Xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên: ‘Chồng mang về cho ký thì tôi cũng chả tìm hiểu làm gì’

03/12/2014 04:20 GMT+7

Ngày 2.12, HĐXX tòa phúc thẩm TAND tối cao tiếp tục thẩm vấn làm rõ hành vi kinh doanh trái phép, trốn thuế và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo Nguyễn Đức Kiên .

Xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên: ‘Chồng mang về cho ký thì tôi cũng chả tìm hiểu làm gì’
Bà Đặng Ngọc Lan thừa nhận đã ký hợp đồng do chồng đưa mà không nắm rõ nội dung - Ảnh: Thái Sơn

Liên quan đến tội kinh doanh trái phép tại 5 công ty, bị cáo Kiên cho rằng tất cả hoạt động mua cổ phiếu, cổ phần góp vốn vào các công ty khác là hoạt động đầu tư không phải kinh doanh dịch vụ tài chính nên không phải là hoạt động kinh doanh trái phép. 

Về tội trốn thuế, HĐXX gọi bà Đặng Ngọc Lan (vợ bị cáo Kiên), Tổng giám đốc Công ty CPĐT thương mại B&B (Công ty B&B) để làm rõ 3 hợp đồng do bà này ký: Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính ngày 25.12.2008 với Ngân hàng ACB với nội dung ủy thác cho ACB thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính thông qua kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ VN; ký hợp đồng ủy thác của bà Nguyễn Thúy Hương (em gái Nguyễn Đức Kiên), Công ty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận cho bà Hương thụ hưởng để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 25 tỉ đồng và một phụ lục hợp đồng giữa bà Ngọc Lan, Nguyễn Đức Kiên và Nguyễn Thúy Hương.

Bà Lan khai không trực tiếp đàm phán với ACB về hợp đồng và các hợp đồng được Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty B&B mang về nhà để bà ký nhưng không nắm rõ nội dung.

“Vì sao không biết nội dung mà bà lại ký?”, HĐXX hỏi. “Tôi đủ nhận thức để hiểu là trước khi ký phải đọc. Tôi lúc nào cũng tin tưởng ở anh Kiên. Việc chồng mang về cho ký thì tôi cũng chả tìm hiểu làm gì. Tôi chắc chắn anh ấy không đưa tôi ký những thứ sai”, bà Lan đáp và nói thêm, sau khi vụ án xảy ra đã có tìm hiểu nhưng trước đó không quan tâm đến chuyện làm ăn của chồng cũng như em chồng.

Khi HĐXX hỏi về trách nhiệm của bà Lan khi ký, bà Lan bật khóc nói: “Tôi ký với tư cách là một người vợ hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của chồng mình. Bây giờ tôi không thể nói là anh Kiên phải chịu trách nhiệm vì đó là chồng tôi”.

HĐXX tiếp tục thẩm vấn: “Trong luật có quy định rõ trách nhiệm của tổng giám đốc, do đó bà buộc phải hiểu biết pháp luật về những quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, HĐXX chia sẻ với điều bà nêu, ông Kiên chịu trách nhiệm chính thì bà có đồng chịu trách nhiệm?” - Bà Lan đáp:  “Tôi luôn nghĩ tôi không sai, chồng tôi không sai vì tôi hành động trên một niềm tin như thế. Tôi không thể nói tôi không có nhận thức về pháp luật, nếu nói như thế sẽ có lợi hơn cho tôi. Nhưng tôi mong HĐXX xem xét tới việc một người phụ nữ chỉ ở nhà chăm con”.

Về phần mình, bị cáo Nguyễn Đức Kiên tiếp tục phủ nhận tội trốn thuế và cho rằng vợ mình không liên quan đến sự việc này.

“Không thiệt hại hay thiệt hại đã được khắc phục ?”

