tiếng xe máy gầm rú và tiếng hô cướp cướp của người dân hai bên đường. Theo kinh nghiệm, các trật tự viên quay đầu xe đuổi theo 2 thanh niên đi trên chiếc Wave chạy bạt mạng về hướng cầu Ông Lãnh. Cuộc rượt đuổi kéo dài qua nhiều tuyến đường, hai nghi can cố tình chạy vào luồng ô tô, vượt đèn đỏ… để “cắt đuôi” các “cảnh sát áo xanh”. Đến đường Đề Thám (P.Cô Giang, Q.1), các trật tự viên áp sát và đạp ngã xe hai nghi can. Một tên chạy vào hẻm tẩu thoát, tên còn lại bị bắt giữ cùng chiếc xe.

 

Tuần tra liên tục

Theo anh Trần Duy Nguyên, Giám đốc Xí nghiệp dịch vụ công cộng, Đội tuần tra bảo vệ du khách được thành lập năm 2006, hiện có 12 thành viên chia làm 2 ca, phối hợp công an phường thay phiên tuần tra trên các tuyến đường tại trung tâm thành phố để ngăn chặn, phát hiện bắt giữ các tên cướp, lừa đảo, móc túi nhắm vào du khách nước ngoài. Trong 7 tháng đầu năm 2012, đội tuần tra phát hiện 6 vụ cướp giật, móc túi, trộm cắp, lừa đảo ngay tại trung tâm thành phố. Chỉ tính riêng năm 2011, đội tuần tra du khách phát hiện 37 vụ, bắt giao công an xử lý hàng chục tên cướp giật, móc túi và trộm cắp.

Khi bị khống chế, nghi can luôn miệng la lớn và đánh trả lại các trật tự viên. Do nghi can là người địa phương nên hàng trăm người dân quây kín các trật tự viên nhằm tạo điều kiện cho anh ta tẩu thoát. Nhiều thanh niên quá khích đã tấn công các trật tự viên, một số khác chửi bới, la ó nhằm gây áp lực. Trước tình thế căng thẳng, một trật tự viên điện báo Công an P.Phạm Ngũ Lão đến hỗ trợ. Khi xe tuần tra của công an có mặt, nghi can bị đưa đi thì đám đông mới chịu giải tán.

Trước đó, vào đêm 5.7, các “cảnh sát áo xanh” trên đường tuần tra trước Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (đường Võ Văn Tần, Q.3) nghe tiếng hô cướp, đã đuổi theo và bắt gọn hai tên cướp đi xe máy vừa giật điện thoại iPhone của người đi đường. Tại cơ quan công an, chúng khai tên Phan Bá Vũ (23 tuổi) và Nguyễn Văn Luông (22 tuổi, đều ngụ Q.6, TP.HCM) và thừa nhận hành vi cướp giật.

Chiều tối 9.4, trên đường Phạm Hồng Thái, nghe tiếng tri hô của người dân và phát hiện hai thanh niên đi xe máy đang bỏ chạy, đội tuần tra tổ chức truy đuổi qua các con đường Trương Định, Nguyễn An Ninh, Phan Chu Trinh, Lê Lợi. Tới vòng xoay Bến Thành, tổ tuần tra đạp ngã xe 2 nghi can, bắt giao Công an P.Bến Thành xử lý.

Điểm nóng tại trung tâm

Đêm về khuya, trời Sài Gòn se lạnh, những chiếc xe của đội tuần tra bảo vệ du khách băng băng trên các tuyến đường trung tâm TP. Các thành viên của đội đảo mắt liên tục để phát hiện những kẻ khả nghi. Thấy đoàn khách nước ngoài băng qua đường Tôn Đức Thắng, cả đội liền áp sát bảo vệ. Anh Nguyễn Kim Đức, đội phó, bảo: “Những tên cướp giật, móc túi, trộm cắp thường chọn những địa điểm như thế này để gây án. Ngoài địa điểm này ra thì các tuyến đường như: Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi, Lê Lai - Trương Định, Hàm Nghi, Đồng Khởi, khu vực chợ Bến Thành… cũng là những điểm nóng về cướp giật. Vì những nơi này du khách hay qua lại, cộng với địa hình dễ tẩu thoát về nhiều hướng, gây khó khăn cho việc vây bắt”.

Với kinh nghiệm hơn 5 năm trong nghề bảo vệ du khách, anh Đức cho biết thời gian gần đây, bọn cướp trở nên tinh ranh hơn chứ không liều lĩnh, thách thức lực lượng tuần tra như trước nữa. Chúng hay chọn thời điểm sẩm tối và đêm khuya để gây án. Thường bọn chúng ăn mặc rất lịch sự, đi xe rảo quanh trên các tuyến đường, khi phát hiện “con mồi” thì bám theo, chờ thời điểm thích hợp mới ra tay rồi phóng xe bỏ chạy với tốc độ kinh hoàng. Khi bị rượt đuổi, bọn cướp thường chạy vào làn xe ô tô, chạy ngược chiều, vượt đèn đỏ; dùng dao, kim tiêm tấn công người truy đuổi hòng thoát thân...

Cũng theo anh Đức, việc nhận biết nghi can cướp giật ngoài đường không khó. Chúng thường đi xe đôn dên xoáy nòng nên tiếng xe khác với bình thường. Đa phần những tên cướp là nghiện, vì vậy rất dễ nhận biết khi nhìn nét mặt, màu da và khi ra đường vào đêm khuya chúng thường mặc áo khoác...

Ngoài cướp giật, hiện nay các tên móc túi thường hay dàn cảnh để lấy tài sản của du khách. Khi phát hiện du khách đi trên lề đường, một tên liền xuống xe đi bộ kè sát du khách, tên còn lại chạy xe lên vỉa hè, giả vờ va chạm nhẹ vào du khách. Do bị tông bất ngờ nên du khách phải né tránh. Lợi dụng tình thế, tên đi bộ nhanh tay móc túi lấy ví tiền, điện thoại của du khách. Trong những ngày lễ hội, tết thì các băng móc túi thường đi 4 tên trở lên. Khi đã chọn “con mồi”, bọn chúng áp sát, vây lấy nạn nhân, rồi một trong bốn tên nhanh tay móc túi lấy tài sản, sau đó chuyền nhau và chuồn mất. Với chiêu thức trên, khi nạn nhân phát hiện cũng khó lòng bắt được hung thủ, vì tang vật đã được một tên khác cất giữ và cao chạy xa bay…

Công Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.