Loạn sách tào lao

12/12/2014 04:30 GMT+7

Khi nói đến chiều sâu văn hóa của một quốc gia, người ta nghĩ ngay đến những đầu sách giá trị mà quốc gia ấy có thể có được để góp chung vào văn hóa thế giới. Tác giả và những người làm công tác xuất bản thì có quốc tịch nhưng quyển sách ra đời lại không có biên giới.

Tiếc thay, một số người viết sách và làm công tác xuất bản sách trên đất nước chúng ta hiện nay không hiểu ra những giá trị văn hóa ấy của sách; đâm đầu chạy theo lợi nhuận, theo thói háo danh. Nhiều quyển sách được in ra chẳng những đã không đem lại giá trị văn hóa tinh thần có ích cho bạn đọc; ngược lại còn làm hoen ố thế giới sách, xuyên tạc lịch sử và những con người khả kính, thậm chí còn có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về xuất bản. Người đọc sách đang chứng kiến một giai đoạn mà những đầu sách tào lao đang làm xấu thị trường.

Do lối làm ăn chụp giựt, một số nhà xuất bản (NXB) không in ra được một đầu sách nào, chủ yếu chỉ sống dựa vào việc bán giấy phép cho tư nhân, để cho tư nhân mặc tình thao túng các quy trình xuất bản. Sự kém cỏi về quản lý đã tạo ra những đầu sách buồn cười như quyển Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 in hình diễn viên Công Lý ở trần ngay trên bìa sách. Bị báo chí phê phán, NXB Lao động - Xã hội đã ra thông báo thu hồi, mua lại sách.

Chi nhánh nhà sách tư nhân Thành Nghĩa (Hà Nội) vừa bị xử phạt hành chính 50 triệu đồng về hai đầu sách Danh nhân và thời đạiĐại quang Việt sử. Hai quyển sách này sai sót nghiêm trọng về nội dung, xuất bản trái phép. Việc này chủ yếu cũng do chuyện mua giấy phép mà ra.

Mới đây, ngành chức năng đã có ý kiến đề nghị tạm đình chỉ hoạt động đối với NXB Văn hóa - Thông tin về những sai phạm nghiêm trọng khi cho xuất bản đầu sách Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc. NXB này đã “liên kết” với nhà sách Tân Việt, Trung tâm dịch thuật, dịch vụ văn hóa và khoa học công nghệ, giao công tác biên tập cho một tiến sĩ và một bác sĩ chủ biên. Điểm tào lao nhất của đầu sách này là hình ảnh các danh tướng ngày xưa của VN được vẽ như nhân vật kiếm hiệp trong phim chưởng Hồng Kông... Buồn cười nhất là năm vị nữ tướng của phong trào Tây Sơn được vẽ theo phong cách tranh manga, chibi của Nhật Bản.

Không hiểu tiến sĩ và bác sĩ “chủ biên” đã “biên tập” thế nào mà để cho danh tướng Lý Thường Kiệt - vốn là một hoạn quan, lại có râu mới là ngộ nghĩnh. Còn binh khí mà các danh tướng cầm toàn là binh khí trong game online nhái từ mạng mà ra. Việc ăn cắp những hình ảnh, thậm chí những tư liệu trên mạng đã tạo ra một đầu sách hổ lốn. Những kiến thức lịch sử về các danh tướng hiện đại sai sót khá nhiều đến nỗi ngay thân nhân của các vị tướng lĩnh cũng lên tiếng phê phán.

Việc cơ quan chức năng mạnh dạn chế tài, xử phạt các đầu sách tào lao và các NXB nói trên được dư luận đồng tình ủng hộ. Trước nay, chúng ta hay nương nhẹ với sách và đặc biệt là nương nhẹ đối với những tác giả viết ra những nội dung sách tào lao, đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc. Cho nên, ngoài việc chế tài, xử phạt nên truy cứu luôn trách nhiệm những người viết sách cẩu thả, xuyên tạc lịch sử, đầu độc tâm hồn trẻ thơ (trong dạng sách rèn luyện kỹ năng cho trẻ em mới vào tiểu học). Làm nghiêm với những loại đối tượng trên là góp phần bảo vệ sự trong sáng của thế giới sách, bảo vệ các NXB đứng đắn và các người viết sách có tâm huyết với cuộc sống và có trách nhiệm với người đọc.

“Không biết các cơ quan quản lý việc xuất bản sách làm gì, ở đâu?” là những câu hỏi của nhiều bạn đọc về bài viết Loạn sách tào lao đăng trên Báo Thanh Niên số ra ngày 12.12.

Hệ lụy

Chuyện khó hiểu khi có cuốn sách ngoài bìa ghi của nhà xuất bản A nhưng bên trong lại ghi nhà xuất bản B, hay một cuốn từ điển nhưng có đến 4 nhà xuất bản liên quan. Chuyện gì xảy ra vậy? Điều đó cho thấy tình trạng tùy tiện mua bán giấy phép xuất bản thời gian qua.

Hồ Vinh
(vinhhodanang@gmail.com)

Siết chặt liên kết xuất bản

Hầu hết các vụ sai sót trong xuất bản đều ở sách liên kết. Đã đến lúc phải siết chặt sự liên kết xuất bản của nhà xuất bản với các đơn vị tư nhân. Chính sự lỏng lẻo, phó mặc cho đơn vị liên kết trong thời gian qua đã làm thị trường sách trở nên hỗn loạn.

Võ Duy Tuấn
(nguoila@yahoo.com)

Báo động

Chưa bao giờ những quyển sách “tào lao” được xuất bản nhiều như thời gian qua, khiến những người thật sự yêu sách, quý sách và những người có tâm huyết với sách buồn nản đến vậy. Từ sách luật pháp, văn hóa, lịch sử... đều có nhiều cuốn chứa đựng nội dung, hình ảnh chẳng những sai lệch, vay mượn, chắp vá mà còn rất phản cảm. Xuất bản sách đang ở mức báo động.

Nguyễn Văn Mạnh
(manh_nguyen@yahoo.com)

 Trách nhiệm của cơ quan quản lý xuất bản Sai sót trong xuất bản sách cho thấy một bộ phận không nhỏ những người làm ở lĩnh vực này thiếu cả tâm lẫn tài. Đã đến lúc phải chấn chỉnh lại từ khâu quản lý. Sai phải xử thật nghiêm thật nặng, buộc thu hồi sách, bồi thường gấp nhiều lần giá trị cho độc giả đã mua phải sách “tào lao”.

Huỳnh Duy Hiệu
(Q.8, TP.HCM)

Dường như mọi sai sót trong sách đều do sự phát hiện của báo chí, sau đó nhà xuất bản mới biết, cơ quan quản lý mới biết. Mà những sai sót ấy không hề khó nhận thấy. Vậy có phải do biên tập, kiểm tra yếu kém hay vì lý do gì đó họ dễ dàng cho qua khi kiểm tra, biên tập sách?

Trần Hải Triều
(H.Bình Chánh, TP.HCM)

 
 Trần Hải Triều

Thanh Đông
(thực hiện)

BAN CTBĐ
(tổng hợp)

Vũ Đức Sao Biển

>> Đề nghị tạm dừng hoạt động Nhà xuất bản Văn hóa thông tin
>> Nhà xuất bản 'sống' nhờ... liên kết
>> Công Lý bị in hình cởi trần mặc quần nhỏ trên sách: Nhà xuất bản chưa kỷ luật ai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.