Dễ như soạn từ điển

07/12/2014 04:00 GMT+7

Chả biết câu nói trên đã được coi là thành ngữ mới hay chưa nhưng quả thật thời gian mươi năm trở lại đây, với sự xuất hiện của khá nhiều cuốn từ điển tiếng Việt , nhất là từ điển dành cho học sinh, được biên soạn cực kỳ cẩu thả, chất lượng quá kém, thì thấy dân gian nhận xét như thế cũng chả sai.

Trong lời giới thiệu cuốn Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ năm 1988, Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết “từ điển có tác dụng chuẩn hóa và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Từ điển cần cho tất cả mọi người, kể cả người đã thông thạo tiếng mẹ đẻ. Với những ai làm công việc có liên quan nhiều đến ngôn ngữ (nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, thầy cô giáo, học sinh…) thì từ điển lại càng cần thiết. Nó là cẩm nang, chìa khóa, là công cụ tra cứu, xác định… để người ta có thể yên tâm khi sử dụng ngôn ngữ mà không sợ sai.

Mặc dù không có quy định nào về người soạn từ điển nhưng thực tế cho thấy không phải ai làm cũng được. Với tiếng Việt, một ngôn ngữ khá phức tạp, vay mượn từ ngữ nước ngoài nhiều, lại biến động mạnh, phát triển nhanh thì công việc biên soạn từ điển tiếng Việt càng đòi hỏi phải do những chuyên gia, tập thể tài giỏi, kiến thức rộng, hiểu biết sâu, giàu vốn sống, nhiều kinh nghiệm, và đặc biệt phải có tác phong làm việc khoa học, cẩn trọng, công phu. Trong làng tác gia từ điển tiếng Việt xưa nay, những cái tên chỉ cần nhắc lên đã đủ giúp ta hình dung tầm vóc con người: Trương Vĩnh Ký, Thanh Nghị, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Văn Tân, Nguyễn Kim Thản, Hoàng Phê… Họ được xã hội thừa nhận, kính trọng cả về tài năng lẫn nhân cách. Lấy trường hợp cụ Đào Duy Anh. Cả chục năm trời tìm hiểu, mày mò tra cứu, hệ thống hóa, một mình cụ làm tất tật mọi công đoạn, cuối cùng Hán Việt từ điển ra đời. Nếu chỉ riêng cái tên tác giả Đào Duy Anh lúc ấy cũng đủ đảm bảo uy tín cho sản phẩm, nhưng là người cẩn trọng, cụ vẫn kính cẩn mời cụ Phan Bội Châu (Hãn Mạn Tử) hiệu đính, chỉnh lý sai sót. Trong lời đề từ, cụ Phan viết: “Mới mẻ thay, quý hóa thay! Khổ tâm nghị lực như Đào quân”. Tài giỏi đến như thế, nhưng trong lời cẩn chí, soạn giả Đào Duy Anh vẫn hết sức chân thành: “Có khuyết hám và sơ suất đến bao nhiêu, tưởng các ngài cũng sẵn lòng mà lượng thứ cho”.

Ấy vậy mà, coi lại đám hỗn độn từ điển tiếng Việt hiện nay, chúng ta không khỏi buồn lòng. Dường như không ít người xem việc biên soạn từ điển cũng dễ như đi chợ mua mớ rau con cá. Hồi giữa tháng 11, Bộ Thông tin - Truyền thông đã phải ra quyết định thu hồi một lúc 8 đầu sách từ điển tiếng Việt, hầu hết của những tác giả chuyên làm cái việc xào xáo chỗ này một ít chỗ kia một ít, rất phản khoa học. Họ còn bịa đặt, thêm thắt, làm méo mó, sai nghĩa tiếng Việt một cách trầm trọng, mà những cuốn từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất bị dư luận lên án là một ví dụ.

Để giữ cho tiếng Việt trong sáng, chuẩn mực, hãy chấn chỉnh việc biên soạn và xuất bản từ điển, đừng thả lỏng như hiện nay. 

Nguyễn Thông

>> NXB Trẻ nhận lỗi xung quanh cuốn Từ điển tiếng Việt
>> NXB Trẻ khẳng định không liên kết làm cuốn từ điển “ngây ngô”
>> Đường đi của cuốn từ điển 'ngây ngô

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.