Pháp luật không thể tùy tiện

02/01/2014 02:33 GMT+7

Mặc dù thừa nhận tình trạng các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí xuất bản bị điều chỉnh bởi quá nhiều nghị định về các lĩnh vực khác nhau, nhưng thay vì cam kết rà soát khắc phục thì đại diện Bộ Tư pháp, trong phiên họp báo hôm 31.12, lại đưa ra giải pháp: “Cơ quan nào lập biên bản trước, cơ quan đó sẽ xử phạt”.

Điều này cho thấy sự tùy tiện, ngay trong lối tư duy của cơ quan chuyên môn cao nhất được giao “quản” toàn bộ quá trình thẩm định, kiểm tra việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, là Bộ Tư pháp.

Thực ra, trong quá trình thực hiện loạt bài Ai được xử phạt báo chí? phản ánh một thực tế mà nói như nhà báo Hữu Thọ là “không có nước nào trên thế giới mà từng bộ đòi xử phạt báo chí như ở nước ta”, Báo Thanh Niên đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Bộ Tư pháp, các cục vụ chức năng, thậm chí là gửi câu hỏi theo yêu cầu nhưng đều không nhận được hồi âm. Khi buộc phải trả lời tại một phiên họp báo công khai thì câu trả lời có lẽ đủ làm thất vọng ngay cả những người lạc quan nhất.

Khoản 1, điều 3 luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rất rõ về nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật”. Trong đó thống nhất là tiêu chí quan trọng nhất, bảo đảm tính khả thi của văn bản pháp luật. Nhưng rõ ràng, không chỉ báo chí, mà trong rất nhiều lĩnh vực, các nguyên tắc này đã chưa được tuân thủ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng cơ bản là do chúng ta duy trì hệ thống luật khung nhiều quá; trong khi điều 8 luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định “văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi văn bản đó có hiệu lực thì thi hành được ngay”. Một nghiên cứu của Trung tâm thông tin QH cho thấy hệ thống pháp luật VN có hình thù khá kỳ dị. Trong khoảng 4 năm từ 2001 - 2005, QH ban hành 52 đạo luật, 20 pháp lệnh, song chúng được hướng dẫn thi hành bởi hơn 1.000 nghị định và hàng chục nghìn thông tư, chỉ thị, quyết định của các cấp, ban ngành từ cao xuống thấp. Luật Đất đai được thực thi bởi 126 văn bản hướng dẫn. Có khoảng 300 văn bản pháp luật khác nhau đang còn hiệu lực trong lĩnh vực môi trường…

Quá nhiều loại văn bản, được nhiều cấp ban hành, nhưng lại thiếu cơ chế cân nhắc toàn diện, nên mâu thuẫn và chồng chéo là khó tránh khỏi. Điều này khiến pháp luật trở nên phức tạp, khó hiểu và vì thế, kém hiệu lực.

Khắc phục chuyện này có những giải pháp mang tính nguyên tắc như: đơn giản hóa hệ thống luật pháp, hạn chế luật khung và đặc biệt là có cơ chế thẩm tra, giám sát hiệu quả. Hiện nay, Bộ Tư pháp được giao thẩm quyền trong cả 2 giai đoạn ban hành luật pháp: thẩm tra (giai đoạn soạn thảo) và kiểm soát (giai đoạn thực thi).

Nhưng đã có nhiều sai phạm xảy ra và cần thiết phải tăng cường năng lực ở khâu “gác cửa” này. Nên chăng, giao trở lại việc giám sát ban hành văn bản pháp luật cho ngành kiểm sát - nơi có bộ máy độc lập do QH tổ chức, nơi từng làm rất tốt công việc này hồi trước năm 2003.

An Nguyên

 >> Ai nhanh chân hơn thì được... xử phạt !?
>> Ai cũng được xử phạt báo chí? - Đi ngược xu thế chung
>> Không nên ra nghị định riêng xử phạt báo chí! 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.