Đồng Dương kỳ bí - Kỳ 4: Kho vàng hời và cuộc săn lùng dai dẳng

11/12/2014 05:15 GMT+7

Nhiều người tin rằng trong khuôn viên khu Phật viện có một mốc dấu để nhận biết cửa kho vàng hời, được người Chăm chôn giấu cách đây cả 1.000 năm.

>> Đồng Dương kỳ bí - Kỳ 3: Thủy đạo bí mật trong lòng Phật viện
>> Đồng Dương kỳ bí - Kỳ 2: Tấm văn bia bị đánh cắp
>> Đồng Dương kỳ bí: Pho tượng bồ tát bị bẻ hoa sen


Dấu tích của những cuộc săn tìm kho báu vàng hời để lại ngày nay là những bãi đất đá
nham nhở trong Phật viện Đồng Dương  - Ảnh: Hoàng Sơn
 

Ẩn số kho báu trong lòng đất

Các cụ già tại làng Đồng Dương (H.Thăng Bình, Quảng Nam) ngày nay vẫn thường kể cho con cháu nghe câu chuyện về một kho báu được người Chăm pa tiền nhân sinh sống trên mảnh đất này chôn giấu cách đây cả ngàn năm.

Chúng tôi về Phật viện, hỏi những người dân về kho vàng thì gặp ngay những ánh mắt hồ nghi. Cụ Trà Tấn Huệ (84 tuổi) kể rằng, thuở nhỏ cụ thường được những người lớn nói về một kho vàng hời được chôn cách khu tháp cổ khoảng 500 m đường chim bay, nhưng không nhắc đến phương hướng. Kho báu này có cửa hẳn hoi và phải tìm đúng dấu hiệu được người xưa để lại mới có cơ may tiếp cận. “Như ông nội tôi khẳng định thì kho báu là có thật và được giấu rất kỹ. Nhưng sau này, nhiều người trong và ngoài địa phương đổ về tìm kiếm cả trong lẫn ngoài địa hạt khu Phật viện khiến tôi tin rằng đây chỉ là một câu chuyện truyền thuyết mà thôi…”, cụ Huệ nói.

Khác với cụ Huệ, cụ Trà Diếu (86 tuổi) lại tin rằng kho báu vàng hời là có thật. Cụ Diếu khẳng định qua những câu chuyện kể và những “chứng cứ” cụ thu thập được từ thực tế thì kho báu chỉ nằm lân cận khu Phật viện. Con trai cụ Diếu là ông Trà Tấn Thanh (50 tuổi) cho biết đã nhiều lần ông nghe cha nhắc đến chuyện kho vàng hời nhưng gặng hỏi thì cụ không nói. “Tôi cùng nhiều anh em trong làng từng tham gia tìm kho báu nhưng bất thành. Bởi dấu vết quá mơ hồ, có chăng chỉ là những hạt vàng cám li ti tìm được ở nơi cách tháp cổ đến hơn 1 km”, ông Thanh nói. Khi chúng tôi tìm hiểu về kho báu vàng hời, cụ Díu ngồi bên cạnh không muốn góp chuyện và có ý lảng đi vì lo ngại người lạ lân la tìm manh mối. “Đã có nhiều người đến hỏi tôi về chuyện kho báu nhưng tôi không nói. Tôi có thể vẽ lại các ngọn tháp, cả sơ đồ để tìm kiếm nhưng sẽ truyền lại cho người mà tôi tin cẩn nhất”, cụ Díu tỏ vẻ bí hiểm.

Kho vàng hời đến nay vẫn là ẩn số. Có người săn tìm đã lâu, nản chí bỏ cuộc, có người tiếp tục nghe ngóng. Từ sau năm 1975, qua nhiều cuộc tìm kiếm bất thành, những nhóm tìm vàng đã tan rã về quê. Tuy vậy, vào những năm 1980, khi những người cố tìm kho báu phát hiện nhiều vàng cám dọc các sông Ly Ly, suối Ruột Gà… thì “cơn lốc” tìm vàng quay lại. Từ Phật viện về 3 hướng: đông, nam, bắc đâu đâu cũng có người đào xới, lật tung từng mét đất.