Trong chiều qua, HĐXX đã chuyển sang phần xét hỏi đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo Nguyễn Đức Kiên. Tòa sơ thẩm cáo buộc bị cáo Kiên đã chuyển nhượng 20 triệu cổ phần của Công ty CP thép Hòa Phát thuộc sở hữu của Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội do Kiên làm Chủ tịch HĐQT cho Công ty TNHH MTV thép Hòa Phát với giá trị 264 tỉ đồng. Tuy nhiên, số cổ phần này đang được Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội thế chấp tại Ngân hàng ACB. Sau khi nhận được tiền bán cổ phần, bị cáo Kiên đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng vào các mục đích khác nhau và không có tác động nào để ngân hàng giải chấp số cổ phần trên. Về hành vi này, Nguyễn Đức Kiên đã bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 20 năm tù giam.

Trả lời HĐXX, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, nói thời điểm thỏa thuận mua bán cổ phần với Nguyễn Đức Kiên không biết cổ phần đã bị thế chấp. Ông Long cũng cho rằng trong sự việc này còn có câu chuyện giữa hai bên có cổ phần muốn hoán đổi cho nhau, song thừa nhận việc mua bán các món hàng được thực hiện độc lập không liên quan đến nhau.

Xác nhận sự việc này, ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, nói: “Cả anh Long và tôi đều không biết cổ phần bị thế chấp cho tới khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an thông báo”. Tuy nhiên, ông Dương cũng xin HĐXX cho trình bày quan điểm trước tòa: “Khi sự việc xảy ra, công ty con của Hòa Phát có làm đơn xin điều tra làm rõ chứ không phải đơn tố cáo ông Nguyễn Đức Kiên. Tính đến hôm nay, sau khi vụ việc xảy ra, Công ty Hòa Phát đã nhận lại số tiền mua cổ phần, việc mua bán đó không thành. Năm 2013, chúng tôi đã mua lại toàn bộ cổ phiếu đó, đến hôm nay không có thiệt hại nào. Hòa Phát không có thiệt hại nào nên xem xét vấn đề nó nhẹ nhẹ tí”.

“Đề nghị ông nói rõ, Hòa Phát không thiệt hại hay thiệt hại đã được khắc phục”, HĐXX hỏi. “Đến thời điểm này đã khắc phục”, ông Dương đáp. Trước yêu cầu giải thích thêm về đề nghị “nhẹ nhàng” trên, ông Dương nói đây là quan điểm cá nhân nên chỉ bày tỏ trước tòa như thế.

Trước tòa, bị án Nguyễn Thị Hải Yến, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội, đồng phạm trong vụ án này (đã bị tòa sơ thẩm tuyên án 5 năm tù nhưng không kháng cáo - PV) thừa nhận không được dự phiên họp của HĐQT bàn về việc xin Ngân hàng ACB giải chấp số cổ phiếu trên, nhưng đã lập biên bản với tư cách là thư ký cuộc họp theo sự chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên. “Tôi thừa nhận sai sót của mình nên sau phiên sơ thẩm không kháng cáo”, bà Yến nói.

Sẽ thu hồi 25 tỉ đồng trốn thuế khi bản án có hiệu lực

Trả lời HĐXX và các luật sư về con số 25 tỉ đồng trốn thuế của Nguyễn Đức Kiên, giám định viên Bộ Tài chính cho biết đây là phát sinh từ hợp đồng ủy thác giữa B&B và bà Hương. Chi cục Thuế Đống Đa khẳng định khi bản án có hiệu lực sẽ có công văn yêu cầu thu hồi khoản tiền này cho nhà nước.

Thái Sơn - Anh Vũ

>> Tổng giám đốc Hòa Phát đề nghị xem xét hành vi Nguyễn Đức Kiên 'nhẹ nhàng
>> Nguyễn Đức Kiên phủ nhận cáo buộc
>> Nguyễn Đức Kiên ôm ngực xúc động trả lời thẩm vấn tại tòa
>> Một nguyên tổng giám đốc ngất xỉu tại tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên
>> Nguyễn Đức Kiên đề nghị triệu tập đại diện Bộ Tư pháp
>> Hôm nay xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.