Phân tuyến trường học theo bản đồ GIS: Hợp lý, linh hoạt

07/07/2023 07:40 GMT+7

Năm học 2023 - 2024, lần đầu tiên TP.HCM thực hiện thí điểm áp dụng hệ thống thông tin địa lý - bản đồ GIS trong quá trình phân tuyến tại TP.Thủ Đức, Q.8 và Q.Tân Bình.

Việc tuyển sinh các lớp đầu cấp lớp 1, lớp 6 tại 3 địa phương nói trên thực hiện theo nguyên tắc phân bổ học sinh (HS) vào học tại trường gần nơi cư trú, có thể xem xét không phân theo địa giới hành chính của phường.

Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, sở chọn 3 địa phương nói trên thí điểm áp dụng bản đồ số GIS vào tuyển sinh bởi đây là các địa phương đặc thù, nhiều năm nay đã rất linh hoạt trong tuyển sinh đầu cấp, giải quyết để đảm bảo chỗ học cho HS.

Phân tuyến theo bản đồ GIS hợp lý, linh hoạt  - Ảnh 1.

Học sinh lớp 1 Trường Trần Quốc Toản, Q.Tân Bình, TP.HCM. Đây là một trong 3 quận của TP.HCM năm nay thí điểm phân tuyến theo bản đồ GIS.

ĐỘC LẬP

Trong đó, Q.8 là một trong những địa phương có dân số nhập cư đủ để áp dụng thí điểm, từ đó rút kinh nghiệm. Còn Q.Tân Bình là địa bàn tương đối ổn định về số HS hằng năm song lại giáp ranh nhiều quận có áp lực về tuyển sinh. TP.Thủ Đức là một trong những địa bàn "nóng" với quy mô 34 phường, có những đặc thù riêng, giáp ranh khu vực địa giới ngoại tỉnh Bình Dương, tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp. Việc áp dụng thí điểm sẽ giúp địa phương phần nào bớt áp lực trong việc giải quyết chỗ học cho HS đầu cấp. Đồng thời, việc thí điểm ở 3 địa phương đặc thù cũng sẽ là cơ sở để đánh giá hiệu quả, tiêu chí thực hiện cho những năm tiếp theo, ở những địa phương tiếp theo.

Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD-ĐT Q.8, cho hay trước đây nguyên tắc phân tuyến là HS cư trú ở phường nào sẽ học tại trường đóng trên địa bàn phường đó. Nhưng với việc tuyển sinh áp dụng bản đồ GIS thì có thể phân tuyến theo hình thức địa bàn phường hoặc liên phường, sao cho HS đi học trường gần nhà nhất có thể.

Ông Dân nhấn mạnh, việc tuyển sinh theo cách mới sẽ phần nào xóa bỏ hạn chế của cách phân tuyến theo địa giới hành chính phường đã tồn tại nhiều năm nay, khi HS đi học lớp 1, lớp 6 ở trường nằm trên địa bàn phường nhưng có thể phải di chuyển xa hơn so với trường ở phường lân cận.

Phân tuyến trường học theo bản đồ GIS: Hợp lý, linh hoạt
 - Ảnh 2.

Học sinh Trường mầm non 19/5 (Q.8, TP.HCM)

B.T

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình cũng cho hay dùng bản đồ GIS xác định được khoảng cách từ nhà đến trường tiểu học gần nhất để việc đi học thuận tiện hơn so với việc chỉ rập khuôn phân tuyến theo phường như trước đây.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình cho biết sẽ không cứng nhắc khi áp dụng bản đồ GIS mà có sự linh động, linh hoạt trong những trường hợp cụ thể. Chẳng hạn gia đình có 2 con, con thứ nhất đang học trường A, nay con thứ 2 khi áp dụng bản đồ GIS có thể phân tuyến sang học trường B. Như vậy sẽ bất tiện trong việc đưa đón nên phụ huynh có thể báo với phường nơi mình cư trú để hỗ trợ tạo điều kiện trong việc khai báo và tuyển sinh.

Thêm vào đó, vị lãnh đạo trên cũng đưa ra tình huống có những phụ huynh HS ở phường A và được phân tuyến theo bản đồ GIS là trường ngay gần nhà nhưng đóng trên địa bàn phường B. Tuy nhiên phụ huynh lại muốn học ở trường đóng trên địa bàn phường cư trú dù khoảng cách từ nhà đến trường xa, thì ban tuyển sinh cũng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ trong trường hợp có thể.

Phân tuyến trường học theo bản đồ GIS: Hợp lý, linh hoạt
 - Ảnh 3.

Học sinh Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP.Thủ Đức). Trường này năm nay lần đầu tiên tổ chức tuyển sinh đầu vào lớp 6 bằng bài khảo sát năng lực như Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa

WEBSITE NHÀ TRƯỜNG

Việc tuyển sinh lớp 1 đợt 1 trên địa bàn TP.Thủ Đức đã hoàn thành khoảng 92%. Đợt 2 đang diễn ra, phụ huynh đang chờ kết quả.

Chị Đ.D, phụ huynh có con sắp vào lớp 1, trú P.Phú Hữu, TP.Thủ Đức, cho biết: "Khi công bố kết quả tuyển sinh đợt 1 thì tôi mới biết bé nhà tôi bị nhầm nơi tạm trú, dẫn tới kết quả là anh hai của bé đang học tiểu học một trường, còn bé được phân sang một trường tiểu học khác, không tiện đưa đón. Tôi đã liên hệ với bộ phận tuyển sinh của địa phương, nhờ điều chỉnh thông tin và đăng ký xét tuyển đợt 2".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.