Truy tìm “cây duối trắng”

Việc đầu tiên những người tìm kho báu phải làm được đó là tìm “cây duối trắng” - dấu hiệu nhận biết kho vàng. Từng mảnh đất xung quanh Phật viện Đồng Dương khoảng 500 m lại được đào lên để tìm tung tích loại cây có cái tên kỳ lạ này. Đặc biệt, khu vực núi Ngang cách các tháp cổ khoảng 800 m về phía đông bị những người săn tìm kho báu quần thảo suốt ngày đêm. Nhiều người làng Đồng Dương cho hay tại vùng núi này, đã tìm thấy vết tích của những hầm lò được xây dựng bằng gạch Chăm và thu được khá nhiều vàng cám với các hình thù khác nhau. Do đó, theo phỏng đoán đây là khu vực ngày xưa người Chăm đã dùng để luyện vàng.

Cụ Trà Tấn Huệ tiếp lời: “Tại Phật viện, nhiều người cũng đào bới suốt ngày. Có 2 người trong làng đã đào được những tấm vàng hời dát thành lá… Suốt thời gian sau đó, tôi nghe đồn có người trúng vàng hời bỏ trong hũ”. Còn ông Trà Tấn Thanh cho biết vào những năm 1990, ông cùng nhóm thanh niên trong làng lần tìm kho báu về phía bắc của tháp khoảng 500 m. “Trong nhiều tháng, chúng tôi không tìm được gì đáng giá. Nhưng sau này tôi đi tìm vàng tại khu đất gần nhà thì phát hiện một que vàng có hình thù như cây kim khâu. Cây kim này không có trôn, khi bẻ đôi thì thấy bên trong có một chất kim màu trắng. Đem đến tiệm vàng, chủ tiệm bảo đây là vàng hời, khoảng 7 tuổi. Thời đó, tôi bán cây kim và mua được cái áo ấm…”, ông Thanh nhớ lại. Ông Thanh cho biết thêm nhiều người khi hay tin về dấu mốc của kho vàng hời là “cây duối trắng” đã chuyển hướng, không tìm vàng nữa mà cố tìm thứ cây kỳ lạ này. “Loại cây này trông như thế nào?”, tôi hỏi. Ông Thanh cho hay không ai thấy “cây duối trắng” ra làm sao vì nó không mọc trong vùng Đồng Dương. “Nhưng theo mô tả truyền miệng thì cây này có thân, lá, rễ đều màu trắng”, ông Thanh nói.

Theo UBND xã Bình Định Bắc, cuộc săn lùng ráo riết vàng hời và kho báu dai dẳng đến năm 2007. Nhưng đến nay vẫn có người nuôi hy vọng và lén lút vào Phật viện để tiếp tục đào bới. Cụ Huệ kể thêm khi không tìm thấy kho vàng đâu, nhiều người lại chuyển sang tìm kiếm những ngôi mộ Chăm hình mu rùa để đào bới vì tin rằng trong đó có vàng dát lá.

Kho báu vàng hời chỉ là câu chuyện dân gian

Ông Trà Tấn Túc, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc, cho hay ông có nghe câu chuyện về kho báu vàng hời và “cây duối trắng” nhưng đó chỉ là câu chuyện dân gian truyền miệng. Mọi cuộc tìm kiếm đều vô ích. “Tuy nhiên, việc người dân đổ xô đi tìm kho báu vào những năm trước là có thật. Người trong địa phương thì ít mà người ngoài địa phương thì đông, nhất là người dân ở Tây Ninh ra”, ông Túc nói. Ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, cũng cho rằng kho báu vàng hời chỉ là câu chuyện dân gian. “Nhưng chuyện phát hiện vàng non hình quả cau, lá trầu... có thể có, bởi vì người Chăm có phong tục dùng vàng non chôn làm đồ tùy táng”, ông Cẩm nhận định.

Hoàng Sơn

>> Di tích Phật viện Đồng Dương 'kêu cứu
>> Lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương
>> Phật viện Đồng Dương được đề nghị là di tích quốc gia đặc biệt
>> Kỹ thuật chống đỡ mới tại Phật viện Đồng Dương
>> Phật viện Đồng Dương có thể được công nhận Di sản văn hóa thế giới 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.